Ngoại trưởng Nhật gọi điện cho Trung Quốc, lên án hành động ở Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Chúng tôi lên án tất cả hành động làm leo thang căng thẳng" trong khu vực, ngoại trưởng Nhật Bản phát biểu sau cuộc điện đàm với Trung Quốc.

Hãng tin Kyodo ngày 21/4 đưa tin, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi mới có cuộc điện đàm kéo dài khoảng một tiếng với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Theo đó, ông Motegi bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc thành lập "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" ở Biển Đông.

Ông Motegi cũng phản đối sự xuất hiện liên tiếp của các tàu Trung Quốc tại vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát. Ngày 17/4, bốn tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào khu vực này và ở lại đây khoảng 90 phút trước khi rời đi.

Trước đó, ngày 11/4, tàu sân bay Liêu Ninh và 5 tàu khu trục tên lửa khác của Trung Quốc đã đi qua vùng biển nằm giữa đảo lớn Okinawa và đảo Miyako khi tiến từ biển Hoa Đông ra Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono chỉ trích hành động này của Trung Quốc nhằm gây sức ép quân sự đối với Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, các tàu Trung Quốc đã 7 lần xâm phạm vùng biển gần quần đảo trên.

Trung Quốc tăng cường hành động trên Biển Đông

Thời gian gần đây, trong khi các nước trong khu vực và trên thế giới phải căng mình chống dịch bệnh Covid-19, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động mới trên khu vực Biển Đông.

Ngày 10/4, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay tuần tra chống ngầm có tên KQ-200 (hay Không Tiềm-200) trên đá Chữ Thập, một trong những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa.

Ngày 18/4, Trung Quốc ra thông báo Quốc vụ viện đã phê chuẩn thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" có trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là "quận Nam Sa" đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 19/4, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin về các "danh xưng tiêu chuẩn" mà Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố, áp dụng cho "25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông". Đặc biệt, trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Hôm 21/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng nói rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ "thực thi mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi tại Biển Đông".



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Nhật gọi điện cho Trung Quốc, lên án hành động ở Biển Đông