Nhật Bản và Hàn Quốc cảnh giác cao độ trước vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 29/5, Nhật Bản đã đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong tình trạng báo động, đồng thời cảnh báo sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào đe dọa lãnh thổ của nước này.

Động thái này diễn ra sau khi Nhật Bản nhận được thông báo của Triều Tiên về kế hoạch phóng một vệ tinh, có thể diễn ra vào khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thông qua những bước chuẩn bị cuối cùng cho vụ phóng.

Nhật Bản ngay lập tức lên án vụ phóng tên lửa đầu tiên sau hơn 7 năm của Triều Tiên. Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố dù được gọi là "vệ tinh" nhưng nó vẫn vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của người dân Nhật Bản.

Ông Kishida cho biết Nhật Bản "kêu gọi mạnh mẽ" Triều Tiên kiềm chế việc phóng tên lửa, đồng thời nói thêm rằng Nhật Bản đang hợp tác với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các quốc gia khác về vấn đề này.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ: "Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp chống lại tên lửa đạn đạo và các tên lửa khác được xác nhận là hạ cánh xuống lãnh thổ của chúng tôi”.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Bình Nhưỡng tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo, nhưng chỉ rõ rằng lệnh cấm này không bao gồm chương trình không gian dân sự của nước này.

Tuy nhiên, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ lập luận rằng các vụ phóng vệ tinh là một phương tiện để thúc đẩy các chương trình tên lửa vì cả hai đều sử dụng công nghệ tương tự và mục đích sử dụng chúng khác nhau tùy thuộc vào việc phần đầu của tên lửa mang theo vệ tinh hay vũ khí.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cảnh báo rằng trong khoảng thời gian này sẽ có vật thể rơi ở 3 vùng biển, 2 khu vực thuộc vùng biển Hoàng Hải ở phía Tây bán đảo Triều Tiên và 1 khu vực nằm ở phía Đông đảo Luzon của Philippines.

Cả 3 vùng biển đều nằm ngoài lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, kéo dài 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ bờ biển.

Hồi tháng 4, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi cư dân ở khu vực Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản đến nơi trú ẩn, sau khi Triều Tiên phóng vật thể được cho là một tên lửa đạn đạo. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ đã ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ sẵn sàng bắn hạ tất cả các vật thể có thể đe dọa lãnh thổ Nhật Bản.

Theo đó, Nhật Bản đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) tới các đảo Miyako, Ishigaki và Yonaguni thuộc tỉnh Okinawa để đề phòng khả năng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo.

Ngoài việc triển khai các hệ thống phòng không PAC-3, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ huy động các tàu khu trục Aegis được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 tới vùng biển xung quanh Nhật Bản.

Hệ thống đánh chặn SM-3 chủ yếu được sử dụng để bắn hạ tên lửa đạn đạo bên ngoài bầu khí quyển, trong khi hệ thống Patriot PAC-3, có tầm bắn 30 km và được sử dụng để đánh chặn tên lửa xuyên qua hệ thống phòng thủ SM-3 và được coi là tuyến phòng thủ cuối cùng.

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa SM-3 Block IIA được phóng từ Hệ thống Phòng thủ Aegis ngoài khơi Hawaii vào ngày 1/12/2018. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ)

Hàn Quốc đưa ra cảnh báo nghiêm khắc với Triều Tiên

Theo hãng tin Yonhap, chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên. Hàn Quốc từng tuyên bố nếu Triều Tiên kiên quyết phóng tên lửa, nước này sẽ phải trả giá đắt.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ phía Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với Triều Tiên rằng động thái này sẽ kích động Bình Nhưỡng tiến hành các hành động khiêu khích và đe dọa đến hòa bình khu vực; đồng thời kêu gọi phía Triều Tiên ngay lập tức rút lại kế hoạch phóng tên lửa trái phép.

Hàn Quốc tuyên bố rằng cái gọi là "phóng vệ tinh" của Triều Tiên là một động thái phi lý và bất hợp pháp, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, chính quyền Hàn Quốc tuyên bố sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để đáp trả các hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Triều Tiên sắp phóng ‘vệ tinh’?

Hiện chưa rõ chính xác thời gian và địa điểm Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự.

Tuy nhiên, vào năm 2012 và 2016, Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo dưới vỏ bọc phóng "vệ tinh nhân tạo". Khi đó, tên lửa đã bay qua khu vực lân cận quần đảo Sakishima thuộc tỉnh Okinawa nên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đã có những động thái chuẩn bị bắn hạ tên lửa này.

Theo nguồn tin của đài NHK, một số quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng suy đoán rằng lần này Triều Tiên có thể sẽ thực sự phóng một vệ tinh.

"Tôi cho rằng Triều Tiên đang lợi dụng các vụ phóng vệ tinh làm vỏ bọc để cải thiện công nghệ tên lửa của họ", một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết

"Nếu công nghệ đủ tốt, họ cũng có thể thử đưa các vệ tinh do thám quân sự vào quỹ đạo", quan chức này nói.

Theo The Japan Times, một số nhà quan sát cho biết khả năng thực sự bắn hạ vật thể bay lần này là rất thấp và mệnh lệnh này chủ yếu nhằm trấn an dư luận.

Đầu tháng này, ông Kim Jong Un đã thị sát một cơ sở vệ tinh đang được lắp ráp để chuẩn bị cho cái mà truyền thông nhà nước Triều Tiên nói là “vệ tinh do thám đầu tiên của nước này” với mục đích giám sát các lực lượng của Mỹ và đồng minh ở châu Á.

Vào tháng 4, ông Kim Jong Un cho biết Triều Tiên sẽ phóng "một số vệ tinh do thám liên tiếp vào các quỹ đạo khác nhau" nhằm tăng cường "khả năng thu thập thông tin tình báo của vệ tinh”.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có đạt được tiến bộ nào về năng lực vệ tinh hay không. Hôm 25/5, Hàn Quốc cho biết tên lửa không gian do nước này tự sản xuất trong nước lần đầu tiên đưa một vệ tinh đạt chuẩn thương mại vào quỹ đạo.

Các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả khi Triều Tiên có thể phóng một vệ tinh do thám vào quỹ đạo tầm thấp của Trái đất, thì nước này vẫn phải đối mặt với những rào cản khác, bao gồm hiệu suất của máy ảnh, nguyên liệu khó tìm và thiếu thời gian cần thiết để chụp ảnh các căn cứ quân sự.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản và Hàn Quốc cảnh giác cao độ trước vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên