Nhóm điều tra của WHO đến thăm Viện Virus học Vũ Hán, tâm điểm của sự nghi ngờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 3/2, nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đến thăm một trung tâm nghiên cứu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi từng được suy đoán về nguồn gốc của virus Corona. Một thành viên của nhóm nói rằng, họ muốn gặp các nhân viên chủ chốt tại đó và thúc ép các vấn đề quan trọng.

Chuyến thăm của nhóm công tác của WHO tới Viện Virus học Vũ Hán là một điểm nhấn trong sứ mệnh của họ là thu thập dữ liệu và tìm kiếm manh mối về nơi xuất phát của virus và cách nó lây lan.

“Chúng tôi rất mong được gặp gỡ tất cả những người chủ chốt ở đây và hỏi tất cả những câu hỏi quan trọng cần được hỏi", nhà động vật học và thành viên nhóm Peter Daszak cho biết, theo đoạn phim do đài truyền hình Nhật Bản TBS thực hiện.

Các phóng viên đã theo nhóm điều tra đến cơ sở an ninh cẩn mật của Viện Virus học, nhưng cũng như các chuyến thăm trước đây, họ hầu như không tiếp cận trực tiếp được với các thành viên trong nhóm, vốn hiếm khi cung cấp cho họ chi tiết về các cuộc thảo luận và thông tin về chuyến công tác của họ cho đến nay. Các nhân viên bảo vệ mặc đồng phục và thường phục đứng canh dọc lối vào phía trước của Viện, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nhóm công tác của WHO mặc đồ bảo hộ như đã mặc hôm thứ Ba (2/2) trong chuyến thăm một trung tâm nghiên cứu bệnh động vật. Không rõ đồ bảo hộ được mặc bên trong viện trông như thế nào.

Nhóm nghiên cứu của WHO rời đi sau khoảng ba giờ đồng hồ mà không nói chuyện với các nhà báo đang chờ đợi.

Hôm thứ Năm (28/1), các thành viên trong đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết thúc 14 ngày cách ly và chuẩn bị điều tra nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán. (HECTOR RETAMAL/AFP / Getty Images)

Tại cuộc họp giao ban hàng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết các chuyên gia cũng đã có cuộc hội đàm hôm thứ Tư (3/2) với các chuyên gia từ Đại học Nông nghiệp Hoa Trung.

Ông Uông nói: “Cần nhấn mạnh rằng việc truy xuất nguồn gốc virus là một vấn đề khoa học phức tạp và chúng tôi cần cung cấp đủ không gian để các chuyên gia tiến hành nghiên cứu khoa học. Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với WHO một cách cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm, đồng thời đóng góp để ngăn chặn tốt hơn các rủi ro trong tương lai và bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân ở tất cả các quốc gia”.

Trong 6 ngày qua, sau khi kết thúc hai tuần cách ly, nhóm công tác của WHO bao gồm các chuyên gia về thú y, virus học, an toàn thực phẩm và dịch tễ học từ 10 quốc gia đã đến thăm các bệnh viện, viện nghiên cứu và khu chợ hải sản Hoa Nam ẩm ướt liên quan đến ổ dịch đầu tiên. Chuyến thăm của họ diễn ra sau nhiều tháng đàm phán khi Trung Quốc tìm cách kiểm soát chặt chẽ thông tin về đợt bùng phát và cuộc điều tra về nguồn gốc của virus, điều mà một số người coi là nỗ lực để tránh bị đổ lỗi cho bất kỳ sai phạm nào trong phản ứng ban đầu khi dịch bệnh bùng phát.

Là một trong những cơ sở nghiên cứu virus hàng đầu của Trung Quốc, Viện Virus học Vũ Hán đã xây dựng một kho lưu trữ thông tin di truyền về các loại virus corona ở dơi sau đợt bùng phát dịch bệnh SARS năm 2003. Điều đó đã dẫn đến những cáo buộc chưa được chứng minh rằng nó có thể có liên quan đến đợt bùng phát COVID-19 ban đầu ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.

Trung Quốc đã phủ nhận mạnh mẽ khả năng đó và cũng thúc đẩy các giả thuyết chưa được chứng minh rằng virus có thể bắt nguồn từ nơi khác hoặc thậm chí được đưa vào nước này từ nước ngoài khi nhập khẩu hải sản đông lạnh nhiễm virus, một quan điểm bị các nhà khoa học và các cơ quan quốc tế bác bỏ hoàn toàn.

Phó giám đốc của viện là bà Thạch Chính Lệ, một nhà virus học đã làm việc với ông Peter Daszak để truy tìm nguồn gốc của bệnh SARS bắt nguồn từ Trung Quốc và dẫn đến đợt bùng phát đại dịch năm 2003.

Việc xác nhận nguồn gốc của virus có thể phải mất nhiều năm. Việc chốt hạ ổ chứa động vật của ổ dịch thường yêu cầu nghiên cứu toàn diện, bao gồm cả việc lấy mẫu động vật, phân tích gen và nghiên cứu dịch tễ học. Một khả năng có thể là một kẻ săn trộm động vật hoang dã đã mang động vật có virus trên mình đến Vũ Hán.

Các ổ dịch COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, và khiến chính phủ buộc phải phong tỏa thành phố 11 triệu dân này trong 76 ngày. Cho đến nay, Trung Quốc báo cáo hơn 89.000 trường hợp mắc và 4.600 trường hợp tử vong, với các trường hợp mới chủ yếu tập trung ở các khu vực Đông Bắc và đều bị phong tỏa cũng như hạn chế đi lại được áp dụng để ngăn chặn làn sóng bùng phát mới.

Các trường hợp lây nhiễm mới tại địa phương tiếp tục giảm với chỉ 15 trường hợp được báo cáo hôm thứ 3/1 khi chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân không đi du lịch vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng Hai.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhóm điều tra của WHO đến thăm Viện Virus học Vũ Hán, tâm điểm của sự nghi ngờ