Nhà Trắng lên tiếng bảo vệ quyết định hạn chế đi lại khi Bắc Kinh đe dọa trả đũa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 3/1, Thư ký báo chí Nhà Trắng đã lên tiếng bảo vệ quyết định ban hành các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19 của chính quyền ông Biden, sau khi chính quyền Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa các quốc gia áp đặt hạn chế này đối với công dân của họ.

Chính quyền ông Biden cho biết, không có lý do gì để Bắc Kinh trả đũa sau khi giới chức Trung Quốc chỉ trích quyết định của Washington về việc yêu cầu giấy xét nghiệm Covid âm tính đối với những du khách đi từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ.

“Không có lý do gì để trả đũa ở đây chỉ vì các quốc gia trên thế giới đang thực hiện các biện pháp y tế thận trọng để bảo vệ công dân của họ", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong cuộc họp báo ngày 3/1.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã thông báo rằng họ sẽ mở cửa lại biên giới vào ngày 8/1. Động thái này diễn ra chỉ một tháng sau khi chế độ này đột ngột chấm dứt chính sách Zero Covid. Quyết định này đã khiến cho đại dịch Covid-19 bùng phát trên khắp Trung Quốc.

Động thái trên đã gây ra sự phản đối kịch liệt trên toàn cầu và khiến cho các quốc gia trên thế giới phải gấp rút ban hành các yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả những du khách đến từ Trung Quốc.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 28/12 rằng, hành khách sẽ buộc phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 hoặc bằng chứng đã hồi phục trước khi lên chuyến bay khởi hành từ Trung Quốc.

“Quyết định này của CDC nhằm kìm hãm tốc độ lây lan của Covid-19 tại Hoa Kỳ trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đang tăng vọt do thiếu dữ liệu trình tự bộ gen và dịch tễ học đầy đủ, cũng như thiếu sự minh bạch về báo cáo từ Trung Quốc”, CDC Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí.

Phát ngôn viên của ĐCSTQ cho biết, các yêu cầu xét nghiệm là “không thể chấp nhận được” và chế độ này sẽ “có biện pháp đối phó” đối với các quốc gia ban hành lệnh hạn chế đi lại đối với các chuyến bay xuất phát từ Trung Quốc.

Hoa Kỳ cùng với Vương quốc Anh, Úc, Canada, Pháp, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Malaysia, Qatar và các quốc gia khác đang tìm cách áp đặt các hạn chế mạnh mẽ hơn đối với những người đến từ Trung Quốc.

Thế giới chuẩn bị trước làn sóng lây nhiễm Covid-19 từ Trung Quốc

Nhà Trắng bảo vệ quyết định yêu cầu xét nghiệm đối với tất cả du khách đến từ Trung Quốc dựa trên sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế rằng, Covid-19 hiện đang tàn phá người dân Trung Quốc.

Trung Quốc phải đối mặt với sự gia tăng các trường hợp sau khi nới lỏng các biện pháp Zero COVID
Một bệnh nhân thở oxy được đẩy trên băng ca vào phòng cấp cứu tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 2/1/2023. (Ảnh: Getty Images)

“Một lần nữa, không cần phải trả đũa", bà Jean-Pierre cho biết.

“Đây là điều mà tất cả chúng ta, (và) các quốc gia khác đang làm để đảm bảo rằng chúng ta đang bảo vệ công dân của mình”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jean-Pierre nhấn mạnh thêm.

“Quyết định này dựa trên cơ sở khoa học và sức khỏe cộng đồng. Điều này đến từ các chuyên gia của chúng tôi ở đây. Và các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Ý và Malaysia cũng đang thực hiện các bước công khai tương tự”, bà nói thêm.

ĐCSTQ đã cố gắng che đậy quy mô lây nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc và số ca tử vong mà trận đại dịch này gây ra đối với người dân Trung Quốc.

Gần ba năm phong tỏa vì chính sách Zero Covid của ĐCSTQ đã làm suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của người dân Trung Quốc. Đại dịch lần này dường như đang vượt quá khỏi tầm kiểm soát ở Trung Quốc.

Việc Trung Quốc đột ngột nới lỏng chính sách phòng dịch sau nhiều năm phong tỏa đã dẫn đến sự bùng nổ các ca nhiễm Covid-19 trong nước, với ước tính gần 37 triệu người nhiễm Covid-19 chỉ trong một ngày, theo biên bản bị rò rỉ từ cuộc họp ngày 21/12 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC). Tờ Bloomberg là bên đầu tiên đưa tin về vụ rò rỉ dữ liệu này vào hôm 23/12.

Theo số liệu bị rò rỉ, có tới 248 triệu người có thể đã nhiễm Covid-19 chỉ trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12. Theo đó, loại virus này đã lây nhiễm cho hơn một nửa số cư dân của thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc.

Mặc dù vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn đưa tin rằng, chỉ có 10 ca tử vong vì Covid-19 ở Trung Quốc trong tháng 12. Trong một động thái tương tự, chính quyền Bắc Kinh chỉ báo cáo ba trường hợp tử vong mới do nhiễm Covid-19 vào ngày 2/1 và chỉ có một trường hợp tử vong mới vào ngày 1/1.

Một báo cáo do công ty dữ liệu y tế Airfinity có trụ sở tại Anh công bố vào tháng 12 ước tính rằng, có khoảng 9.000 người ở Trung Quốc tử vong mỗi ngày vì nhiễm Covid-19 và con số đó có thể sẽ lên tới 25.000 người vào cuối tháng 1. Báo cáo cho biết, số ca tử vong tích lũy ở Trung Quốc kể từ ngày 1/12 có thể lên tới 161.000 người.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dỡ bỏ chính sách Zero Covid vào tháng 12/2022 sau các cuộc biểu tình lịch sử lan rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, thay vì dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, chính quyền Bắc Kinh đã đột ngột chấm dứt chính sách này, khiến cho các ca nhiễm Covid-19 hiện đang gia tăng trên khắp Trung Quốc.

Phát biểu trước giới báo chí trong cuộc họp hôm thứ Ba (3/1), nhà virus học và thành viên ủy ban của WHO Marion Koopmans nói rằng, thông tin mà chính quyền Trung Quốc công bố về tỷ lệ nhập viện do nhiễm Covid-19 là “không đáng tin cậy”. Đồng thời, ông kêu gọi chính quyền nước này cần phải trung thực hơn vì lợi ích của chính người dân Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn thấy một bức tranh thực tế hơn về những gì đang thực sự diễn ra [tại Trung Quốc]", ông Koopmans nói.

“Việc cung cấp những thông tin đáng tin cậy hơn là vì lợi ích của chính Trung Quốc", ông nhấn mạnh.

Nhà Trắng dường như đồng ý với đánh giá đó và bà Jean-Pierre cũng lặp lại rằng, WHO đang yêu cầu ĐCSTQ công bố thông tin thực tế về tình trạng lây nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc.

“Tổ chức Y tế Thế giới đang kêu gọi Trung Quốc công bố thêm dữ liệu, điều này rất quan trọng… để xác định bất kỳ biến thể tiềm ẩn nào".

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà Trắng lên tiếng bảo vệ quyết định hạn chế đi lại khi Bắc Kinh đe dọa trả đũa