Núi lửa phun trào, Indonesia phát đi cảnh báo cao nhất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay (4/12), giới chức Indonesia đã nâng cảnh báo về hoạt động của núi lửa Semeru trên đảo Java lên mức cao nhất sau khi núi lửa này phun cột tro bụi cao khoảng 15 km lên không trung, tờ Reuters đưa tin.

Cơ quan giảm nhẹ thiên tai của Indonesia (BNPB) cho biết, cơ quan này đã tiến hành sơ tán 93 người dân sống gần núi lửa ở tỉnh Đông Java đến nơi trú ẩn an toàn, bao gồm cả trẻ em và người già.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đang theo dõi khả năng xảy ra sóng thần ở Indonesia cho biết, cột khói từ núi lửa đạt đến độ cao 15 km.

Vụ phun trào ở phần phía đông của đảo Java, cách thủ đô Jakarta khoảng 640 km về phía đông, xảy ra sau một loạt trận động đất ở phía tây của hòn đảo, trong đó có một trận vào tháng trước đã khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Trung tâm Giảm thiểu Rủi ro Địa chất và Núi lửa Indonesia (PVMBG) đã nâng cảnh báo về hoạt động của núi lửa Semeru từ cấp 3 lên mức cao nhất là cấp 4, theo Reuters.

Với mức cảnh báo được nâng lên, các nhà chức trách cảnh báo người dân không tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong vòng 8 km tính từ trung tâm phun trào của núi lửa Semeru.

Ông Bayu Deny Alfianto, một tình nguyện viên địa phương chia sẻ với tờ Reuters qua điện thoại: "Hầu hết các con đường đã bị chặn từ sáng nay. Hiện trời đang mưa và tro núi lửa phun trào đã che khuất tầm nhìn của ngọn núi".

Ông Bayu cũng cho biết các vụ phun trào nhỏ vẫn tiếp diễn và khu vực này đang mưa.

Vào ngày 21/11, trận động đất mạnh 5,6 độ richter xảy ra trên đất liền gần thị trấn Cianjur ở một khu vực miền núi của tỉnh đông dân nhất Indonesia, khiến người dân hoảng sợ và tháo chạy trong khi các tòa nhà sụp đổ. Một trận động đất mạnh hơn nhiều vào thứ Bảy (3/12) ở Gurat với cường độ 6,1 độ richter cũng khiến mọi người phải tháo chạy khỏi các tòa nhà nhưng không gây ra thiệt hại nào đáng kể.

Indonesia tọa lạc trên một quần đảo rộng lớn, thường xuyên hứng chịu động đất, núi lửa phun trào và sóng thần do nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương. Đây là khu vực giao thoa của các mảng kiến tạo trên vỏ Trái Đất.

Trận động đất và sóng thần năm 2004 tại Indonesia được coi là thảm họa thiên tai tồi tệ nhất lịch sử, với cường độ 9,3 độ richter kéo theo sóng thần ở ngoài khơi đảo Sumatra, Tây Indonesia. Trận động đất kiêm sóng thần này đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người ở các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó có 168.000 người Indonesia.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Núi lửa phun trào, Indonesia phát đi cảnh báo cao nhất