Nhật Bản, Trung Quốc đồng ý duy trì đường dây nóng quân sự trong bối cảnh căng thẳng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và người đồng cấp Trung Quốc đã nhất trí sẽ đảm bảo các đường dây nóng quân sự song phương hoạt động ổn định, nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ tiềm tàng trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Hoa Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore để thảo luận về các mối quan tâm liên quan đến an ninh của hai nước.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cả hai bên đã thống nhất rằng cần phải thúc đẩy đối thoại và trao đổi song phương, đồng thời cần đảm bảo rằng đường dây nóng quân sự của họ được sử dụng "một cách hợp lý". Đường dây nóng quân sự giữa Trung Quốc và Nhật bản vừa được đưa vào sử dụng vào tháng trước.

Đường dây nóng quân sự này được thành lập nhằm kết nối các nhà lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản với các quan chức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản trước đó tuyên bố đường dây nóng quân sự “không chỉ được sử dụng để đối phó với những tình huống không lường trước được, mà còn để xây dựng lòng tin giữa hai nước”.

Trong khi đó, ông Hamada bày tỏ với ông Lý Thượng Phúc lo ngại của mình về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và đặc biệt là quần đảo Senkaku thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Ông nêu quan ngại về các hoạt động quân sự chung của Trung Quốc với Nga xung quanh Nhật Bản, và nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình ở eo biển Đài Loan. Ông Hamada cũng lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Mặc dù ông Lý cam kết phát triển quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc, ông cảnh báo Nhật Bản không nên can thiệp vào vấn đề Đài Loan.

Chính quyền Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và đã đe dọa sẽ đưa hòn đảo tự trị này về dưới sự kiểm soát của họ bằng vũ lực nếu cần thiết. Trong khi đó, Nhật Bản coi sự ổn định xung quanh Đài Loan là vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia do vị trí địa lý của Nhật Bản nằm rất gần Đài Loan.

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tại hội nghị thượng đỉnh, ông Lý nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc và không thế lực bên ngoài nào được phép can thiệp.

“Nếu ai đó dám tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không do dự dù chỉ một chút, sẽ không sợ bất kỳ đối thủ nào, và sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ bằng bất cứ giá nào”, trích lời ông Lý.

Quan chức quốc phòng Nhật Bản, Trung Quốc gặp mặt sau 4 năm gián đoạn

Sau 4 năm gián đoạn, Quỹ hữu nghị Nhật - Trung Sasakawa (SJCFF) đã tuyên bố rằng các quan chức quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc sẽ bắt đầu kết nối và gặp mặt trở lại vào tháng 7/2023. Hội nghị Bộ trưởng giữa hai nước diễn ra chỉ vài ngày sau khi tuyên bố này được đưa ra.

Theo tuyên bố của SJCFF, SDF Nhật Bản sẽ cử 10 sĩ quan cấp cao đến thăm Trung Quốc vào tháng 7/2023, và các thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ đến thăm Nhật Bản vào mùa thu.

Quyết định kết nối và gặp mặt trở lại giữa các sĩ quan SDF Nhật Bản và Trung Quốc được đưa ra sau khi chính phủ Trung Quốc bãi bỏ chính sách “zero-COVID” khắt khe của họ vào tháng 12/2022.

Ông Sasakawa Yohei là chủ tịch danh dự của “Quỹ Hòa bình Sasakawa” Nhật Bản. Ông cho biết dù quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản còn nhiều căng thẳng, thì quỹ này vẫn sẵn sàng hỗ trợ thiết lập “một cánh cổng để hai nước có thể hiểu nhau hơn”.

Ông Yohei nói với các phóng viên vào ngày 30/5: “Vào những thời điểm như thế này, việc quỹ Sasakawa có thể tạo ra một cơ hội để Nhật Bản và Trung Quốc kết nối song phương là rất cần thiết".

Trong hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Hiroshima do Nhật Bản chủ trì vừa diễn ra không lâu, chính quyền Bắc Kinh cho rằng Nhật Bản đã có những phát ngôn “bôi nhọ” và “tấn công” Trung Quốc. Do đó vào tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Nhật Bản để phàn nàn.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) nói rằng Nhật Bản đã cùng với các quốc gia G-7 khác “thổi phồng các vấn đề liên quan đến Trung Quốc” trong thông cáo chung của họ, và “can thiệp thô bạo” vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đại sứ Nhật Bản Hideo Tarumi đã bảo vệ thông cáo chung của G-7, nói rằng G-7 sẽ tiếp tục bày tỏ mối quan tâm chung của họ về Trung Quốc trừ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi hành vi của mình.

Trong thông cáo chung, các nhà lãnh đạo tái khẳng định rằng hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là “không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế”, và kêu gọi một giải pháp hòa bình giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Các nhà lãnh đạo G-7 cũng chỉ trích Trung Quốc vì “các hoạt động quân sự hóa” ở vùng Biển Đông đang tranh chấp, và hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc tại các “điểm nóng" về lao động cưỡng bức như Tây Tạng và Tân Cương.

TheoThe Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản, Trung Quốc đồng ý duy trì đường dây nóng quân sự trong bối cảnh căng thẳng