Nhật Bản phản đối tàu chiến Trung Quốc hiện diện gần quần đảo tranh chấp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (04/07), Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc sau khi phát hiện các tàu chiến của nước này và Nga ngay bên ngoài lãnh hải của họ xung quanh quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc đã tiến vào bên trong “vùng biển tiếp giáp”, ngay bên ngoài lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku, nơi mà nhà cầm quyền Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, trong vòng vài phút hồi sáng thứ Hai (04/07).

Bộ cho biết sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc đã được xác nhận khoảng 40 phút sau khi có một tàu khu trục nhỏ của Nga đi vào vùng biển này hơn một giờ đồng hồ.

Hiện vẫn chưa rõ mục đích đằng sau hoạt động quân sự mới nhất của Trung Quốc và Nga trong khu vực này. Các quan chức quốc phòng Nhật Bản đã đề cập đến một khả năng là những con tàu đó có thể đã đến đó để tránh bão.

Phó Chánh Văn phòng Nội các Seiji Kihara cho biết Nhật Bản đã gửi một công hàm phản đối nhằm bày tỏ “mối lo ngại nghiêm trọng” đối với Bắc Kinh về vụ việc trên.

Ông Kihara nói, “Quần đảo Senkaku là một bộ phận vốn thuộc về lãnh thổ Nhật Bản về mặt lịch sử và theo luật pháp quốc tế. Chính phủ Nhật Bản sẽ giải quyết vấn đề này một cách bình tĩnh nhưng kiên quyết để bảo vệ đất liền, lãnh hải, và không phận của nước mình".

“Chúng tôi bày tỏ quan ngại nghiêm trọng và đã gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao, đồng thời kêu gọi họ ngăn hành động này tái diễn”, ông Seiji Kihara cho hay.

Các hòn đảo trên "là lãnh thổ của Nhật Bản theo cả quan điểm lịch sử và luật pháp quốc tế", ông Kihara nói thêm.

Ông Kihara nói rằng việc vi phạm lãnh hải đã không xảy ra.

Nhật Bản coi hoạt động quân sự ngày càng quyết đoán của chính quyền Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông là một mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực. Tokyo đặc biệt nhạy cảm với các hoạt động của Trung Quốc gần các đảo tranh chấp.

Ông Kihara nói rằng cuộc xâm nhập hôm thứ Hai vào vùng biển tiếp giáp vốn nằm giữa vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn hơn này của chiến hạm Trung Quốc là lần xâm nhập thứ tư kể từ tháng 06/2016.

Các quan chức Nhật Bản thường xuyên phản đối sự hiện diện của các tàu tuần dương Trung Quốc trong vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, theo đài NHK, đây là lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện một tàu hải quân ở khu vực đó kể từ năm 2018.

Ngoài ra, một tàu hải quân Nga ngày 4/7 cũng được phát hiện ở vùng biển tiếp giáp lãnh hải của quần đảo tranh chấp, tờ NHK và các phương tiện truyền thông Nhật Bản khác dẫn lời các nguồn tin giấu tên của Bộ Quốc phòng cho biết.

Trước đó, vào tháng 5, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nga đã thực hiện các chuyến bay chung gần Nhật Bản trong khi các nhà lãnh đạo của Bộ tứ Kim cương - gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ - gặp nhau tại Tokyo.

Dù các máy bay không xâm phạm không phận Nhật Bản, Tokyo cho rằng động thái này mang tính "khiêu khích" vì diễn ra trùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo.

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hoạt động của các tàu Trung Quốc là hợp pháp vì quần đảo này là "lãnh thổ của Trung Quốc", đồng thời ông cũng chỉ trích kháng nghị của Tokyo.

Tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã biện minh cho sự xâm nhập của tàu khu trục nhỏ này là các chuyến bay nằm trong "kế hoạch hợp tác quân sự hàng năm" của Trung Quốc và Nga.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản phản đối tàu chiến Trung Quốc hiện diện gần quần đảo tranh chấp