Nhà Trắng sẽ không dịch chuyển trọng tâm khỏi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bất chấp khủng hoảng Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều phối viên chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhà Trắng cho biết, Hoa Kỳ sẽ không dịch chuyển trọng tâm khỏi Ấn Độ - Thái Bình Dương bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine đang leo thang, mà đồng thời để mắt đến 'cả hai rạp chiếu' cùng lúc như trong Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh.

"Điều này quả thực rất khó, với chi phí đắt đỏ nhưng lại rất cấp thiết. Tôi tin rằng, chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà yêu cầu đối với Hoa Kỳ đặt ra ngày càng cao", ông Kurt Campbell cho biết tại một sự kiện trực tuyến diễn ra hôm 28/2 được tổ chức bởi Quỹ Marshall của Đức.

Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố hai tuần trước đó, Nhà Trắng coi khu vực này là rất trọng yếu trước sự leo thang ngày càng cao của Bắc Kinh.

Ông Campbell nói rằng, Washington sẽ thể hiện "quyết tâm" để duy trì cam kết mạnh mẽ trong những tháng tới. Tổng thống Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Washington vào cuối tháng 3. Tiếp đến, ông Biden sẽ tham dự các cuộc họp trong khu vực vào cuối năm, ông nói thêm.

Kurt Campbell của The Asia Group và Tanvi Madan, đồng nghiệp cấp cao của Brookings thảo luận về cuốn sách mới của Mandan, “Tam giác định mệnh: Cách Trung Quốc định hình mối quan hệ Mỹ-Ấn trong Chiến tranh Lạnh”. (Ảnh: Flickr)
Ông Kurt Campbell của The Asia Group và Tanvi Madan, đồng nghiệp cấp cao của Brookings thảo luận về cuốn sách mới của Mandan, “Tam giác định mệnh: Cách Trung Quốc định hình mối quan hệ Mỹ-Ấn trong Chiến tranh Lạnh”. (Ảnh: Flickr)

Nhà Trắng cũng sẽ cử một phái đoàn không chính thức gồm các cựu quan chức quốc phòng và an ninh đến thăm Đài Loan trong tuần này để bày tỏ sự ủng hộ đối với hòn đảo mà Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố là 'của mình'.

“Quý vị sẽ thấy một loạt các hoạt động trên mặt trận ngoại giao" và trên các mặt trận kinh tế và thương mại, ông Campbell nói trước hội đồng.

Bà Mira Rapp Hooper, giám đốc chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cho biết, bà “khá tin tưởng” rằng cuộc chiến chống Ukraine sẽ không làm chuyển hướng tập trung của Mỹ khỏi khu vực.

Bà lưu ý rằng báo cáo về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được Nhà Trắng công khai chỉ "vài phút" sau khi cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan rời khỏi bục phát biểu, cảnh báo người Mỹ rời khỏi Ukraine ngay lập tức do nguy cơ cao bị Nga tấn công.

Bà cho biết, thời điểm đó là để “báo hiệu cho cả khu vực và thế giới rằng, bất chấp mọi diễn biến ở châu Âu, chúng tôi luôn có một kế hoạch ở châu Á đã và đang trên đà thực thi”.

"Chúng tôi đã có một kế hoạch trong 12 đến 24 tháng tới, bất kể mọi diễn biến căng thẳng tại Ukraine", bà nói và lưu ý rằng Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Châu Á trong năm gần đây nhất để hiện thực hoá chiến lược này.

Trong khi cả hai 'mặt trận' đều cấp bách thì khoản viện trợ dành cho Ukraine “khá khác biệt” so với viện trợ được phân bổ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bà Hooper nói.

“Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ bị khan hiếm tài nguyên. Bởi chúng tôi có thể lập kế hoạch cho cả hai 'mặt trận' cùng một lúc", bà cho biết.

Mối quan hệ Trung - Nga 'khó xử'

Ông Campbell nói rằng, Hoa Kỳ quyết tâm giữ mối bang giao với Bắc Kinh, bất chấp những lo ngại về mối quan hệ ngày càng sâu sắc của họ với Moscow.

Ông nói: “Phải thừa nhận rằng, có những yếu tố của mối quan hệ Nga-Trung đang bộc lộ khiến chúng ta không khỏi lo ngại và cần phải theo dõi chúng một cách cẩn thận".

“Trung Quốc đang trong một mối quan hệ khó xử, họ đang cố gắng duy trì mối quan hệ sâu sắc với Nga", ông nói thêm, đồng thời đề cập đến quan hệ đối tác “không giới hạn” mà hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố trước khi Thế vận hội Mùa đông khai mạc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) có cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 4/2/2022. (Ảnh Getty Images)

Còn quá sớm để kết luận xem quan điểm của Bắc Kinh rốt cuộc sẽ như thế nào, ông Campbell nói. Đồng thời ông nói thêm rằng, tình hình hiện tại là “khó khăn” đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông tin rằng các nhà chức trách Bắc Kinh "lo ngại" bởi tình đoàn kết của phương Tây kể từ cuộc xâm lược và "sự tàn bạo đang diễn ra hàng ngày" ở Ukraine.

“Theo quan điểm của chúng tôi, rõ ràng là mối quan hệ công khai và sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc thực sự khá khó chịu ở thời điểm này", ông cho hay.

Trung Quốc đã từ chối cáo buộc cuộc tấn công của Nga là một cuộc xâm lược và chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây là không hiệu quả. Đồng thời, Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng vào tuần trước đối với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc lên án cuộc chiến của Nga đối với Ukraine. Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên rằng, họ sẽ "tiếp tục tiến hành hợp tác thương mại bình thường" với Nga miễn là đôi bên cùng có lợi.

“Mối quan hệ của chúng tôi có đặc điểm không liên minh, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên thứ ba nào”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết, người đã mô tả mối quan hệ là “Trung Quốc và Nga là những đối tác phối hợp chiến lược toàn diện” trong một cuộc họp báo.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà Trắng sẽ không dịch chuyển trọng tâm khỏi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bất chấp khủng hoảng Ukraine