Nhà Trắng lên án hành vi sách nhiễu, đe dọa công dân Mỹ của chính quyền Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (18/4), Nhà Trắng đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc về việc thành lập và điều hành một đồn cảnh sát bí mật ở Khu Phố Tàu tại Manhattan, thành phố New York. Washington khẳng định chính phủ Hoa Kỳ không cho phép Trung Quốc tấn công dân thường trên đất Mỹ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean Pierre hôm 18/4 cho biết: “Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng chúng tôi sẽ sử dụng tất cả những công cụ sẵn có để bảo vệ công dân và người dân Mỹ khỏi sự đàn áp xuyên quốc gia và các hình thức ảnh hưởng tiêu cực khác từ nước ngoài”.

“Chúng tôi sẽ không dung thứ cho chính phủ Trung Quốc hoặc bất kỳ chính phủ nước ngoài nào quấy rối hoặc đe dọa công dân Hoa Kỳ", bà nói thêm.

Theo đó, hôm 17/4 Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ hai người đàn ông với cáo buộc điều hành một đồn cảnh sát bí mật ở Khu Phố Tàu của Manhattan thay mặt cho chính phủ Trung Quốc. Các công tố viên cho biết hai cá nhân này đã âm mưu làm việc với tư cách là “đặc vụ chìm” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và tuân theo mệnh lệnh của chế độ này nhằm mục đích theo dõi và bịt miệng những người bất đồng chính kiến Trung Quốc ở Hoa Kỳ.

Đồn cảnh sát bí mật ở thành phố New York được cho là một trong hơn 100 đồn cảnh sát của chính phủ Trung Quốc trên khắp thế giới.

Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) tuyên bố các vụ bắt giữ và buộc tội là một “vấn đề quan trọng của an ninh quốc gia”.

Biện lý Hoa Kỳ Breon Peace cho biết các vụ bắt giữ cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ, cũng như sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Trong một cuộc họp báo hôm 17/4 ở Brooklyn, ông Peace cho biết: “Việc truy tố này cho thấy chính phủ Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách thiết lập một đồn cảnh sát bí mật ở ngay trung tâm Thành phố New York".

“Quý vị hãy tưởng tượng về việc Sở cảnh sát New York cũng mở một đồn cảnh sát bí mật và không khai báo ở Bắc Kinh".

Ông Peace nói thêm rằng hai bị cáo đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an Trung Quốc để thực hiện các kế hoạch trấn áp xuyên quốc gia tại Hoa Kỳ.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 18/4 đã bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ về sự hiện diện của một đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc tại thành phố New York. Ông Uông cho biết trong một cuộc họp báo rằng những đồn cảnh sát này không tồn tại và Trung Quốc tuân thủ chính sách không can thiệp vào các quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo các tài liệu của tòa án, một trong hai bị cáo là ông Lu Jianwang, 61 tuổi, ngụ ở Bronx - 1 trong 5 quận lớn của Thành phố New York. Ông này là công dân Hoa Kỳ nhưng đã trở thành “đặc vụ chìm” cho ĐCSTQ tại Hoa Kỳ ít nhất là từ năm 2015.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lu được chỉ thị tổ chức các cuộc biểu tình phản đối nhóm tinh thần Pháp Luân Công. Nhóm này đã bị đàn áp khốc liệt ở Trung Quốc từ năm 1999.

Theo đó, Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York đã yêu cầu ông Lu đăng các tài liệu chỉ trích Pháp Luân Công trên báo, tuy nhiên ông này đã bác bỏ cáo buộc trên. Mặt khác, ông Lu nói rằng ông ta đã hỗ trợ vận chuyển các thành viên trong tổ chức của mình đến Washington bằng xe buýt.

“Mỗi thành viên của hiệp hội sẽ nhận được 60 USD từ Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York. Mỗi chuyến xe buýt sẽ có một điểm liên lạc và được Lãnh sự quán thanh toán bằng tiền mặt", ông nói với các nhà điều tra, đơn kiện cho biết.

“Các thành viên không chỉ đến từ New York mà còn đến từ Philadelphia. Mỗi chuyến xe buýt có đến vài trăm người”.

Dân biểu Mỹ: Muốn thọ đến 150 tuổi, giới chức cấp cao ĐCSTQ ghép tạng của người sống
Các học viên Pháp Luân Công tham gia lễ diễu hành đánh dấu 23 năm Trung Quốc đàn áp môn tu luyện tinh thần này, tại Khu phố Tàu ở New York, Mỹ, ngày 10/07/2022. (Ảnh: Larry Dye/The Epoch Times)

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn khí công Phật gia, bao gồm các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý phổ quát Chân - Thiện - Nhẫn cùng với các bài tập thiền định hàng ngày. Kể từ khi được phổ truyền ở Trung Quốc vào năm 1992, môn tập này đã trở nên phổ biến, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo tập ở Trung Quốc.

Vì lẽ đó, Pháp Luân Công đã trở thành mối đe dọa đặc biệt đối với sự gia tăng quyền lực của ĐCSTQ. Do đó, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên diện rộng.

Năm 1999, Giang đã thành lập một tổ chức giống như Gestapo của Đức quốc xã có tên là "Phòng 610", vượt qua khuôn khổ pháp lý của Trung Quốc, thực hiện một chiến dịch mở rộng nhằm xóa sổ Pháp Luân Công. Trong những năm sau đó, các học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch thù hận sâu rộng. Hàng triệu người đã bị bỏ tù và tra tấn trong các trại lao động, các trung tâm cai nghiện ma túy hay ở các khu điều trị tâm thần ở Trung Quốc.

Trên thực tế, Pháp Luân Công đã từng được chào đón nồng nhiệt tại Trung Quốc và vẫn đang được các quốc gia trên thế giới ủng hộ. Vậy tại sao Pháp Luân Công bị đàn áp tại Trung Quốc và cơ sở nào khiến cuộc đàn áp diễn ra đến nay đã 20 năm mà chưa kết thúc? Mời quý vị tham khảo thêm các bài viết bên dưới để tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nhà Trắng lên án hành vi sách nhiễu, đe dọa công dân Mỹ của chính quyền Trung Quốc