Nhật Bản, Mỹ huấn luyện cảnh sát biển Philippines bằng tàu tuần tra do Nhật Bản sản xuất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu huấn luyện Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines bằng tàu tuần tra do Nhật Bản sản xuất, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sự hung hăng ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Khoảng 100 nhân viên Philippines cùng một số quân nhân Mỹ và Nhật Bản đang tham gia cuộc tập trận kéo dài đến ngày 5/11. Khóa huấn luyện bắt đầu từ ngày 24/10, nhưng phải đến ngày 28/10 các phương tiện truyền thông mới đưa tin về việc này.

Các nhân viên Philippines sẽ thực hành kéo một con tàu khuyết tật ở Vịnh Manila bằng tàu tuần tra dài 97 mét (318 foot) do Nhật Bản cung cấp trong khóa huấn luyện kéo dài hai tuần, hãng thông tấn Nhật Bản The Mainichi đưa tin.

“Ví dụ, kéo tàu không phải là hoạt động mà chúng tôi tiến hành thường xuyên … vì vậy khi đưa lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ vào, chúng tôi có thể chia sẻ những ý tưởng khác nhau, chia sẻ những cách làm khác nhau của chúng tôi”, Trung úy Bryce Matakas của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ nói với tờ The Mainichi vào ngày 28/10.

Trong thời gian còn lại, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản sẽ chủ trì huấn luyện thủy thủ đoàn Philippines về kỹ thuật bắt giữ, vận hành tàu nhỏ, kiểm soát thiệt hại trên tàu và chữa cháy, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các vùng lãnh thổ của Philipines ở Biển Đông.

Ông Marcos và mục tiêu hiện đại hóa lực lượng bảo vệ bờ biển

Cuộc diễn tập chung diễn ra sau phát biểu của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vào ngày 19/10. Ông cam kết hiện đại hóa lực lượng bảo vệ bờ biển của quốc gia, nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng này trong việc bảo vệ lãnh thổ hàng hải của Philipines.

“Khi hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, các bạn cần hiểu rõ ràng rằng bạn sẽ không chiến đấu đơn độc trong vùng biển đáng lo ngại này”, ông Marcos nói trong lễ kỷ niệm 21 năm của lực lượng bảo vệ bờ biển, theo các nguồn tin địa phương.

“Với tư cách là nhà lãnh đạo của các bạn, tôi xin đảm bảo rằng chính quyền này sẽ luôn đứng về phía bạn, ủng hộ những nỗ lực và sáng kiến ​​của bạn nhằm hiện đại hóa lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, vốn sẽ được thực hiện để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho quốc gia".

Ông Ferdinand Marcos có bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tiếp theo, tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia vào ngày 30/6/2022 ở Manila, Philippines. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)

Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông thông qua các đảo nhân tạo và hoạt động tăng cường quân sự. Nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông theo yêu sách “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò), bất chấp các tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực.

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, đã ra phán quyết có lợi cho Philippines vào năm 2016. Nhưng phán quyết này có tác động rất ít đến hành vi của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi yêu sách của mình đối với những vùng biển rộng lớn.

Theo đó, PCA cho biết Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". Tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, phán quyết gồm 497 trang, nhấn mạnh rằng tòa trọng tài thuộc PCA cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.

PCA cũng nhận định rằng ngư dân Philippines có quyền đánh cá truyền thống tại Bãi Scarborough và Trung Quốc đã ngăn cản quyền của họ. Bên cạnh đó, các tàu tuần tra của Trung Quốc gây rủi ro nghiêm trọng cho các vụ va đập khi họ thực hiện việc ngăn cản các tàu thuyền Philippines.

Ông Marcos trước đó đã tuyên bố, Philipines sẽ duy trì phán quyết năm 2016 của The Hague trong tranh chấp Biển Đông, nhấn mạnh rằng ông sẽ không cho phép Trung Quốc xâm phạm “một milimét vuông bờ biển của Philipines”.

Philippines đã đệ trình hơn 48 kháng nghị đối với cuộc xâm lược trên biển của Trung Quốc dưới thời chính quyền ông Marcos. Người tiền nhiệm của ông, ông Rodrigo Duterte, đã đệ trình 388 kháng nghị trong sáu năm làm tổng thống.

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Angelito de Leon cho biết hôm 8/9, các tàu Trung Quốc tiếp tục tràn vào vùng biển Philippines bất chấp các cuộc phản đối của nước này. Động thái này buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Philipines phải nâng cao cảnh giác và tăng cường các hoạt động tuần tra trên biển.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 7 nói rằng Washington có nghĩa vụ phải bảo vệ Philippines nếu lực lượng, tàu thuyền hoặc máy bay của nước này bị tấn công ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản, Mỹ huấn luyện cảnh sát biển Philippines bằng tàu tuần tra do Nhật Bản sản xuất