Người dân Afghanistan phẫn nộ: "Họ đã bán đứng chúng tôi cho Taliban", Châu Âu đóng cửa Đại sứ quán ở Kabul

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cư dân của Herat và Kandahar bị sốc và tức giận trước sự thất thủ nhanh chóng của các thành phố của họ vào tay Taliban. Trong bối cảnh tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng, Mỹ cắt giảm tối đa nhân viên Đại sứ quán, hủy các tài liệu quan trọng và cử 3000 quân sang Kabul để hỗ trợ đưa người về nước. Các nước châu Âu đang tạm thời đóng cửa Đại sứ quán ở Kabul và nhanh chóng sơ tán nhân viên. 

Cư dân ở Herat và Kandahar nói rằng họ không thể tin rằng cả hai thành phố đã thất thủ nhanh chóng như thế nào sau nỗ lực kéo dài nhiều tuần của Taliban nhằm chiếm giữ hai thành phố lớn nhất của Afghanistan.

“Họ thực sự đã bán đứng chúng tôi, không có sự phản kháng nào của chính phủ,” một nữ cư dân ở Kandahar nói với Al Jazeera tối thứ Năm ngày 12/8. Cô vừa nén nước mắt vừa nói, người dân Afghanistan trên khắp đất nước không thể tin được rằng Kandahar có thể bị chiếm đoạt dễ dàng như vậy.

Một dân quân địa phương chống Taliban ở thành phố Herat ở phía Tây đất nước cũng nói, trên thực tế là tất cả các thành phố đang được bàn giao. Ông nói tiếp rằng Kabul và Mazar-i-Sharif cũng sẽ chịu số phận tương tự. Kabul và Mazar-i-Sharif là hai trong số những thành phố lớn cuối cùng vẫn nằm trong tay chính phủ.

Kể từ ngày 6/8, trong vòng một tuần, Taliban đã giành quyền kiểm soát 18 trong số 34 thủ phủ cấp tỉnh của Afghanistan.

Trong tuần kể từ khi Taliban chiếm thủ phủ tỉnh đầu tiên, không có quan chức chính phủ nào, kể cả Tổng thống Ashraf Ghani, công khai thừa nhận đã mất một tỉnh duy nhất.

Đối với nhiều người, việc Kandahar và Herat, hai thành phố lớn thứ hai và thứ ba của quốc gia này rơi vào tay Taliban ngày thứ Năm 12/8, là một bước ngoặt trong cuộc chiến ngày càng bạo lực giữa lực lượng của chính phủ Kabul và Taliban.

Nhiều người vẫn bàng hoàng và không thể tin vào những gì đang diễn ra. Cũng có nhiều người tò mò về ngày Taliban chính thức bắt đầu kiểm soát Herat và Kandahar.

Theo người dân ở Herat, Taliban hiện diện ở thành phố vào sáng sớm thứ Sáu 13/8. Khi đó, mọi người đã đi ra ngoài để “xem Taliban”. Một thanh niên khoảng 20 tuổi cho biết, phiến quân Taliban đang phấn khích bắn đạn lên không trung để ăn mừng chiến thắng. Điều tương tự cũng được người dân cho biết ở Kandahar.

Taliban sách nhiễu người dân

Một nhà báo ở Kandahar cho biết, ngay sau khi ăn mừng chiến thắng, Taliban bắt đầu quấy rối và đột kích vào nhà của cư dân.

“Họ đi từ nhà này sang nhà khác, khám xét nhà cửa và tịch thu nhiều vật dụng, hỏi xem ai sống ở đó, ai là một phần của lực lượng an ninh hay chính phủ”, nhà báo nói. Người phóng viên này hiện đang phải ẩn náu ở một khu vực khác của thành phố; e rằng anh ta cũng sẽ bị nhắm đến vì từng làm việc trong một cửa hàng gần căn cứ của lực lượng nước ngoài trước khi chuyển sang lĩnh vực truyền thông.

Một người dân cho biết phiến quân đã khám xét nhà của họ và thu giữ tất cả súng và xe ô tô.

Cư dân Kandahar nói với Al Jazeera cho biết các cuộc đột kích chủ yếu tập trung vào những người bị nghi ngờ là một phần của chính phủ, nhưng những người sống gần các mục tiêu tiềm năng cũng lo sợ bị lục soát nhà.

“Tôi cảm thấy họ có lực lượng tình báo rất mạnh và có danh sách thực tế”, một người dân cho biết. Người này đã không dám rời khỏi nhà của mình ở thành phố vì sợ hãi.

Một người Kandahar khác nói: "Họ giống như Taliban mà tôi đã nguyền rủa suốt đời".

Ở Herat, tình hình diễn ra tương tự một cách kỳ lạ. Sau lễ kỷ niệm ngắn ngủi, bắn súng chỉ thiên lên trời để ăn mừng, phiến quân bắt đầu tìm kiếm những người được cho là có tên trong danh sách những người có ảnh hưởng và nhân viên chính phủ.

Một chính trị gia sống ở Kabul, xa gia đình ở Herat, cho biết cô sợ nhóm sẽ tìm thấy gia đình mình trong thành phố và nhắm mục tiêu họ.

"Cả đêm, tất cả những gì tôi có thể nghĩ là ngôi nhà của chúng tôi, cha tôi, mẹ tôi, nếu họ bị bắt vì tôi thì sao?"

“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng Kandahar sẽ bị chiếm đoạt dễ dàng như vậy”, cô nói, và cho biết người Afghanistan trên khắp đất nước, ai ai cũng đều bàng hoàng khi Taliban tràn qua các tỉnh thành. Taliban tăng cường một cuộc tấn công vào tháng 5 sau khi Hoa Kỳ bắt đầu đợt rút quân cuối cùng.

Một người ủng hộ lực lượng dân quân địa phương chống Taliban được gọi là "lực lượng nổi dậy" ở thành phố Herat phía Tây Afghanistan cũng nói điều tương tự rằng Herat và Kandahar được chiếm lĩnh nhanh gọn đến mức không thể tin nổi.

Hành động của phiến quân ở các thành phố mới bị chiếm giữ tiếp tục phản ánh những gì đã xảy ra ở các tình thành vài tuần trước đó. Những người muốn bỏ trốn giờ cũng không thể. Các chuyến bay đến và đi của cả hai thành phố đã bị ngừng, không có ngày nối lại.

Phản ứng của thế giới

Theo tin từ DW của Đức, Mỹ cắt giảm tối đa số lượng nhân viên Đại sứ quán và hủy các tài liệu quan trọng. Cộng đồng châu Âu tạm thời đóng cửa Đại sứ quán của họ tại Kabul và đưa nhân viên của họ về nước. NATO đang theo dõi tình hình Afghanistan "một cách chặt chẽ" và duy trì sự hiện diện ngoại giao ở Kabul, tiếp tục "điều chỉnh khi cần thiết" và "đánh giá diễn tiến thực địa".

Khi tình hình an ninh tiếp tục xấu đi ở Afghanistan, DW đã nói chuyện với ông Paul Miller, cựu Giám đốc phụ trách Afghanistan trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời các cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama.

Ông Miller, người từng phục vụ ở Afghanistan, cho biết, nỗi sợ hãi lớn nhất của ông đang diễn ra. Ông nói, để đẩy lùi Taliban chỉ có một cách là chi viện cho quân đội Afghanistan, huy động trở lại các lực lượng quân sự quốc tế.

Tuy nhiên, ông Miller nói thêm, viễn cảnh về một cuộc can thiệp quân sự khác dưới thời Tổng thống Mỹ hiện tại Biden là không có cơ sở. Ông cho biết, trong bối cảnh tình hình ngày càng xấu đi, Tổng thống Biden vẫn 'khăng khăng' đẩy mạnh tiến trình rút quân.

Thứ Sáu ngày 13/8, sau khi một số thành phố và tỉnh thành chiến lược rơi vào tay Taliban, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ hỗ trợ Afghanistan và nói rằng thế giới không nên "quay lưng lại với Afghanistan", phải "đảm bảo rằng chính phủ Kabul không cho phép quốc gia đó, một lần nữa, trở thành cái nôi của chủ nghĩa khủng bố".

Đồng thời, Iran kêu gọi Taliban 'đảm bảo' an toàn cho các nhà ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Rusoul Mosavi hôm thứ Sáu đã kêu gọi Taliban "đảm bảo hoàn toàn an toàn cho các cơ quan ngoại giao và tính mạng của nhân viên Iran" ở Herat sau khi quân nổi dậy chiếm giữ thành phố hôm thứ Năm ngày 12/8.

Ông Mosavi xác nhận cho đến nay các nhà ngoại giao vẫn "ổn" và "các lực lượng hiện đang kiểm soát thành phố đã hứa đảm bảo an ninh cho lãnh sự quán, các nhà ngoại giao và các nhân viên của Iran", DW đưa tin.

Hiện tại, Taliban đã chiếm giữ 18 trong 34 tỉnh thành của đất nước, 65% lãnh thổ Afghanistan, India Today cho hay.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Người dân Afghanistan phẫn nộ: "Họ đã bán đứng chúng tôi cho Taliban", Châu Âu đóng cửa Đại sứ quán ở Kabul