Nhìn lại lịch sử tạo ra khủng hoảng eo biển Đài Loan của Giang Trạch Dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 30/11, sau khi tin tức về cái chết của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân được công khai, Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục (MAC) của Đài Loan cũng tái khẳng định rằng, Giang Trạch Dân đã gây ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan trong nhiệm kỳ của ông ta.

Tân Hoa Xã, phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin rằng, ông Giang Trạch Dân qua đời tại Thượng Hải lúc 12:13 ngày 30/11 do bệnh bạch cầu và suy đa tạng. Cùng lúc đó, các tội ác của ông ta cũng được truyền thông quốc tế phơi bày.

Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục của Đài Loan cho biết, trong nhiệm kỳ của Giang Trạch Dân, mặc dù hai bên eo biển đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại và trao đổi, nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục đe dọa hệ thống dân chủ và sự phát triển ngoại giao của hòn đảo bằng vũ lực. Động thái này đã gây ra tình trạng bất ổn ở hai bờ eo biển cũng như thu hút sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan tái khẳng định chính sách nhất quán của chính phủ là duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Ngoài ra, hội đồng này cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngừng sử dụng các mối đe dọa quân sự và vũ lực để đạt được mục tiêu của mình; tôn trọng người dân Đài Loan; và hợp tác để giải quyết các khác biệt một cách hòa bình.

Theo Hãng thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan, Giang Trạch Dân đã được đích thân Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo thế hệ thứ hai của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chọn làm Tổng bí thư của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ vào năm 1989. Sau cuộc đàn áp đẫm máu ở "Quảng trường Thiên An Môn" vào ngày 4/6/1989, Giang Trạch Dân chính thức trở thành lãnh đạo thế hệ thứ ba của ĐCSTQ.

Trong thời gian này, Giang Trạch Dân cũng là Trưởng ban Lãnh đạo các vấn đề Đài Loan của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Tuy nhiên, do sự kiện ngày 4/6 bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt, đồng thời chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc sớm được tái khởi động nên chính sách Đài Loan của Giang Trạch Dân trong những ngày đầu cầm quyền còn tương đối "êm đềm".

Theo đó, sách trắng "Vấn đề Đài Loan và thống nhất Trung Quốc" do ĐCSTQ ban hành ngày 31/8/1993 về cơ bản kế thừa tinh thần "thống nhất hòa bình và một quốc gia, hai chế độ" từ thời Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng nhấn mạnh rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Sau đó, vào ngày 30/1/1995, đêm trước Tết Nguyên đán, Giang Trạch Dân đã công bố quan điểm của mình về quá trình thống nhất đất nước. Vào ngày 8/4/1995, ông Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui), Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, đã phản hồi lại với sáu quan điểm như sau:

  1. Theo đuổi sự thống nhất của Trung Quốc trên thực tế hai bờ eo biển Đài Loan bị chia cắt.
  2. Lấy văn hóa Trung Quốc làm nền tảng, tăng cường giao lưu hai bờ eo biển.
  3. Tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai bờ eo biển và phát triển các mối quan hệ song phương, đôi bên cùng có lợi.
  4. Hai bờ eo biển bình đẳng tham gia các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo hai bên sẽ gặp gỡ nhau thông qua cơ hội này.
  5. Hai bờ eo biển kiên quyết giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
  6. Hai bờ eo biển sẽ cùng nhau bảo vệ sự thịnh vượng và thúc đẩy dân chủ ở Hong Kong và Macao.

Ông Lý Đăng Huy đã thúc đẩy các chuyến thăm ngoại giao tới Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của mình. Mặc dù các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ không đồng ý, song Đài Loan đã thuê Cassidy, một công ty quan hệ công chúng có tiếng ở Washington, để vận động hành lang tại Hoa Kỳ.

Các bài xã luận và bình luận trên các tờ báo lớn đều bày tỏ sự ủng hộ đối với chuyến thăm của ông Lý Đăng Huy cũng như việc cấp thị thực cho cựu tổng thống Đài Loan. Cuối cùng, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 396/0 và Thượng viện 97/1 ủng hộ việc cấp thị thực cho ông Lý Đăng Huy. Việc Giang Trạch Dân bỏ qua điều này cũng đã cản trở quan hệ Mỹ - Trung.

Vào tháng 3/1996, Trung Hoa Dân Quốc đã tổ chức cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên, điều này đã làm dấy lên sự bất mãn của Giang Trạch Dân. Dưới sự xúi giục của phe diều hâu trong nội bộ ĐCSTQ, Giang Trạch Dân đã ra lệnh cho Quân đoàn Pháo binh số hai của ĐCSTQ tổ chức một cuộc tập trận phóng tên lửa từ ngày 21/7 đến ngày 28/7/1996.

Quân đội ĐCSTQ bắt đầu các cuộc tập trận quân sự rầm rộ vào tháng 7/1995 nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 12/1995 và cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Đài Loan vào tháng 3/1996. "Khủng hoảng eo biển Đài Loan" đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Mỹ thậm chí còn điều động tàu sân bay USS Independence và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz lần lượt đi qua vùng biển Đài Loan vào ngày 19/12/1995 và 8/3/1996, đồng thời triển khai chúng ở vùng biển phía đông bắc Đài Loan.

Khi đó, trong cuộc tập trận thứ 5 từ ngày 8/3 đến 15/3, PLA đã phóng tổng cộng 4 tên lửa Đông Phong 15, trong đó 3 quả rơi xuống vùng biển ngoài khơi Cao Hùng phía Nam Đài Loan, quả còn lại hạ cánh xuống vùng biển ngoài khơi Cơ Long ở phía Bắc hòn đảo.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1996, ông Lý Đăng Huy nói với công chúng rằng, “chính phủ có 18 kế hoạch để đối phó với cuộc khủng hoảng” và gọi tên lửa của ĐCSTQ là “bom rỗng”. Câu nói này đã trở thành phát biểu kinh điển của ông.

Sau khi sửa đổi Hiến pháp năm 1991, ông Lý Đăng Huy tuyên bố rằng chính phủ Trung Hoa Dân Quốc sẽ giới hạn lãnh thổ quốc gia ở eo biển Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ. Do đó, mối quan hệ của Đài Loan với Trung Quốc từ lâu đã là "giữa quốc gia với quốc gia" hoặc "ít nhất là một loại quan hệ đặc biệt giữa nhà nước với quốc gia" chứ không phải là "một chính phủ chính quyền trung ương với chính quyền địa phương”.

Cuộc đối thoại này một lần nữa làm dấy lên sự bất mãn của ĐCSTQ, và Giang Trạch Dân quyết định hủy bỏ kế hoạch chuyến thăm Chủ tịch Hiệp hội quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan lúc bấy giờ. Từ đó cho đến cuộc bầu cử tổng thống của Đài Loan vào tháng 3/2000, chính phủ Trung Quốc không chỉ dừng cơ chế liên lạc và đối thoại giữa hai bên eo biển Đài Loan mà còn quyết định đình chỉ hoạt động của các quan chức của Văn phòng Ngoại giao và Thương mại đối với Đài Loan.

Huyền Anh

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Nhìn lại lịch sử tạo ra khủng hoảng eo biển Đài Loan của Giang Trạch Dân