Ngoại trưởng Nga: Mỹ cần rút toàn bộ vũ khí hạt nhân của mình khỏi châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (1/3), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng, Nga thấy việc vũ khí hạt nhân của Mỹ được đặt ở châu Âu là "không thể chấp nhận được", đồng thời nói rằng đã đến "cao điểm để đưa chúng trở lại Mỹ".

Theo hãng thông tấn Nga TASS, ông Lavrov nói rằng, việc vũ khí hạt nhân của Mỹ vẫn còn ở một số quốc gia châu Âu là trái ngược với những điểm cơ bản của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc thực hiện các nhiệm vụ hạt nhân chung với sự tham gia của các quốc gia NATO phi hạt nhân vẫn tiếp diễn. Theo đó, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga đang được thực hiện", ông Lavrov nhấn mạnh. "Vũ khí hạt nhân của Mỹ phải được đưa về nước từ lâu, và cơ sở hạ tầng tương ứng ở châu Âu cũng phải bị loại bỏ từ lâu".

Bộ trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng Nga luôn tin rằng không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến như vậy sẽ không bao giờ xảy ra.

Jerusalem Post đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lặp lại tuyên bố rằng Ukraine đang có kế hoạch mua vũ khí hạt nhân, đồng thời cho rằng nước này "đe dọa an ninh quốc tế". Ông cho biết: “Nga không thể không phản ứng trước nguy cơ thực sự của việc Ukraine có được vũ khí hạt nhân và đang thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn điều này.

Hôm Chủ nhật (27/2), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh chỉ huy quân đội của mình đặt lực lượng răn đe của Nga - ám chỉ các đơn vị bao gồm vũ khí hạt nhân - trong tình trạng báo động cao, trích dẫn các tuyên bố gây hấn của các nhà lãnh đạo NATO và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

Ngoại trưởng Lavrov cũng tuyên bố rằng Nga coi việc đạt được các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý từ NATO là "tầm quan trọng cơ bản".

Một bức ảnh vệ tinh cho thấy đoàn xe thiết giáp của Nga đang tiến về Thủ đô Kyiv Ảnh: Getty Images

Ông Lavrov nói: “Mối đe dọa về một cuộc chạy đua vũ trang mới và việc biến không gian vũ trụ thành một vũ đài xung đột vũ trang đang trở thành hiện thực”.

Ngoại trưởng Lavrov đã tấn công các thành viên của Liên minh châu Âu, nói rằng họ đang cố gắng tránh né một cuộc đối thoại trung thực trực diện bằng cách lựa chọn các biện pháp trừng phạt thay thế.

Ông nói: "Thảm kịch Ukraine là kết quả của sự bảo trợ của phương Tây đối với chế độ tội phạm được hình thành ở đó".

Ngoài ra, hôm thứ Ba (1/3), Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố rằng quân đội Nga sẽ tiếp tục hoạt động ở Ukraine cho đến khi đạt được các mục tiêu.

Bộ trưởng Quốc phòng cho biết: “Bảo vệ Nga trước mối đe dọa quân sự từ phương Tây là nhiệm vụ chính của chiến dịch đặc biệt ở Ukraine".

TASS dẫn thông báo của Điện Kremlin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Pháp hôm 28/2. Thông báo cho biết, ông Putin nói với Tổng thống Emmanuel Macron rằng Nga "sẵn sàng đàm phán với các đại diện của Ukraine".

Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh một giải pháp chỉ có thể đạt được "khi các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga được tính đến một cách vô điều kiện". Trong đó, ông Putin nêu ra 3 điều kiện bao gồm:

  1. Công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea
  2. Hoàn thành mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine
  3. Đảm bảo vị thế trung lập của Ukraine

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron "khẳng định lại yêu cầu của cộng đồng quốc tế về việc ngăn chặn cuộc tấn công của Nga vào Ukraine", đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Nga: Mỹ cần rút toàn bộ vũ khí hạt nhân của mình khỏi châu Âu