Nhật chính thức kiểm soát xuất khẩu thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Nhật Bản chính thức thông báo, từ cuối tháng Bảy này sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn, Bộ Thương mại Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối. Ngoại giới cho rằng, động thái này là nhất quán với các hành động kiểm soát của Hoa Kỳ nhằm hạn chế khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

Ngày 23/5, tờ NHK của Nhật Bản đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thắt chặt xuất khẩu 23 mặt hàng cần thiết để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến kể từ ngày 23/7. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt sẽ được áp dụng đối với tất cả các quốc gia và khu vực, ngoại trừ 42 quốc gia và khu vực đã quyết định hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc, bao gồm Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Đài Loan, v.v. Thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác sẽ phức tạp hơn và phải xin phép Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.

Cùng ngày, theo thông cáo báo chí đăng trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Thương mại nước này cho biết phía Trung Quốc kiên quyết phản đối quyết định trên của Nhật Bản. Để duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Trung Quốc sẽ bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp.

Tờ báo Financial Times của Anh ngày 23/5 cho biết, Nhật Bản đang hợp tác với Hoa Kỳ và Hà Lan để thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu toàn diện, điều này có thể hạn chế khả năng có được chip tiên tiến của Trung Quốc. Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc lo ngại rằng, phạm vi hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của Nhật Bản quá rộng và có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất chip tầm thấp và tầm trung của Trung Quốc – những loại được ứng dụng trong mọi sản phẩm, từ ô tô đến máy giặt.

Trước đó, ngày 31/3, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura phát biểu trong cuộc họp báo rằng, việc xuất khẩu 6 loại thiết bị chip, bao gồm làm sạch, quang khắc, khắc axit… sẽ được kiểm soát từ tháng Bảy năm nay. Bất kỳ nhà sản xuất nào muốn xuất khẩu các thiết bị trên đều phải xin giấy phép.

Ông nói, "Chúng tôi (Nhật Bản) đang hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một quốc gia công nghệ, đang đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế”. Ông cũng hy vọng rằng có thể ngăn chặn việc sử dụng công nghệ tiên tiến cho một số mục đích quân sự.

Reuters cho rằng quyết định của Nhật Bản khẳng định một chiến thắng ngoại giao lớn cho chính quyền ông Biden. Kể từ khi Hoa Kỳ đưa ra "Đạo luật Chip và Khoa học năm 2022" (CHIPS and Science Act) vào tháng 10/2022, nước này đã nỗ lực đoàn kết với các đồng minh Nhật Bản và Hà Lan, hai nhà cung cấp thiết bị chip lớn của thế giới, để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận với các thiết bị chip nhằm trì hoãn sự phát triển về công nghệ và quân sự của Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher đã gửi thư cho Quốc hội nước này vào đầu tháng Ba và nói rằng, vì lý do an ninh, nên đặt nhiều hạn chế hơn đối với thiết bị chip tiên tiến, bao gồm cả máy quang khắc tia cực tím sâu (DUV) của công ty ASML.

DUV không phải là máy quang khắc tiên tiến nhất hiện nay, mà là EUV – máy quang khắc siêu tia cực tím – chiếc máy có thể khắc những đường mảnh nhất. Hiện tại, ASML là công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất EUV.

Tuy nhiên, trước áp lực từ Hoa Kỳ, kể từ năm 2019, chính quyền Hà Lan đã không phê duyệt cho ASML xuất khẩu máy quang khắc EUV sang Trung Quốc. Nếu hạn chế trên được thông qua, Trung Quốc sẽ càng khó tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến.

Bà Schreinemacher cho biết, "các quy tắc dự kiến ​​sẽ được công bố trước mùa hè này". ASML và các khách hàng Trung Quốc chưa biết chắc chắn lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ như thế nào.

Nhiều người trong ngành phân tích rằng, Trung Quốc muốn phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình nhưng nếu thiếu công nghệ tiên tiến nhất của ASML, họ có thể gặp phải những trở ngại không thể vượt qua.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong dẫn báo cáo từ "Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh" (CISS) thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cho biết, nếu ba nước Hoa Kỳ - Nhật Bản - Hà Lan cùng hạn chế xuất khẩu các thiết bị, thêm vào đó là chính phủ ông Biden cắt đứt toàn bộ nguồn cung ứng kỹ thuật chip từ các công ty công nghệ Mỹ cho Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh sẽ không những phải đối mặt với nguy cơ về kỹ thuật bán dẫn, mà còn phải đối mặt với làn sóng phá sản của các công ty công nghệ trong nước.

Minh Lý tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nhật chính thức kiểm soát xuất khẩu thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc