Người lính Nga đầu tiên bị xét xử ở Ukraine vì tội ác chiến tranh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi sự bành trướng của NATO đang không ngừng gây áp lực lên ông Vladimir Putin, một binh lính Nga Vadim Shishimarin, 21 tuổi đã bị buộc tội giết một thường dân 62 tuổi. Ukraine thông báo xét xử binh lính này, đánh dấu phiên tòa đầu tiên với cáo buộc "tội ác chiến tranh" từ khi nổ ra xung đột.

Một tòa án ở Kyiv sẽ lần đầu tiên xét xử tội phạm chiến tranh kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược Ukraine. Trong khi đó, Điện Kremlin đang 'gay gắt' với Phần Lan vì nước này tìm cách xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo sau đó là Thụy Điển.

Người lính Nga đầu tiên bị xét xử ở Ukraine vì tội ác chiến tranh

Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova hôm 11/5 thông báo, nước này sẽ xét xử anh Vadim Shishimarin, binh sĩ Nga 21 tuổi đang bị giam. Phía Ukraine cáo buộc anh Shishimarin dùng súng trường AK-74 xả súng từ một chiếc ôtô, khiến một người dân thường 62 tuổi thiệt mạng ở tỉnh Sumy, đông bắc Ukraine, hôm 28/2.

Nạn nhân 62 tuổi được cho là bị Shishimarin bắn vào đầu trong lúc đang đẩy xe bên lề đường và thiệt mạng tại nơi cách nhà khoảng vài chục mét.

Vadim Shysimarin
Anh Vadim Shysimarin bị buộc tội giết người, sẽ ra hầu tòa vào ngày 13/5. (Ảnh: Văn phòng Tổng công tố Ukraine)

Các công tố viên Ukraine sẵn sàng khởi động các phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh đầu tiên về xung đột Nga.

Vụ việc được cho là xảy ra cách nhà nạn nhân “hàng chục mét” và được thực hiện bằng súng trường AK-74.

Tuần này, vụ án đã được đệ trình lên một tòa án hình sự. “Anh ấy ở đây [ở Ukraine], chúng tôi đang giam giữ anh này”, Tổng công tố Ukraine, Iryna Venediktova, cho biết từ trụ sở tại Kyiv hôm thứ Ba (10/5).

Người phát ngôn của văn phòng công tố cho biết: “Các công tố viên và điều tra viên của SBU [cơ quan mật vụ Ukraine] đã thu thập đủ bằng chứng về vụ việc". Đồng thời người phát ngôn cho biết anh này sẽ phải đối mặt với án tù từ 10 đến 15 năm hoặc án chung thân.

Nga chưa bình luận về thông tin này.

Moscow sẽ 'trả đũa' nếu Phần Lan gia nhập NATO

Trong một diễn biến khác, Moscow đe dọa sẽ trả đũa Phần Lan sau khi quốc gia này cho biết họ muốn gia nhập liên minh an ninh NATO.

Bộ Ngoại giao Nga nói trong một tuyên bố ngày 12/5: “Phần Lan gia nhập NATO là một thay đổi cốt lõi trong chính sách đối ngoại của nước này”. "Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả để ngăn chặn những nguy cơ an ninh quốc gia”. Tuyên bố trên được Moscow đưa ra ngay sau khi Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng nước này Sanna Marin nói Phần Lan cần xin gia nhập NATO “không trì hoãn”.

Đây là dấu hiệu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay cho thấy Phần Lan sẽ chính thức xin gia nhập NATO. Việc trở thành một thành viên của khối này sẽ mang ý nghĩa lịch sử đối với quốc gia vùng Bắc Âu đã nhiều thập kỷ qua giữ lập trường trung lập về quân sự.

Theo hãng tin CNBC, cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào hôm 24/2 đã làm thay đổi toan tính của những quốc gia như Phần Lan và Thuỵ Điển về địa vị thành viên NATO. Thuỵ Điển cũng đang cân nhắc nghiêm túc về việc nộp đơn xin gia nhập liên minh này.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đưa ra một tuyên bố khi ông đến tham dự Diễn đàn Quốc tế Malmo về Tưởng niệm Holocaust và Chống lại Chủ nghĩa Bài Do Thái, tại Malmo, Thụy Điển, vào ngày 13/10/2021. (Ảnh Getty Images),Tổng thống Biden gặp người đồng cấp Phần Lan trong bối cảnh Nga đang làm rung động quốc gia láng giềng
Trong tuyên bố chung ngày 12/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). (Ảnh Getty Images)

Tổng thống Niinisto nói việc Nga tấn công Ukraine đã làm thay đổi tình hình an ninh của Phần Lan cho dù chưa có mối đe doạ trực tiếp nào đối với Phần Lan.

“Việc trở thành một thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan”, hai nhà lãnh đạo Phần Lan nói trong tuyên bố, và nói thêm rằng địa vị thành viên của Phần Lan trong NATO cũng sẽ “gia tăng sức mạnh cho toàn bộ liên minh phòng thủ”.

Đã có những mối lo rằng sự mở rộng của NATO có thể dẫn tới sự đáp trả của Nga, quốc gia với đường biên giới dài 830 dặm với Phần Lan. Nếu Phần Lan gia nhập khối, tổng chiều dài biên giới trên bộ giữa Nga với lãnh thổ NATO sẽ tăng gần gấp đôi. Nga có biên giới trên bộ với 14 nước và 5 trong số đó là thành viên NATO, gồm Latvia, Estonia, Lithuania, Ba Lan và Na Uy.

Tờ BBC đưa tin, ngoại trưởng Liz Truss nói với cuộc gặp ở Đức: “[Vladimir] Putin đang tự làm nhục mình trên sân khấu thế giới. Chúng ta phải đảm bảo rằng ông ta sẽ phải đối mặt với một thất bại ở Ukraine".

“An ninh dài hạn tốt nhất cho Ukraine sẽ đến từ việc nước này có khả năng tự vệ", bà cho biết.

Ukraine tuyên bố tập kích tàu hậu cần của Nga

Quan chức Ukraine nói lực lượng nước này đã tấn công và làm hư hại một tàu hậu cần hiện đại của Nga gần đảo tiền tiêu trên Biển Đen.

Serhiy Bratchuk, phát ngôn viên chính quyền quân sự khu vực Odessa của Ukraine, hôm 12/5 thông báo trên mạng xã hội rằng hải quân nước này đã tấn công tàu hậu cần Vsevolod Bobrov của Nga gần đảo Zmiinyi (hay còn gọi là Đảo Rắn), nơi diễn ra các cuộc giao tranh những ngày gần đây.

Hình ảnh minh hoạ một con tàu RFS Varyag P/N 11 Slava (Lớp Atlant Dự án 1164) của Hải quân Nga được trưng bày tại triển lãm quốc phòng hàng hải IMDEX Asia 2017 ở Singapore, vào thứ Ba, ngày 16/5/2017. (Ảnh: Nicky Loh/Getty Images)

"Sau vụ tấn công của hải quân chúng tôi, con tàu Vsevolod Bobrov, một trong những tàu mới nhất trong hạm đội Nga, đã bốc cháy. Theo thông tin chúng tôi được biết, con tàu đang được đưa về phía Sevastopol", ông Bratchuk nêu thêm.

Theo Andriy Klymenko, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến lược Biển Đen, con tàu bị tấn công đêm 12/5 khi đang hướng tới đảo Zmiinyi. Hiện chưa rõ thiệt hại trên tàu.

Tàu Vsevolod Bobrov được chế tạo từ năm 2013 đến 2021 và mới được đưa vào hoạt động trong năm nay. Tàu có lượng giãn nước 8.500 tấn, làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần và phá băng, với thủy thủ đoàn có thể lên tới 100 người.

Đảo Zmiinyi có diện tích khoảng 17 hecta, nằm trên Biển Đen, cách bờ biển Oddessa khoảng 35 km. Trước chiến sự, lực lượng biên phòng Ukraine bố trí đơn vị đồn trú khoảng 100 lính biên phòng bảo vệ đảo.

Ngay sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine" ngày 24/2, Nga điều chiến hạm áp sát đảo Zmiinyy và yêu cầu lực lượng phòng thủ tại đây đầu hàng. Biên phòng Ukraine sau đó thông báo Nga đã kiểm soát đảo Zmiinyy, hạ tầng trên đảo bị phá hủy sau các trận không kích và pháo kích.

Nga chưa bình luận về thông tin này.

Giao tranh tiếp tục leo thang

Theo một số quan chức quốc phòng, các cuộc giao tranh tái diễn xung quanh Đảo Rắn trong những ngày gần đây có thể trở thành cuộc chiến giành quyền kiểm soát bờ biển phía tây Biển Đen, khi các lực lượng Nga phải vật lộn để tiến tới phía bắc và phía đông của Ukraine.

Các lực lượng Ukraine được cho là đã đánh đuổi quân đội Nga ra khỏi khu vực xung quanh thành phố lớn thứ hai, Kharkiv. Hãng tin Reuters xác nhận, Ukraine đang kiểm soát lãnh thổ kéo dài đến bờ sông Siverskiy Donets, cách Kharkiv khoảng 40 km (25 dặm) về phía đông.

Trung tâm mua sắm và giải trí ở thành phố Odessa bị phá hủy sau khi tên lửa của Nga tấn công vào cuối ngày 9/5/2022. (Ảnh: Oleksandr Gimanov/Getty Images)

Các nhà chức trách khu vực cho biết, các cuộc tấn công tên lửa đang diễn ra xung quanh Poltava và pháo kích vào Dergach, gần Kharkiv, khiến hai người thiệt mạng. Phía Nga cho biết, họ đã tấn công Donetsk và Kharkiv hôm thứ Năm (12/5), giết chết hơn 170 người và phá hủy các máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine.

Giao tranh vẫn tiếp diễn ở phía nam và phía đông của Ukraine. Tổng thống Ukraine cho biết, các cuộc pháo kích tiếp tục diễn ra khắp Lugansk - một phần của khu vực Donbas, nơi các lực lượng Ukraine đang chiến đấu chống lại thiết giáp của Nga và lực lượng ly khai do Điện Kremlin hậu thuẫn.

Ông Zelensky cho biết trong bài phát biểu hôm thứ Năm rằng, các lực lượng Nga đã phá hủy 570 cơ sở chăm sóc sức khỏe ở nước này, trong đó có 101 bệnh viện. "Để làm gì? Thật là vô nghĩa. Đó là sự man rợ”, ông cho hay.

Cũng trong hôm thứ Năm (12/5), 3 người đã thiệt mạng và 12 người khác bị thương tại khu vực phía đông bắc Chernihiv. Cuộc tấn công nhắm vào một trường học ở Novgorod-Siversky, quan chức nước này cho biết.

Bà Iryna Vereshchuk, Phó thủ tướng Ukraine, cho biết "các cuộc đàm phán khó khăn" vẫn đang được tiến hành về việc sơ tán 38 binh lính bị thương nặng khỏi nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. “Chúng tôi đã bắt đầu một vòng đàm phán mới xoay quanh bản đồ chỉ đường cho một chiến dịch [sơ tán]. Và chúng tôi sẽ bắt đầu với những người bị thương nặng”, bà nói với một hãng tin.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Người lính Nga đầu tiên bị xét xử ở Ukraine vì tội ác chiến tranh