Nhà Trắng: Ông Biden sẽ nêu vấn đề nhân quyền của Trung Quốc trong cuộc gặp với ông Tập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Joe Biden sẽ thảo luận về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc trong cuộc gặp tiếp theo với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, theo thông báo của Nhà Trắng.

Hai nguyên thủ quốc gia dường như đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp. "Tôi mong được nói chuyện với Chủ tịch Tập”, ông Biden cho biết hôm thứ Năm (16/2).

Theo chính quyền ông Biden, cuộc gặp tới đây sẽ tập trung vào vấn đề khinh khí cầu tầm cao Trung Quốc gần đây đã bay qua Hoa Kỳ và những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng quân sự giữa hai quốc gia.

Trao đổi với đài NTD News trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu (17/2), phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Tổng thống Biden cũng sẽ đối chất với ông Tập về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

“Tổng thống Biden chưa bao giờ ngừng nêu lên những quan ngại về nhân quyền. Và ông ấy từng nêu vấn đề này trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bali (Indonesia). Chủ tịch Tập không phải là người duy nhất. Đặc biệt là trong chính sách đối ngoại, Tổng thống cho rằng điều quan trọng là [Mỹ] phải dẫn đầu bằng các giá trị và sức mạnh của mình. Tổng thống chưa bao giờ ngừng nêu lên những quan ngại đó”.

Tuy nhiên, ông Kirby không nêu chi tiết về cách ông Biden tiếp cận chủ đề về các mối quan ngại về nhân quyền ở Trung Quốc, hoặc những thay đổi chính sách nào mà ông có thể tìm kiếm từ chế độ cộng sản.

Hồ sơ Nhân quyền của Trung Quốc

Ngày 14/11/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021.

Trong cuộc gặp này, ông Biden đã "nêu quan ngại về các hoạt động của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, cũng như vấn đề nhân quyền nói chung", theo một thông báo của Nhà Trắng về cuộc gặp của lãnh đạo hai nước.

Tuy nhiên, tuyên bố trên của Nhà Trắng cũng không đi sâu vào chi tiết về cách ông Biden giải quyết các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Hồi tháng 8/2022, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo đánh giá rằng, chính phủ Trung Quốc có thể đã phạm một số "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" trong cách đối xử với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, chẳng hạn như người Duy Ngô Nhĩ. Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ được cho là đang bị giam giữ trong các trại tập trung trên khắp Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc.

Trong năm thứ hai liên tiếp, chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố rằng Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương. Đáp lại, giới chức Trung Quốc gọi các trại tập trung này là trung tâm dạy nghề chuyên dạy các kỹ năng làm việc cho người Duy Ngô Nhĩ. Chế độ này khẳng định, mục đích của các trại tập trung là để ngăn chặn sự lôi kéo của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo ảnh hưởng đến người dân, sau một loạt các vụ tấn công khủng bố.

Chưa dừng lại ở đó, chính quyền Trung Quốc tiếp tục thắt chặt kiểm soát Hong Kong trong những năm gần đây. Trung Quốc đã thông qua luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong vào năm 2020, trong đó, hình sự hóa các hành vi lật đổ, ly khai và thông đồng với nước ngoài được định nghĩa một cách mơ hồ. Những người bị phát hiện vi phạm luật mới có thể phải đối mặt với án tù chung thân.

Những người biểu tình và các nhà báo chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền đã bị bỏ tù và truy tố với tội danh xúi giục nổi loạn sau khi luật mới của Hong Kong được thông qua.

Chính phủ Hoa Kỳ, cũng như các thành viên khác của cộng đồng quốc tế, đã bày tỏ lo ngại về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công. Trong nhiều thập kỷ, ĐCSTQ đã bị cáo buộc bức hại các học viên Pháp Luân Công bằng các thủ đoạn bao gồm bắt giữ tùy tiện, bỏ tù, tra tấn, cưỡng bức lao động và thu hoạch nội tạng.

Ông Biden dự kiến gặp ông Tập để 'hạ nhiệt căng thẳng'

Hiện chưa rõ thời điểm hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ gặp nhau.

"Các nhà ngoại giao của hai nước sẽ tiếp tục đối thoại và tôi sẽ duy trì liên lạc với Chủ tịch Tập”, ông Biden cho biết trong cuộc họp báo hôm 16/2.

Theo Tổng thống Mỹ, sự cố khinh khí cầu do thám Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ gần đây "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa các nhà ngoại giao và các chuyên gia quân sự của hai nước".

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đã chỉ trích quyết định bắn hạ khinh khí cầu của Hoa Kỳ, mà các quan chức ĐCSTQ tuyên bố là vật thể này chỉ thu thập dữ liệu khí tượng và đơn giản là đã bị thổi bay khỏi lệch trình nên mới “đi lạc” vào không phận Hoa Kỳ. Đáp lại, các quan chức quân sự Mỹ cho biết, các mảnh vỡ thu thập từ khí cầu bị bắn rơi chứa "nhiều ăng-ten" và các thiết bị khác "rõ ràng là để do thám tình báo", đồng thời nó còn "có khả năng thu thập và định vị địa lý các thông tin liên lạc".

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà Trắng: Ông Biden sẽ nêu vấn đề nhân quyền của Trung Quốc trong cuộc gặp với ông Tập