Nguyên nhân UAE né tránh Mỹ, thân thiết với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên minh ngày càng phát triển giữa Trung Đông và Trung Quốc xuất hiện cùng lúc với việc Mỹ mất dần sức hấp dẫn trong khu vực.

Tháng 9, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã ký một biên bản ghi nhớ khá quan trọng. Thỏa thuận này đánh dấu dự án vũ trụ chung đầu tiên giữa hai nước. Trung Quốc sẽ giúp UAE, hiện là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, đưa con tàu đầu tiên của họ lên mặt trăng. Trung Quốc và UAE ngày càng thân thiết hơn; trên thực tế, quan hệ giữa hai nước hiện ở mức bền chặt nhất mọi thời đại - và Hoa Kỳ đang phải trả giá cho điều này.

Sau chuyến thăm bất ngờ hồi tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, UAE đã nhanh chóng nhắc lại sự ủng hộ của họ dành cho Trung Quốc. Cụ thể, trong một tuyên bố khá khiêu khích do Bộ Ngoại giao đưa ra, UAE "khẳng định ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc", cảnh báo rằng "các chuyến thăm mang tính khiêu khích" sẽ đe dọa hệ sinh thái mong manh của hòa bình quốc tế. Tuyên bố kết thúc bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc "Một Trung Quốc" - quan điểm do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra rằng chỉ có một quốc gia có chủ quyền với tên gọi Trung Quốc, Đài Loan (chính thức được gọi là Trung Hoa Dân Quốc) không được mọi người công nhận và phải nghe theo Bắc Kinh. Tuyên bố này đã chỉ trích Mỹ mà không cần phải đề cập đến Mỹ. Đối với UAE - quốc gia mà 76% dân số theo đạo Hồi, việc họ chọn về phe ĐCSTQ - chế độ dối trá phải chịu trách nhiệm cho hoạt động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ (nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương) - đã nói lên rất nhiều điều. Nó cho chúng ta thấy mối quan hệ giữa UAE và Trung Quốc mạnh mẽ như thế nào. Đáng buồn thay - ít nhất là đối với Mỹ - mối quan hệ này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Bộ trưởng Ngoại thương UAE, gần đây đã thông báo rằng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (nằm ở vị trí chiến lược giữa châu Á, châu Âu và châu Phi) rất muốn củng cố các mối quan hệ kinh doanh tại Trung Quốc. Ông Al Zeyoudi đã nói về “tầm nhìn và mục tiêu chiến lược” chung, cũng như về “kỷ nguyên vàng của quan hệ kinh tế toàn diện giữa hai quốc gia”. Ông cho biết thêm, trong tương lai, cả hai nước đều mong muốn mở rộng và đa dạng hóa các doanh nghiệp kinh tế và thương mại hiện có. Vị Bộ trưởng cũng đề cập đến việc hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI). AI có tầm quan trọng đặc biệt lớn bởi vì trí tuệ nhân tạo hiện là nền tảng cho mọi hoạt động học tập, nghiên cứu dựa trên công nghệ. UAE đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào AI, trong khi Trung Quốc đầu tư 17 tỷ USD. Rất may, Mỹ đầu tư nhiều gấp 3 lần so với Trung Quốc.

UAE, một thành viên của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, là một nước nhận đầu tư lớn từ Bắc Kinh. Lấy ví dụ như Khu công nghiệp Khalifa Abu Dhabi - trung tâm công nghiệp nằm ở giữa thủ đô Abu Dhabi của UAE. Là công ty con của Abu Dhabi Ports, Khalifa là một trong những cảng container phát triển nhanh nhất thế giới. Kể từ năm 2019, Trung Quốc đã đầu tư hơn 3,2 tỷ CNY (505 triệu USD) vào khu công nghiệp tích hợp cảng. Ngày nay, có hơn 6.000 công ty Trung Quốc hoạt động tại UAE và hơn 300.000 người Trung Quốc sống ở đó. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của UAE.

Trung tâm Đa hàng hóa Dubai (DMCC), khu thương mại tự do lớn nhất ở UAE, gần đây đã thông báo trên trang web của họ rằng số lượng các công ty Trung Quốc tại đó đã tăng gấp đôi. Trung bình một tuần có hơn 2 doanh nghiệp Trung Quốc đến DMCC. DMCC hiện là trụ sở của hơn 700 doanh nghiệp Trung Quốc, “đại diện cho gần 12% số công ty Trung Quốc tại UAE”. Dubai không chỉ là trung tâm kinh doanh chính của UAE; nó còn là trung tâm kinh doanh chính của Trung Đông.

Mỹ nên đặt tâm một cách sâu sắc đến mối quan hệ chặt chẽ giữa UAE và Trung Quốc, điều mà chính quyền Trung Quốc nói là “sâu như đại dương và vững chắc như đá. Tình anh em của chúng tôi [UAE và Trung Quốc] đã vượt qua thử thách của thời gian và đang phát triển ngày qua ngày”. Tuy nhiên, tình bạn vững chắc một thời giữa UAE và Mỹ lại đang tan vỡ. Tháng 3, trước sự xấu hổ của Mỹ, ông Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan của UAE - nhà lãnh đạo trên thực tế của đất nước ấy - đã từ chối nhận cuộc gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Vài tuần sau, để xát muối vào vết thương đang rỉ máu của Mỹ, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đến UAE lần đầu tiên kể từ năm 2011, năm mà cuộc nội chiến Syria bắt đầu xảy ra. Trong hơn một thập kỷ, ông Assad luôn được coi là kẻ thù của Mỹ. Trong các nhiệm kỳ Tổng thống trước, cả ông Barack Obama và ông Donald Trump đều chỉ trích mạnh mẽ nhà độc tài Syria vì các lý do chính đáng. Người đàn ông này là một con quái vật. Tuy vậy, UAE và Trung Quốc dường như nghĩ khác; họ nhìn Syria dưới góc độ tử tế hơn đáng kể.

Nguyên nhân UAE né tránh Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thân thiết với Trung Quốc
Tổng thống Joe Biden (phải) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed al-Nahyan (trái) tham dự cuộc họp song phương tại một khách sạn ở Jeddah, Ảrập Xêút, ngày 16/07/2022. (Ảnh: Mandel Ngan / AFP / Getty Images)

Trên thực tế, Trung Quốc không chỉ thân thiện với UAE và Syria; họ thân thiện với hầu hết mọi quốc gia ở Trung Đông, đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và các sáng kiến ​​an ninh. Liên minh ngày càng phát triển giữa Trung Đông và Trung Quốc xuất hiện cùng lúc với việc Mỹ mất dần sức hấp dẫn trong khu vực. Trung Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Đông, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước như Algeria, Ai Cập, Iran, Iraq, Jordan, Kuwait, Morocco, Oman, Qatar, Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và tất nhiên là UAE - một trong những cường quốc thống trị Trung Đông. Trước đó trong bài viết này, tôi đã đề cập rằng UAE nằm ở vị trí có tầm quan trọng chiến lược. Bắc Kinh đã không bỏ sót thực tế này. ĐCSTQ chọn cảng Khalifa, nhà khai thác container lớn nhất thế giới, làm cơ sở cho tất cả các hoạt động ở Trung Đông của họ.

Theo ông Joe Hepworth, Giám đốc khu vực Trung Đông của công ty tư vấn phát triển kinh tế toàn cầu OCO, các quốc gia như UAE nên được coi là điểm tập kết của các hoạt động của Trung Quốc ở cả châu Phi - lục địa phát triển nhanh nhất thế giới - và Ấn Độ Dương. Bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất, Ấn Độ Dương rất giàu các khoáng sản có giá trị như mangan, niken, coban và đồng đỏ. Hơn nữa, đại dương này hiện đóng vai trò quan trọng trong cả ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Đối với những người cho rằng sức mạnh trên toàn cầu của Trung Quốc đang suy yếu, thì các hoạt động của ĐCSTQ ở Trung Đông, châu Phi và một trong những đại dương quan trọng nhất thế giới sẽ khiến họ phải suy ngẫm lại.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo John Mac Ghlionn - The Epoch Times

Tác giả John Mac Ghlionn là nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông chuyên viết về tâm lý và quan hệ xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.



BÀI CHỌN LỌC

Nguyên nhân UAE né tránh Mỹ, thân thiết với Trung Quốc