​​Nhật Bản khẳng định không có kế hoạch gia nhập NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bác bỏ việc Nhật Bản gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng để ngỏ khả năng NATO thành lập văn phòng liên lạc tại quốc gia này.

Hôm 24/5, ông Kishida thừa nhận rằng NATO đang có kế hoạch mở một văn phòng tại Tokyo (Nhật Bản) - văn phòng liên lạc thường trực đầu tiên của liên minh quân sự này tại châu Á - nhưng nói rằng ông "không biết về bất kỳ quyết định nào" mà liên minh đã đưa ra về vấn đề này, theo hãng tin Reuters.

Động thái này diễn ra ra sau khi đặc phái viên Nhật Bản Koji Tomita tuyên bố rằng Nhật Bản đang cân nhắc thành lập văn phòng liên lạc của NATO ở châu Á để tạo điều kiện cho liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo tham vấn ý kiến các đối tác trong khu vực.

Theo tờ Japan Times, ông Tomita nói với các phóng viên ở Washington hồi đầu tháng này rằng: "Tôi thực sự chưa nghe được bất kỳ xác nhận chắc chắn nào, nhưng chúng tôi đang đi theo hướng đó”.

Văn phòng sẽ giúp NATO tham vấn với các đối tác chủ chốt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AP4) gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc; đồng thời đóng vai trò là đầu mối liên lạc với các quốc gia khác trong khu vực.

Theo hãng tin Nikkei Asia, mục tiêu đề xuất của NATO là khai trương văn phòng một người tại Tokyo vào năm tới. Đề xuất này ban đầu được thảo luận trong chuyến thăm Tokyo ngày 31/1 của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ giám sát chặt chẽ "việc NATO không ngừng mở rộng về phía đông ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Ngoài ra, bà Mao Ninh cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản nên thận trọng trong các vấn đề an ninh quân sự và khu vực châu Á - Thái Bình Dương không hoan nghênh đối đầu về mặt quân sự với các quốc gia phương Tây.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 31/1/2023. (Ảnh: Takashi Aoyama/Getty Images)

NATO cáo buộc Trung Quốc 'bắt nạt'

Trong chuyến thăm Tokyo, ông Stoltenberg và ông Kishida đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa NATO và Nhật Bản. Ông Stoltenberg nói "không có đối tác NATO nào gần gũi hơn hoặc có năng lực hơn Nhật Bản" trong khu vực.

“Chúng tôi nhất trí rằng an ninh xuyên Đại Tây Dương và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những gì xảy ra trong khu vực này rất quan trọng đối với NATO. Và những gì xảy ra ở châu Âu cũng quan trọng đối với quý vị", ông nói trong một cuộc họp báo chung.

Năm ngoái, Nhật Bản đã thông qua 3 văn kiện quân sự quan trọng, trong đó có Chiến lược An ninh Quốc gia. Chiến lược này đề cập đến Trung Quốc là "thách thức lớn nhất" của Nhật Bản. Nước này đã tìm cách trả đũa những thách thức trên, một động thái được coi là đi ngược lại hiến pháp thời hậu chiến của "đất nước mặt trời mọc".

Ông Stoltenberg cũng ca ngợi kế hoạch an ninh quốc gia của Nhật Bản và hứa sẽ hỗ trợ nước này hiện thực hóa mục tiêu về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

“Chiến lược của quý vị thừa nhận rằng hành vi của Trung Quốc là ‘một vấn đề đáng lo ngại nghiêm trọng' và NATO đồng tình với điều này”, ông nói, đồng thời chỉ trích ĐCSTQ vì đã "bắt nạt các nước láng giềng và đe dọa Đài Loan".

Thủ tướng Nhật Bản thông báo rằng Nhật Bản có kế hoạch thường xuyên tham dự các cuộc họp cấp cao của hội đồng và các cuộc họp của người đứng đầu bộ quốc phòng để thúc đẩy mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và liên minh.

Theo một tuyên bố chung (pdf), cả hai bên đã cam kết thúc đẩy mối quan hệ đối tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, không gian, chiến dịch thông tin sai lệch cũng như các công nghệ quan trọng và mới nổi.

"Trước việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự và mở rộng các hoạt động quân sự, chúng tôi khuyến khích mạnh mẽ Trung Quốc cải thiện tính minh bạch và hợp tác mang tính xây dựng với các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân", tuyên bố cho biết.

Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản Peter Takse-Jensen tuyên bố rằng tình hình địa chính trị đã thay đổi đáng kể kể từ Khái niệm Chiến lược năm 2010 của NATO. Bối cảnh này khiến NATO phải tăng cường quan hệ với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Vào thời điểm đó, Nga được coi là một đối tác tiềm năng và không đề cập đến Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022, các nhà lãnh đạo liên minh đã xác định rằng Nga không còn là đối tác mà là đối thủ, và rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ và có thể ảnh hưởng đến an ninh xuyên châu Âu”, ông nói với tờ Nikkei Asia.

“Đây là lý do tại sao điều quan trọng đối với NATO là duy trì quan hệ với các đối tác của chúng tôi trong khu vực này”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

​​Nhật Bản khẳng định không có kế hoạch gia nhập NATO