Nhiều quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 18/11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp gồm các nhà lãnh đạo từ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và New Zealand bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, để lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, theo tờ Reuters.

“Hành vi gần đây nhất của Triều Tiên là một sự vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại cuộc họp. “Điều đó làm mất ổn định an ninh trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng một cách không cần thiết".

Màn hình TV chiếu cảnh Triều Tiên phóng thử tên lửa tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, hôm 3/11/2022. (Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images)

Tờ Reuters đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cảnh báo Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng tên lửa và có thể nối lại vụ thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.

Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ vụ phóng và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng ngay lập tức mọi hành động khiêu khích.

Trong một cuộc họp báo ở Washington, Phát ngôn viên An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Triều Tiên đã rút ra kinh nghiệm sau mỗi vụ phóng "và điều này rất đáng lo ngại".

Vụ phóng hôm thứ Sáu (18/11) diễn ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Hai (14/11) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Bali (Indonesia). Ông Biden nói rằng, Bắc Kinh có nghĩa vụ thuyết phục Triều Tiên ngừng phóng thử hạt nhân, đồng thời cũng thêm rằng, không rõ liệu Trung Quốc có thể lay chuyển được Bình Nhưỡng hay không.

Được thành lập để thúc đẩy hội nhập kinh tế, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tập hợp 21 quốc gia chiếm 38% dân số toàn cầu, 62% tổng sản phẩm quốc nội và 48% thương mại.

Hội nghị APEC lần thứ 29 được khai mạc tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 18/11 và kéo dài hai ngày. APEC là hội nghị cấp cao thứ ba trong khu vực trong tuần qua. Các cuộc họp trước đó đã bị chi phối bởi xung đột Nga - Ukraine cũng như căng thẳng về Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.

Nga là thành viên của cả G20 và APEC nhưng Tổng thống Vladimir Putin đã tránh xa các hội nghị thượng đỉnh này. Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov sẽ đại diện ông tham dự hội nghị APEC tại Thái Lan.

Hôm thứ Năm (17/11), nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương không phải là "sân sau" của bất kỳ ai và không nên trở thành đấu trường cạnh tranh giữa các cường quốc.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây xung quanh các vấn đề như thuế quan, Đài Loan, sở hữu trí tuệ, sự xói mòn quyền tự trị của Hong Kong và tranh chấp trên Biển Đông.

Trong một động thái có thể bị Trung Quốc coi là khiêu khích, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ đến thăm quần đảo Palawan của Philippines nằm gần khu vực tranh chấp trên Biển Đông, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết hôm 15/11, theo tờ Reuters.

Reuters: Phó Tổng thống Mỹ thăm các đảo của Philippines ở rìa khu vực tranh chấp trên Biển Đông
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong một sự kiện tại Arlington, tiểu bang Virginia, hôm 11/11/2022 . (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Chuyến thăm dự kiến ​​sẽ diễn ra vào thứ Ba tuần tới (22/11), và bà Harris sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm chuỗi đảo tiếp giáp với quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã nạo vét đáy biển để xây dựng bến cảng và đường băng trên quần đảo Trường Sa, một phần của quần đảo này cũng được Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ ở vùng biển ngoài khơi Palawan và phần lớn Biển Đông, đồng thời trích dẫn các bản đồ lịch sử của nước này.

Sau cuộc gặp trực tiếp kéo dài ba giờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xoa dịu căng thẳng, chuyến công du của bà Harris có thể sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.

Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu khí khổng lồ, cũng là nơi giao thương trị giá 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, đây cũng là điểm nóng cho căng thẳng Mỹ - Trung xung quanh các hoạt động hải quân.

Chuyên gia Gregory Poling tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, Mỹ, hôm 5/7 cho biết: “Lịch sử, đối với chính phủ Trung Quốc mà nói, chính là nhựa. Nó thể được thay đổi và nhào nặn khi cần thiết".

Ông Poling nói thêm rằng, ĐCSTQ đang “siết chặt sợi thòng lọng” trong khu vực và đe dọa sẽ biến Biển Đông thành một “cái hồ của Trung Quốc”.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên