Ngôn ngữ của Quyền lực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chứng kiến thảm kịch đang diễn ra ở Ukraine, tôi không khỏi choáng váng trước sự hời hợt, nông cạn của phần lớn các bài bình luận và sự thất bại hoàn toàn của rất nhiều người trong chính quyền ông Biden, cũng như phe cánh tả cấp tiến. Họ không hiểu ngôn ngữ của quyền lực. Và họ cũng không hiểu rằng - đừng chọc vào mắt gấu Nga.

Tôi đang xem xét và nghe ngóng xếp hạng những điều vô nghĩa về cuộc xung đột này, và tôi phải đọc lại 'Học thuyết Machiavelli' để có thể hiểu một bức tranh tổng thể về những gì đang diễn ra.

Lăng kính 'chính trị'

Nào, cùng bắt đầu với một số chuyên gia.

Tờ The New York Times mô tả chuyến bay của người dân Ukraine khi đối mặt với một cuộc tấn công sắp xảy ra của Nga, "Hình ảnh và video về một lượng lớn người dân Ukraine đang di tản cho thấy, rất ít người dân đeo khẩu trang ngay cả khi nước này vừa cán mốc kỷ lục về tỷ lệ lây nhiễm".

Còn đây là Joy Behar, người đã thú nhận trên “The View” rằng, bà ấy hơi khó chịu về cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Bởi điều này có thể phá vỡ mọi trật tự trên toàn châu Âu, bao gồm cả kỳ nghỉ lý tưởng của bà ở Ý. Hàm ý của bà Behar là, ông Putin không 'đếm xỉa' gì đến các kế hoạch du lịch của bà. Không lẽ ông Putin sẽ lên kế hoạch cho việc này sau khi bà ấy kết thúc chuyến nghỉ dưỡng ở Ý?

Và còn có rất nhiều cá nhân khác đang cố gắng 'định nghĩa' cuộc xâm lược của Nga qua lăng kính của bản thân họ, với đầy rẫy 'bản sắc chính trị'. Một nhà bình luận còn lưu ý rằng, ông Putin hãy tránh xa điều này bởi vì ông ấy là người da trắng! Này, nếu Putin là người da đen hay người Latinh thì đó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo quan điểm này thì ông Putin là một người hưởng lợi bất chính của đặc quyền người da trắng!

Khi đọc những thứ như thế này, tôi ngay lập tức nghĩ đến câu nói, "Nếu đầu quý vị là cái búa thì nhìn gì cũng thấy là cái đinh".

Đặc biệt, thế hệ trẻ dường như rất mong muốn giảng dạy cho Tổng thống Nga Putin về sự thiếu nhạy cảm của ông và cảm xúc của con người là như thế nào. Đồng thời họ còn bày tỏ về cảm nhận của mình trước những động thái mới nhất của ông.

Tất cả những thứ cảm xúc này dường như cho rằng, Vladimir Putin là một sinh viên vừa mới tốt nghiệp tại một trường đại học danh tiếng nào đó và sẽ quan tâm đến cảm giác của quý vị, hoặc người dân Ukraine cảm thấy thế nào, hoặc cảm giác của “thế giới” ra sao.

Nếu quý vị từng đọc tác phẩm Quân Vương (The Prince) của Niccolo Machiavelli, quý vị sẽ nhận ra rằng Vladimmir Putin sẽ không bao giờ làm như vậy.

Đôi nét về Niccolo Machiavelli (1469-1527) và Tác Phẩm Quân Vương (The Prince)

Niccolo Machiavelli sinh tại Florence ngày 3/5/1469 trong một gia đình quý tộc đã phá sản. Cha ông là một luật sư, có được một chức vụ và địa vị trung lưu. Do không giàu có, Niccolo được giáo dục phần lớn tại gia đình rồi vào năm 1498, ông kiếm được một chức vụ trong chính quyền địa phương và đã phục vụ tại Florence trong 14 năm. Vào thời kỳ này, xứ Florence đã phát triển rực rỡ dưới quyền lực của gia đình ngân hàng rất có thế lực: Lorenzo de Medici.

Qua tác phẩm "Quân vương" (The Prince), Machiavelli đã tóm lược tất cả các kiến thức và ý kiến của ông về nghệ thuật làm vua (kingship), tài lãnh đạo và quyền lực chính trị. Ngày nay có thể xem đây là một văn bản nói tới sự tàn nhẫn, nhưng mục đích chính của tác phẩm là trình bày sự việc làm sao một vị quân vương (the prince) có thể chiếm được chính quyền, kiểm soát lãnh thổ theo ý muốn và duy trì công việc kiểm soát đó. Đây là điều mô tả một nhà cai trị của thời kỳ Phục Hưng phải hành động ra sao để thành công. Phần lớn các lời khuyên dùng cho vị quân vương hoàn toàn thực tế.

Học thuyết chính trị của Machiavelli cho rằng, bất kỳ phương tiện nào (tuy vô đạo đức) đều có thể được sử dụng bởi một người cai trị để tạo ra và duy trì chính phủ chuyên quyền của mình.

Đầu tiên vị Quân Vương phải là một chiến sĩ có tài, vừa thành công trong việc tổ chức quân đội, vừa biết tạo ra các cơ hội để bành trướng lãnh thổ và duy trì nền cai trị.

“Nhu cầu quan trọng nhất của một quân vương là quyền lực. Vị quân vương phải theo các quy tắc thực tế để nắm giữ quyền lực này. Có hai cách duy trì quyền lực: luật pháp và sức mạnh. Cách thứ nhất thì tốt nhưng luôn luôn không đủ. Vị quân vương giỏi phải dùng cách thứ hai, cách của sức mạnh. Ông ta phải vừa là một con sư tử, vừa là một con cáo, phải đủ mạnh để làm run sợ các con chó sói và phải đủ khôn ngoan để nhận biết ra các cạm bẫy. Quân Vương không cần giữ lời hứa nếu có điều gì chạm vào quyền lợi của ông ta. Phần lớn con người thì bất lương, vô ơn, lường gạt, nói dối, sợ nguy hiểm và tham lợi, cho nên tại sao vị Quân Vương phải lương thiện với họ".

"Một quân vương nên để cho người dân yêu mến hay sợ hãi? Có thể ông ta cần cả hai. Nhưng nếu phải chọn một trong hai thì an toàn hơn là để cho người dân khiếp sợ. Tuy nhiên tôi cho rằng vị Quân Vương nên làm ra vẻ bác ái và trọng danh dự, vì dù sao phần lớn con người thường bị lường gạt bởi sự phô trương và tôi đồng ý rằng một Quân Vương không kiểm soát được mình thì giống như một kẻ điên, và không còn điều nghi ngờ về một chính quyền được điều hành bằng Luật Pháp”.

Ai là người chịu trách nhiệm cho thảm họa Ukraine?

Ngay cả ở các cấp cao hơn của chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi cũng nhận thấy sự bất lực trong xếp hạng.

Sa hoàng khí hậu John Kerry, vào cuối ngày 23/2 - trước cuộc tấn công của Nga - đã đưa ra khẳng định đầy thông thái. Ông nói, miền Bắc nước Nga "đang tan băng". Về phần Putin, “cơ sở hạ tầng của ông ấy đang gặp rủi ro. Và vì vậy, tôi hy vọng Tổng thống Putin sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng về những gì cần phải làm đối với biến đổi khí hậu”. Ông Putin có thể giải quyết mối quan tâm này bằng cách giới thiệu một chương trình tái chế khi ông tiếp quản thủ đô Kyiv của Ukraine.

Xung đột Ukraine ngày thứ sáu: Ba tên lửa bắn trúng đài tưởng niệm người Do Thái ở Kyiv
Các binh sĩ Ukraine tại địa điểm xảy ra giao tranh với nhóm đột kích của Nga ở thủ đô Kyiv của Ukraine vào sáng ngày 26/2/2022. (Ảnh: SERGEI SUPINSKY/AFP via Getty Images)

Ví dụ cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng Hoa Kỳ đang tìm cách huấn luyện quân đội Ukraine “từ xa”. Tôi không bị thuyết phục bởi điều này từ xa. Khi người Nga tấn công bằng máy bay, xe tăng và pháo hạng nặng, tôi không chắc những lời khuyên chiến thuật mà các nhà lãnh đạo quân sự tỉnh táo của chúng ta có thể hỗ trợ cho người dân Ukraine qua một cuộc gọi bằng phần mềm Zoom. Đáng lẽ chúng ta đã lên kế hoạch cho việc này từ lâu và nghĩ ra một kế hoạch kháng cự tương xứng với những gì Hoa Kỳ sẵn sàng làm để cứu Ukraine khỏi bị gấu Nga nuốt chửng.

Các thành viên của một đơn vị phòng thủ dân sự Ukraine ở mặt trận phía bắc của Kyiv. (Ảnh: Getty Images)

Trong một bài phát biểu của mình vào năm 2015, nhà phân tích chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa hiện thực John Mearsheimer - bản thân ông là một học sinh sắc sảo của Học thuyết Machiavelli - đã cảnh báo rằng, Ukraine đang trên đà “sụp đổ”, và chính Hoa Kỳ cùng các đồng minh của họ đang đẩy Ukraine về phía vách đá. Đến ngày hôm nay phân tích của ông đã hoàn toàn xác đáng, vì vậy tôi muốn bổ sung thêm một chút lập luận của ông.

Quan điểm của ông Mearsheimer là Ukraine, một quốc gia nhỏ bé nằm ngoài rìa của một quốc gia lớn như Nga, luôn dễ bị nuốt chửng. Nga có thể không được khuyến khích thực hiện hành động như vậy, nhưng chắc chắn sẽ làm thế nếu họ coi Ukraine là phe thù địch, và thậm chí còn hơn thế nữa nếu Ukraine hợp tác với các đối thủ của Nga bên ngoài khu vực. Vì vậy, ông Mearsheimer kiến nghị Ukraine nên thận trọng, và tốt hơn hết là không làm điều đó - đừng chọc vào mắt gấu Nga.

Tuy nhiên, theo ông Mearsheimer, đây chính xác là điều mà giới thượng lưu Mỹ và châu Âu có tính kiêu ngạo đã và đang khuyến khích Ukraine làm. Bằng những lời ngon tiếng ngọt, Ukraine có thể được mời vào liên minh NATO và khiến cho Ukraine ảo tưởng rằng họ có thể là một phần của quân chiến thắng trước một nước Nga lớn mạnh nhưng đang chùn bước. Phương Tây đã tạo cho Ukraine một niềm tin hão huyền rằng, họ có thể đối đầu với Nga, và nếu có khó khăn, phương Tây sẵn sàng dang tay bảo vệ đất nước này.

Nhưng ông Mearsheimer cảnh báo, đó chính xác là điểm khởi đầu của chủ nghĩa hiện thực. Trên thực tế, cả Hoa Kỳ và Tây Âu đều không muốn gửi quân đến giải cứu Ukraine. Khi cuộc giao tranh bắt đầu, người Ukraine sẽ phải tự mình chiến đấu. Chắc chắn, phương Tây có thể gửi một số viện trợ, nhưng ngay cả những viện trợ như vậy cũng chẳng giúp được gì để bảo vệ một quốc gia nhỏ bé như Ukraine khỏi kẻ xâm lược khổng lồ Nga. Các ước tính tình báo thận trọng nhất cho biết, Ukraine chỉ có thể cầm cự trong vài ngày.

Vậy rốt cuộc ai là người chịu trách nhiệm cho thảm họa Ukraine? Đương nhiên chủ yếu là ông Putin bởi vì ông ấy là kẻ xâm lược. Nhưng theo Học thuyết Machiavelli, một phân tích thực tế cũng đổ lỗi cho một Ukraine vốn tưởng rằng họ có thể thoát khỏi các quy tắc chính trị đầy quyền lực, và một tầng lớp lãnh đạo phương Tây vô trách nhiệm đã 'nuôi dưỡng' Ukraine trong ảo tưởng nguy hiểm đó.

Quan điểm của ông Mearsheimer đang được chứng minh là đúng: Thực tế có thể bị bỏ qua trong một thời gian, nhưng hậu quả của việc phớt lờ thực tế, cuối cùng sẽ không bị bỏ qua.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Dinesh D'Souza là một nhà làm phim người Mỹ gốc Ấn, đồng thời là người dẫn chương trình của kênh podcast Dinesh D'Souza.

John J. Mearsheimer được đánh giá là một trong những nhà lý luận chính trị đương đại có ảnh hưởng nhất. Cuốn sách “The Tragedy of Great Power Politics” của ông xuất bản năm 2001 đang được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới. Ông hiện là Giáo sư Chính trị Quốc tế tại Đại học Chicago. Ông từng là sĩ quan trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ trước khi theo nghiệp đèn sách.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngôn ngữ của Quyền lực