Nhiều nước đồng hành với Hoa Kỳ để ngăn chặn các dự án đầu tư của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những quan ngại về an ninh quốc gia đang thúc đẩy Hoa Kỳ sàng lọc các dự án đầu tư chặt chẽ hơn khi nhiều quốc gia đưa ra các khung pháp lý mới đối với người mua nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp được nhà nước Trung Quốc  hậu thuẫn.

Theo nghiên cứu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), gần 12% các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài bị phong tỏa vào năm 2018 vì có những quan ngại về an ninh quốc gia.

“Trong những năm gần đây, có rất nhiều trường hợp đầu tư nước ngoài đã bị các nước chủ nhà từ chối vì lý do an ninh quốc gia và những quan ngại liên quan từ công chúng”, báo cáo của UNCTAD nêu.

“Có một xu hướng thắt chặt sàng lọc đầu tư bằng cách mở rộng phạm vi và độ sâu của thủ tục sàng lọc và nghĩa vụ công khai thông tin tương ứng của các nhà đầu tư nước ngoài.”

UNCTAD xác định có ít nhất 20 trường hợp trong đó các kế hoạch mua lại của chủ đầu tư nước ngoài đã bị phong tỏa hoặc hủy trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 9 năm 2019; 16 trong số đó là của các nhà đầu tư Trung Quốc. Tổng giá trị các giao dịch bị phong tỏa lên tới hơn 162,5 tỷ USD.

Sàng lọc dự án đầu tư nước ngoài liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia cũng đang gia tăng.

Báo cáo cho biết: “Tại Ý, số vụ tố tụng như vậy trong năm 2018 cao hơn 255% so với năm 2015; tại Hoa Kỳ, số lượng các trường hợp được sàng lọc năm 2018 cao hơn 160% so với năm 2015.”

Mặc dù sàng lọc dự án đầu tư trước đây thích hợp hơn đối với ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng, nhưng giờ đã và đang được sử dụng cho các ngành công nghệ quan trọng, như trí tuệ nhân tạo, robot, chất bán dẫn, thiết bị 5G, công nghệ sinh học, vệ tinh và hàng không vũ trụ. Nó cũng được áp dụng để kiểm soát sự truy cập của người nước ngoài vào dữ liệu nhạy cảm của công dân trong nước.

Các nước phát triển và mới nổi đều đưa ra biện pháp thúc đẩy cơ chế sàng lọc đầu tư, nhằm đối phó với sự gia tăng quan ngại về an ninh quốc gia. Trong gần tám năm, ít nhất có 13 quốc gia đã ban hành khung pháp lý mới. Cũng đã có những sửa đổi đáng kể đối với luật đầu tư nước ngoài hiện hành.

Theo UNCTAD, có một số lý do phải tăng cường sàng lọc người mua nước ngoài. Thứ nhất, các quốc gia muốn đảm bảo rằng công nghệ tiên tiến nhất và các bí quyết của họ, chính là chìa khóa cạnh tranh của một quốc gia, không bị rò rỉ. Ngoài ra, họ tìm cách phong tỏa các hoạt động đầu tư ngày càng tăng của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các quỹ đầu tư của chính phủ nước ngoài.

Các chính phủ sử dụng công ty nhà nước để mua các công ty ở nước ngoài như một phương tiện thu hoạch công nghệ và bí quyết. Do đó, sàng lọc đầu tư chặt chẽ hơn vì lý do an ninh quốc gia đã tác động đáng kể đến các nhà đầu tư như vậy, đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc.

Chẳng hạn, tháng 5 năm 2018, chính phủ Canada đã phong tỏa thương vụ mua lại công ty xây dựng Aecon của Canada trị giá 1,5 tỷ đô la bởi một công ty nhà nước Trung Quốc. Chính phủ Canada tuyên bố rằng họ “mở cửa cho đầu tư quốc tế để tạo công ăn việc làm, gia tăng sự thịnh vượng, nhưng không thể để ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.”

Tháng 9 năm 2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành lệnh cấm bán Tập đoàn bán dẫn Lattice Semiconductor Corp cho một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm quỹ đầu tư trực tiếp của chính phủ Trung Quốc. Tổng thống Trump đã làm theo khuyến nghị của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) khi họ lên tiếng phản đối giao dịch vì lý do an ninh quốc gia.

Hoa Kỳ mở rộng sàng lọc các dự án đầu tư nước ngoài

Hoa Kỳ tăng cường quá trình sàng lọc dự án đầu tư để giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia, đặc biệt các dự án đầu tư của Trung Quốc.

Đạo luật hiện đại hóa đánh giá rủi ro của dự án đầu tư nước ngoài (FIRRMA) đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua với sự hỗ trợ mạnh mẽ của hai đảng và được Tổng thống Trump ký ban hành luật năm 2018.

Dự luật đã củng cố hoạt động của CFIUS bằng cách trao thẩm quyền điều tra và quyết định. CFIUS có thể nghiên cứu xem xét và phong tỏa các giao dịch chuyển nhượng không chỉ liên quan đến cổ phần, mà còn cả các cổ phần thiểu số trong các công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ quan trọng.

Đức cũng thắt chặt các quy tắc về các dự án đầu tư nước ngoài được xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tháng 12 năm 2018, chính phủ Đức đã mở rộng khả năng phong tỏa các thỏa thuận mua bán nước ngoài bằng cách hạ thấp ngưỡng xét lại từ 25% xuống 10% phiếu đồng ý đối với các thỏa thuận trực tiếp hoặc gián tiếp mua lại các công ty của Đức.

Các quan chức nói rằng họ phải hạ thấp ngưỡng để giám sát các hoạt động mua lại trong các lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế.

Quan điểm bảo vệ bắt đầu tăng lên ở Đức sau khi một nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc mua lại Kuka AG, một nhà sản xuất robot của Đức vào năm 2016. Thương vụ này làm tăng thêm quan ngại rằng Trung Quốc có thể đang mua các công nghệ cao cấp có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế Đức và do đó họ đã phong tỏa thương vụ bán lại nhà máy sản xuất con chip Aixtron cho một quỹ đầu tư của chính phủ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng cấm bán công ty con Aixtron của Hoa Kỳ cho quỹ đầu tư này.

Năm ngoái, Vương quốc Anh đã công bố một chính sách dài 120 trang để tăng cường quyền lực của chính phủ trong việc ngăn chặn các trường hợp mua lại tài sản của Anh Quốc có thể gây ra quan ngại về an ninh quốc gia. Vương quốc Anh chủ yếu hướng mục tiêu vào các nhà đầu tư Trung Quốc và Nga.

Theo UNCTAD, các quốc gia khác đã tăng cường sàng lọc đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây bao gồm Úc, Canada, Ý và New Zealand.

Trong bản thiết kế chi tiết “Made in China 2025,” chính quyền Trung Quốc tiết lộ tham vọng trở thành nước thống trị trong 10 ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm công nghệ thông tin tiên tiến, công nghệ robot, hàng không và ngành công nghiệp ô tô điện.

Để thực hiện mục tiêu, Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau bao gồm gián điệp công nghiệp, trộm cắp thông tin trên mạng, liên doanh bắt buộc để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường và mua lại các công ty nước ngoài để nắm bắt các công nghệ nhạy cảm.

Theo báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), ý định của Trung Quốc không phải là gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế công nghệ cao như Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà là thay thế vị trí của họ.

Kế hoạch “Made in China 2025” vạch ra mục tiêu năm 2025 sẽ đạt được 70% “tự cung tự cấp” đối với các thành phần cốt lõi và vật liệu cơ bản trong các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Nguyên Hương (biên dịch)

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều nước đồng hành với Hoa Kỳ để ngăn chặn các dự án đầu tư của Trung Quốc