Người tố giác: FBI hiện là cơ quan ‘bị vũ khí hóa' của chính quyền Tổng thống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nội bộ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang chia rẽ ngày càng mạnh mẽ - giữa cấp trên với các sĩ quan bình thường. Những người đứng đầu cơ quan này dường như đã quên nhiệm vụ, họ chỉ mải mê theo đuổi các mục tiêu chính trị. Đó là tiết lộ của ông Steve Friend - cựu đặc vụ FBI và cũng là người tố giác.

“Tôi đã làm việc gần 9 năm ở FBI, dành phần lớn thời gian của mình cắm cúi xử lý các vụ án”, ông Friend nói trong cuộc phỏng vấn ngày 14/03 với đài truyền hình NTD.

“Có rất nhiều đặc vụ giống tôi; họ chỉ muốn thực hiện nhiệm vụ thật tốt. Nhưng không may, đã xảy ra gián cách lớn giữa sĩ quan bình thường và cấp quản lý [trong FBI]. Khi bạn càng leo cao trên chiếc thang quyền lực, bạn càng có xu hướng trở nên chính trị hơn”.

Ông Friend nói rằng bằng chứng cho nhận định của ông rất dễ được nhận ra khi nhìn vào cách đối xử mang tính phân biệt của FBI đối với các nhà hoạt động ủng hộ quyền được sống của thai nhi (pro-life) và đối với các nhà hoạt động ủng hộ phá thai (pro-abortion). Ví dụ, ông Mark Houck, nhà hoạt động ủng hộ quyền được sống, đã bị FBI đột kích vào nhà chỉ vì xảy ra một vụ tranh cãi bên ngoài văn phòng của tổ chức Planned Parenthood. Trong khi đó, các nhà hoạt động ủng hộ phá thai, như những người gào thét phản đối bên ngoài nhà riêng của các thẩm phán Tòa án Tối cao, lại không bao giờ bị điều tra.

“Theo tôi, thật hợp lý khi cho rằng FBI giờ đây đã trở thành một tổ chức bị vũ khí hóa của chính quyền Tổng thống”, ông Friend nói. Ông cũng tiết lộ rằng niềm tin của công chúng Mỹ vào FBI đang giảm đi đáng kể do người dân nhận ra rằng cơ quan này có xu hướng thiên vị mang tính chính trị.

Ông Friend hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Đổi mới Hoa Kỳ. Trước đây, ông là đặc vụ tại văn phòng FBI ở Jacksonville, bang Florida, nhưng đã bị đình chỉ công tác sau khi ông lên tiếng vào tháng 9 năm ngoái về cách thức FBI xử lý các vụ án lạm dụng tình dục trẻ em.

Ông Friend cũng phản đối việc FBI sử dụng đội đặc nhiệm phản ứng nhanh SWAT để bắt giữ những cá nhân bị tình nghi phạm tội nhẹ trong vụ đột nhập Điện Capitol ngày 06/01.

Quan điểm về vụ đột nhập Điện Capital

Trước khi bị đình chỉ công tác, ông Friend đã tham gia các cuộc điều tra liên quan đến vụ đột nhập Điện Capitol vào ngày 06/01/2021 tại Mỹ. Theo ông, vụ việc chỉ có thể được hiểu đầy đủ nếu chính phủ “minh bạch triệt để” về thông tin.

Ông hy vọng rằng “việc tiết lộ nhỏ giọt và chậm chạp đoạn phim an ninh này” sẽ chỉ là phần mở đầu và “chúng ta sẽ được xem toàn bộ nội dung của nó” - ông Friend ám chỉ đến những tiết lộ gần đây do người dẫn chương trình Tucker Carlson của Fox News phát sóng.

Về quan điểm đối với các sự kiện ngày hôm đó, ông Friend nghĩ rằng vụ việc liên quan đến một “nhóm người hỗn hợp”. Họ gồm những người đã làm những điều “tồi tệ và đồi bại” và sẽ phải chịu trách nhiệm, và gồm những người chỉ ở đó để thực hiện quyền của họ theo Tu chính án thứ nhất.

Ông lưu ý rằng cảnh sát trong Điện Capitol dường như đã cho phép và dẫn đường những người biểu tình vào trong tòa nhà.

“Việc cảnh sát Điện Capitol có cố gắng làm dịu tình hình lúc đó hay không cũng không thể xóa nhòa sự thật rằng họ đã cho phép người dân và đã đảm bảo với người dân rằng người dân làm đúng luật khi đi vào Điện Capitol một cách hòa bình và tôn trọng Hạ viện và Thượng viện”.

Lời tuyên thệ 'phải có ý nghĩa gì đó'

Trước những căng thẳng nội bộ giữa các sĩ quan bình thường và giới lãnh đạo trong FBI, ông Friend tiết lộ rằng một số sĩ quan chỉ muốn giữ im lặng về những hành vi sai trái tại nơi làm việc cho đến khi họ có thể nhận lương hưu và rời đi.

Nhưng mong muốn đó của họ, ông Friend nói, không nên thay thế và không thể sánh với lời tuyên thệ khi họ nhậm chức.

“Lúc mới đầu, bạn đã tuyên thệ và điều đó phải có ý nghĩa gì đó”, ông Friend nói. “Tôi đứng lên và tuyên thệ trước Chúa, gia đình và đồng nghiệp rằng tôi sẽ bảo vệ Hiến pháp và đồng bào của mình. Tôi gia nhập FBI để làm công việc của FBI, không phải để nghỉ hưu và rời khỏi FBI”.

Đối với những người khác vẫn đang làm việc tại FBI và muốn lên tiếng tố giác, ông Friend khuyến khích họ làm như vậy, nhưng hãy làm một cách khôn ngoan.

“Bạn cần xem xét các thủ tục tố giác theo quy định và đảm bảo rằng những lo ngại của bạn sẽ được thảo luận”.

Ông Friend cũng hy vọng những người tố cáo sẽ được chính quyền bảo vệ, để họ không phải hy sinh sự nghiệp của mình sau khi dám cất tiếng nói về những điều sai trái.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Người tố giác: FBI hiện là cơ quan ‘bị vũ khí hóa' của chính quyền Tổng thống