Nhà hoạt động nhân quyền: Các cuộc biểu tình hàng loạt đang thách thức quyền lực của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nhà hoạt động nhân quyền, các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Trung Quốc nhằm phản đối chính sách Zero Covid của chính quyền nước này cho thấy sự kiên cường của người dân Trung Quốc - những người đã vô cùng bất mãn trước sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Điều này cũng thách thức quyền lực của chính quyền Trung Quốc.

Theo ông Benedict Rogers, một nhà vận động nhân quyền nổi tiếng của Anh, các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính sách phong tỏa vì Covid-19 nổ ra vào khoảng cuối tháng 11/2022 và lan rộng khắp Trung Quốc, bao gồm cả các thành phố lớn - là động thái "cực kỳ quan trọng".

Ông Rogers coi đây là những cuộc biểu tình quan trọng nhất kể từ cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã chứng kiến những thông điệp của người biểu tình như kêu gọi ĐCSTQ hạ đài, ông Tập Cận Bình từ chức và đòi tự do.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình nổ ra ở Trung Quốc sau năm 1989 chủ yếu tập trung vào các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như quyền lao động, ông Rogers nói với chương trình “Crossroads” của đài EpochTV trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Ông Benedict Rogers nói chuyện với chương trình "American Thought Leaders" của The Epoch Times vào tháng 7/2019 (Ảnh: The Epoch Times).

Ông Rogers chỉ ra rằng: “Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy, trên khắp Trung Quốc, mọi người dân yêu cầu chấm dứt sự cai trị của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình phải từ chức và kêu gọi tự do và dân chủ".

Ông Rogers giải thích rằng: "Mặc dù các cuộc biểu tình nổ ra do chính sách phòng dịch Zero Covid hà khắc, lệnh phong tỏa do Covid và trận hỏa hoạn thảm khốc ở Urumqui (Ô Lỗ Mộc Tề) ở vùng Tân Cương, nhưng những người biểu tình chủ yếu hô vang 'Tập Cận Bình từ chức' và 'Chúng tôi muốn tự do'".

Cảnh sát yêu cầu những người biểu tình đứng phía sau hàng rào trong cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch của chính quyền Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 27 tháng 12 năm 2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
Cảnh sát yêu cầu những người biểu tình đứng phía sau hàng rào trong cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch của chính quyền Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 27 tháng 12 năm 2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images).

Theo nguồn tin chính thức của chính quyền Trung Quốc, các cuộc biểu tình bùng phát sau cái chết của ít nhất 10 người tại thành phố thủ phủ Urumqui của vùng Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc. Vào thời điểm đó, lực lượng ứng cứu ban đầu không thể tiếp cận một chung cư đã chìm trong biển lửa hàng giờ do chính sách phong tỏa Covid-19 hà khắc.

Do đó, cư dân thành phố đã nổi giận, phá bỏ các hàng rào phong toả và hô vang các khẩu hiệu “đả đảo ĐCSTQ" và kêu gọi “ông Tập Cận Bình từ chức”.

Sau khi cuộc biểu tình nổ ra ở Tân Cương, các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối các biện pháp kiểm soát Covid-19 không bền vững của ĐCSTQ cũng đã nổ ra ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Trịnh Châu và nhiều thành phố khác.

Theo thống kê của ông Nathan Ruser, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, kể từ sau vụ hỏa hoạn chết người kể trên, đã nổ ra 43 cuộc biểu tình công khai trên khắp 22 thành phố ở Trung Quốc.

Đám đông người biểu tình ở các thành phố khác nhau giương cao tờ giấy trắng - một phép ẩn dụ cho những gì chưa được nói ra - để bày tỏ sự bất bình của họ đối với việc ĐCSTQ đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​và đàn áp quyền tự do ngôn luận.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với mạng Internet của đất nước thông qua hoạt động kiểm duyệt phức tạp, nhiều lớp, chặn quyền truy cập vào hầu hết các trang tin tức và phương tiện truyền thông xã hội ở nước ngoài. Đồng thời, ĐCSTQ còn chặn các chủ đề và từ khóa được coi là nhạy cảm về mặt chính trị hoặc gây bất lợi cho sự cai trị của ĐCSTQ. Các video hoặc lời kêu gọi phản đối thường bị xoá ngay lập tức.

Liệu ‘Phong trào Giấy trắng’ có phải là thiên nga đen của Bắc Kinh?
Hôm 28/11/2022, người dân Bắc Kinh cầm giấy trắng biểu tình phản đối chính sách Zero Covid. (Ảnh: Michael Zhang/AFP via Getty Images)

Siết chặt đàn áp dưới thời ông Tập Cận Bình

Ông Rogers tin rằng, việc người dân Trung Quốc dám sử dụng đến các cuộc biểu tình như vậy trong khi biết rõ rủi ro to lớn mà họ sẽ phải đối mặt, cho thấy rằng, loại hiệp ước bất thành văn từng tồn tại trong quá khứ giữa người dân và ĐCSTQ đã hoàn toàn bị xoá sổ.

Ông Rogers, tác giả của cuốn “China Nexus: Thirty Years in and Around the Chinese Communist Party’s Tyranny" (tạm dịch: Mối quan hệ Trung Quốc: Ba mươi năm trong và xung quanh chế độ chuyên chế của ĐCSTQ) giải thích rằng, hiệp ước bất thành văn đó cho phép ĐCSTQ khẳng định tính hợp pháp của mình từ thực tế là họ đang chủ trì các cải cách kinh tế dẫn đến những cải thiện đáng kể về mức sống của đất nước tỷ dân.

“Ông Tập Cận Bình đã xoá sổ hoàn toàn hiệp ước bất thành văn đó bằng sự đàn áp và sự suy thoái kinh tế. Điều đó xảy ra một phần là do chính sách Zero Covid, nhưng cũng một phần là do sự thù địch của chính ông đối với doanh nghiệp tư nhân và chủ nghĩa kinh doanh. Ông ấy đã hủy bỏ nhiều cải cách kinh tế của những người tiền nhiệm. Tôi cho rằng, người dân Trung Quốc đang chứng minh rằng, họ đã chịu đựng đủ rồi".

Ông Rogers nói: “ĐCSTQ luôn tiến hành các cuộc đàn áp. Nhưng khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2012, ông đã dẫn dắt đất nước và ĐCSTQ theo hướng thậm chí còn đàn áp hơn, thực sự đã tăng cường đàn áp”.

Trong những năm đầu cầm quyền, ông Tập Cận Bình cũng áp dụng một cách tiếp cận mang tính ý thức hệ hơn nhiều, một loại khuôn khổ ý thức hệ gồm sáu tài liệu chính, cụ thể là: “Document Number Nine" (tạm dịch: Tài liệu Số Chín), ông Rogers lưu ý.

“Sáu tài liệu này thực sự nói lên sự thù địch rõ rệt của ĐCSTQ đối với các giá trị nhân quyền, dân chủ và xã hội dân sự".

Ông Rogers tiếp tục cho biết, các tài liệu xuất hiện vào năm 2013 đã vạch ra âm mưu của ĐCSTQ là loại bỏ và ngăn cấm bất kỳ cuộc thảo luận nào về các giá trị phổ quát của nhân quyền.

“Có một văn bản cụ thể liên quan đến giáo dục đại học và cấm thảo luận về cái mà họ gọi là các giá trị tự do trong giáo dục đại học", ông Rogers nói.

"Ngoài ra còn có các tài liệu liên quan đến kiểm duyệt Internet, kiểm soát tôn giáo và tất cả các lĩnh vực không gian khác mà ĐCSTQ về cơ bản muốn thống trị và kiểm soát hoàn toàn, đồng thời ngăn chặn mọi quan điểm thay thế”.

Một bản ghi nhớ nội bộ, được gọi là “Văn kiện Trung ương số 9" (Central Document No. 9), do Ủy ban Trung ương ĐCSTQ ban hành vào tháng 4/2013. Tài liệu này kêu gọi ĐCSTQ chống lại “các giá trị nguy hiểm của phương Tây”.

Nó cũng yêu cầu các nhà báo và giáo viên đại học tránh xa “bảy chủ đề không được phép đề cập đến”, bao gồm các giá trị phổ quát, tự do báo chí, xã hội dân sự, quyền công dân, sai lầm lịch sử của ĐCSTQ “đặc quyền của tầng lớp tư bản” và sự độc lập của ngành tư pháp.

ĐCSTQ nới lỏng chính sách Zero Covid

Vào ngày 7/12/2022, chính quyền Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid nghiêm ngặt sau các cuộc biểu tình rầm rộ. Việc nới lỏng đánh dấu những thay đổi quan trọng nhất đối với chính sách Zero Covid hà khắc kể từ khi Bắc Kinh áp dụng lần đầu tiên ba năm trước. Các biện pháp này đã gây khó khăn cho hàng chục triệu người, kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống và cô lập quốc gia này với phần còn lại của thế giới.

ĐCSTQ đã nới lỏng các quy tắc liên quan đến kiểm dịch, hạn chế đi lại, phong tỏa và xét nghiệm bắt buộc. Theo hướng dẫn mới, chính quyền nước này không còn yêu cầu mọi người xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính hoặc mã sức khỏe màu xanh lá cây để được ra vào ở hầu hết các nơi, ngoại trừ viện dưỡng lão, cơ sở y tế, trung tâm chăm sóc trẻ em và trường tiểu học và trung học cơ sở.

Mã y tế là một hệ thống mã QR dựa trên màu sắc để các cơ quan chức năng theo dõi những người tiếp xúc gần và kiểm soát chuyển động của người dân. Sử dụng cơ sở dữ liệu lớn (big data) và công nghệ di động, ĐCSTQ gán cho công dân ba mã trên điện thoại di động của họ, bao gồm mã sức khỏe, mã tiêm chủng và mã hành trình.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Nhân viên quét mã sức khỏe QR của những người bước vào trung tâm mua sắm ở quận Hoàng Phố, Thượng Hải vào ngày 1/6/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Trước khi nới lỏng chính sách Zero Covid, mã xanh là điều cần thiết đối với hàng chục triệu người khi đi xe buýt, vào nơi làm việc và siêu thị, hoặc thậm chí sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Đánh mất mã xanh có nghĩa là người dân mất quyền đi lại đến hầu hết mọi nơi.

Các quan chức địa phương cũng bị cấm dán nhãn các khu vực rộng lớn là có nguy cơ cao, chẳng hạn như toàn bộ khu dân cư hoặc thị trấn.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà hoạt động nhân quyền: Các cuộc biểu tình hàng loạt đang thách thức quyền lực của ĐCSTQ