Ông Putin có thể xâm lược Ukraine bất chấp lời đe dọa của ông Biden hay không? (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước thực trạng Nga leo thang chiến sự ở biên giới Ukraine, thông tin tình báo khẳng định rằng xác suất Nga xâm lược Ukraine vào tháng Giêng năm 2022 là rất lớn. Cuộc họp qua video vội vã giữa tổng thống hai nước Biden và Putin đã trở thành cuộc tranh cãi không hồi kết; ông Biden kết thúc cuộc họp bằng một đe dọa trừng phạt kinh tế với Nga mà thôi... Nhưng liệu ông Putin có vì thế mà thay đổi chiến lược với Ukraine khi 'vùng đệm' sống còn này của Nga cương quyết từ bỏ Nga gia nhập NATO?

Theo một quan chức nói với tờ Washington Post, Nga có kế hoạch xâm lược Ukraine vào tháng Giêng.

Trong vài tuần qua, các hoạt động quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine đã khiến cả thế giới phải lo lắng. Nhiều người lo ngại rằng Moscow có thể cố gắng lặp lại sự kiện năm 2014 khi lực lượng Nga xâm lược và sáp nhập Crimea.

Nước Nga đã sẵn sàng tấn công bất ngờ?

Kể từ tháng 10, Điện Kremlin đã tập hợp quân đội và khí tài ở biên giới với Ukraine viện cớ cho các cuộc tập trận. Đây là lần thứ hai Moscow tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực trong năm nay. Vào tháng 4, trong những tháng đầu tiên của chính quyền Biden, các lực lượng Nga đã tập trung ở biên giới. Và nhiều người lo sợ rằng họ sẽ tấn công.

Theo Washington Post, giới tình báo Mỹ ước tính có gần 70.000 quân Nga được chia thành 100 lực lượng đặc nhiệm chiến thuật ở khu vực biên giới. Hiện tại, khoảng 50 đơn vị trong số này đã được khai triển tới 4 địa điểm đối diện Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tin rằng con số đó có thể sớm tăng lên 175.000 quân.

Lính Nga đang tập trận tại Crimea. Nguồn ảnh: GETTY IMAGES

“Các kế hoạch của Nga kêu gọi một cuộc tấn công quân sự chống lại Ukraine sớm nhất là vào đầu năm 2022 với quy mô lực lượng gấp đôi những gì chúng ta đã thấy vào mùa xuân vừa qua trong cuộc tập trận nhanh của Nga gần biên giới Ukraine. Kế hoạch bao gồm hoạt động trên diện rộng của 100 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn với khoảng 175.000 quân nhân cùng với xe bọc sắt, pháo binh và thiết bị.” Theo Washington Post, một quan chức chính phủ Hoa Kỳ cho biết như trên.

Theo đánh giá của giới tình báo Hoa Kỳ, số quân tiềm năng gần như gấp đôi số quân mà tình báo quân đội Ukraine đã nhận định vài ngày trước.

Kyiv ước tính rằng Moscow đã khai triển khoảng 90.000 quân, 1.200 xe tăng, 2.900 thiết vận xa, 1.600 khẩu pháo, 330 chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và tiêm kích cơ phản lực, 240 máy bay trực thăng, 81 chiến hạm mặt nước và tàu ngầm. Ngoài ra, tình báo quân đội Ukraine cho rằng Nga đã bố trí hơn 2.000 quân trong các đơn vị ly khai chiến đấu với lực lượng quân đội Ukraine ở khu vực Donbas kể từ năm 2014.

Chiến thuật tạo ‘hội chứng luộc ếch’ của ông Putin với Ukraine

“Hội chứng ếch luộc hay hiệu ứng luộc ếch (Boiling frog) là cụm từ chỉ về việc một con ếch sẽ từ từ chết khi bị luộc trong nồi khi ta tăng nhiệt độ một cách từ từ mà không đột ngột để nó không phản ứng nhảy ra khỏi nồi nước sôi mặc dù không hề có nắp đậy hoặc trở ngại. Từ câu chuyện này nói đến sự chậm trễ, ngại đổi mới, sợ thay đổi và đột phá của con người cuối cùng sẽ tự làm hại chính bản thân mình mà không hề hay biết - Theo Wikipedia”

Những gì Moscow có thể đang làm đối với Ukraine là làm giảm sự chú ý, phòng bị của đối thủ. Nếu quân đội Nga liên tục xuất hiện ở biên giới, người dân Ukraine và cộng đồng quốc tế có thể dần dần không chú ý đúng mức sau vài lần đầu tiên. Nhưng điều đó sẽ mang lại cho Moscow lợi thế bất ngờ trong trường hợp họ quyết định tấn công vào một thời điểm nào đó vì đối thủ của họ đã không còn nhạy cảm với sự hiện diện của lực lượng quân đội quy mô lớn.

Moscow luôn hết sức bảo vệ về phạm vi ảnh hưởng của mình ở các quốc gia từng tạo nên Liên Xô. Ukraine là một trong số đó, và khả năng mất Kyiv vào tay phương Tây thông qua NATO hoặc Liên minh châu Âu dường như là lằn ranh đỏ đối với Điện Kremlin.

Trong bài phát biểu trước các nhà ngoại giao Nga vào tháng 11, Tổng thống Vladimir Putin đã nói về tình hình căng thẳng này rằng: “Những cảnh báo gần đây của chúng tôi [ở Ukraine] đã được chú ý và có tác dụng. Hình thế căng thẳng nhất định đã xuất hiện ở đó. Chúng ta cần hoàn cảnh này duy trì càng lâu càng tốt, vì vậy không có ai cho rằng phải gây ra xung đột mà chúng ta không cần ở khu vực biên giới phía tây của chúng ta.

Cuộc họp 2 tiếng chẳng thể kết luận về số phận Ukraine

Trước tình hình căng thẳng ở biên giới Ukraine, Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã tham gia cuộc gọi điện video song phương kéo dài hai giờ vào thứ Ba, ngày 7/12. Cuộc gọi bắt đầu ngay sau 10 giờ sáng và kết thúc ngay sau buổi trưa. Theo bản tin từ Nhà Trắng về cuộc gọi, ông Biden bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Nga leo thang các động thái quân sự xung quanh Ukraine. Ông cũng nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi giảm leo thang và quay trở lại ngoại giao, theo bản tin.

(Trái) Tổng thống Mỹ Joe Biden Alexandria, Virginia, ngày 28/5/2021. (Mandel Ngan / AFP qua Getty Images); (phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Cung điện Tauride, ở Saint Petersburg, Nga, ngày 27/4/2021. (Alexei Danichev / Sputnik / AFP qua Getty Images)
(Trái) Tổng thống Mỹ Joe Biden Alexandria, Virginia, ngày 28/5/2021. (Mandel Ngan / AFP qua Getty Images); (phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Cung điện Tauride, ở Saint Petersburg, Nga, ngày 27/4/2021. (Alexei Danichev / Sputnik / AFP qua Getty Images)

Trao đổi với các phóng viên sau cuộc gọi, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ là ông Jake Sullivan nói rằng, ông Biden cũng đảm bảo sẽ cung cấp thêm vật liệu phòng thủ cho Ukraine và củng cố các đồng minh NATO ở sườn phía đông của Nga, nếu Nga quyết định xâm lược. Ông Sullivan nói: “[Ba Lan, Romania và các nước Baltic khác] sẽ tìm kiếm, chúng tôi mong đợi, các khả năng bổ sung và khả năng triển khai bổ sung, và Hoa Kỳ sẽ tìm cách phản ứng tích cực với những điều đó trong trường hợp có thêm một cuộc xâm lược vào Ukraine”.

Hai tổng thống Nga - Mỹ đã giao nhiệm vụ cho các nhóm của họ theo dõi, và Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác. Ông Biden đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Ý và Anh sau cuộc gọi. Dự kiến, ông sẽ có cuộc ​​nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào thứ Năm, ngày 9/12.

Có vẻ như, Nga không mấy nhượng bộ mục tiêu của họ ở Ukraine nếu quốc gia này khăng khăng gia nhập NATO trong khi Mỹ không lùi bước.

Nga luôn ‘bốc khói’ mỗi khi Ukraine muốn gia nhập NATO

Ukraine luôn muốn thoát khỏi vòng kiềm toả của Nga, muốn vậy thì Mỹ và NATO là một lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, Thủ tướng Vladimir Putin được cho là đã tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO-Nga năm 2008 rằng nếu Ukraine gia nhập NATO, Nga sẽ dùng quân sự để sáp nhập miền Đông Ukraine và Crimea. [4]

Ukraine đã bắt đầu thiết lập mối quan hệ giữa với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu vào năm 1994. NATO là tên tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là một liên minh quân sự dựa trên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết vào ngày 4 tháng 4 năm 1949 bao gồm Mỹ và một số nước ở châu Âu.

Ukraine đã nộp đơn xin bắt đầu Kế hoạch hành động cho các thành viên NATO (MAP) vào năm 2008. Các kế hoạch trở thành thành viên NATO đã bị Ukraine hoãn lại sau khi Cuộc bầu cử tổng thống năm 2010, trong đó Viktor Yanukovych, người không muốn đối đầu với Nga, một ông lớn sát sườn Ukraina, giống như Việt Nam và Trung Quốc, được bầu làm Tổng thống. Trong bối cảnh Euromaidan bất ổn, Yanukovych đã bỏ trốn khỏi Ukraine vào tháng 2 năm 2014. Chính phủ Yatseniuk lâm thời đã thành lập chính phủ lâm thời khi đó cũng khẳng định rằng họ không có kế hoạch gia nhập NATO.

Một quân nhân Ukraine đi dọc theo chiến hào trên chiến tuyến với phe ly khai do Nga hậu thuẫn gần khu vực Donetsk vào ngày 26/11/2021. (Anatolii Stepanov / AFP qua Getty Images)
Một quân nhân Ukraine đi dọc theo chiến hào trên chiến tuyến với phe ly khai do Nga hậu thuẫn gần khu vực Donetsk vào ngày 26/11/2021. (Anatolii Stepanov / AFP qua Getty Images)

Tuy nhiên, cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng. Nga thành công xâm lược và sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea, thuộc Ukraine năm 2014. Lúc này, phe trung lập không còn ưu thế ở Ukraine nữa; cuộc bầu cử tháng 10/2014 đã thiết lập một chính quyền mới. Chính phủ mới coi việc gia nhập NATO là một ưu tiên hàng đầu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels tháng 6 năm 2021, các nhà lãnh đạo NATO nhắc lại quyết định được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008 rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của Liên minh. Hội nghị đưa ra Kế hoạch hành động thành viên (MAP) như một phần không thể thiếu của quá trình và Ukraine có quyền tự quyết định tương lai của mình. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng Nga sẽ không thể phủ quyết việc Ukraine gia nhập NATO. Ông Stotlengerg khẳng định thế giới sẽ không quay trở lại kỷ nguyên nơi các nước lớn quyết định các nước nhỏ phải làm gì.

Theo các cuộc thăm dò được tiến hành từ năm 2005 đến 2013, sự ủng hộ của công chúng Ukraine đối với tư cách thành viên NATO vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Ukraine và Crimea, sự ủng hộ của công chúng đối với việc Ukraine trở thành thành viên NATO đã tăng lên rất nhiều. Kể từ tháng 6 năm 2014, các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 50% số người được hỏi ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên NATO. Vào tháng 6/2017, khoảng 69% người Ukraine muốn gia nhập NATO, mức tăng vọt so với mức ủng hộ 28% vào năm 2012 khi tổng thống Yanukovich nắm quyền.

Ukraine - Giới hạn đỏ của Nga - thứ Nga không thể mất về tay NATO hay Mỹ

Ukraine dường như thức tỉnh và lo sợ khi không có bảo hộ của Mỹ và NATO. Mối lo một ngày có thể phải trở thành một tỉnh của Nga như Crimea không phải là hoang tưởng nữa.

Nhưng quả thật, Crimea và Ukraine chặn yết hầu của Nga, là điểm yếu chí tử của Nga trước mũi dùi của Mỹ và Châu Âu. Mất đi Crimea hay Ukraine, Nga sẽ bị cô lập hoàn toàn. Tim Marshall, tác giả cuốn sách ‘Những tù nhân của địa lý’ đã mô tả hoàn hảo thế cô lập của Nga nếu mất đi Ukraine và Crimea.

Hạm đội Nga vẫn bị cô lập trong biển Đen, vì cửa ra Địa Trung Hải vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Âu kiểm soát. Vị thế của Nga vẫn bị kìm hãm khi tiếp tục thiếu vắng một cảng nước ấm để làm căn cứ cho những hạm đội của họ. Không có cảng nước ấm, toàn bộ hệ thống hải quân Nga bị vô hiệu; quân đội Nga vì thế cũng trở thành ‘những con vịt trên cạn’. Nga sẽ suy yếu hơn bao giờ hết.

Không chỉ vậy, tác giả Tim Marshall chỉ ra cho chúng ta lý do vì sao Ukraine trở thành điểm yếu chí mạng của Nga: Ukraine là vùng đệm của Nga.

Vùng đệm là yếu tố quyết định chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc. Từ thời cổ đại, hai đế quốc La Mã và Ba Tư tuy đối đầu nhau nhưng vẫn tồn tại song song qua nhiều thế kỷ, vì chính giữa họ tồn tại một vùng đệm rộng lớn. Iraq là vùng đệm giữa hai thế lực Iran và Saudi Arabia.

Ukraine và Ba Lan là vùng đệm ngăn ngõ tiến công của các nước Tây Âu vào Nga. Crimea không chỉ là vùng đệm, nó là con đường để Nga có cảng nước ấm. Chính ở những quốc gia vùng đệm này, tranh chấp và mâu thuẫn giữa các cường quốc sẽ diễn ra. Điều đó quyết định chính sách tiếp cận về quân sự, ngoại giao và kinh tế của các cường quốc.

Ba Lan đã thuộc vào NATO. Ngay khi Balan gia nhập NATO, dàn tên lửa của Mỹ đã lập tức đặt ngay ở biên giới Ba Lan. Giống như một lưỡi dao sáng loà tiếp cận sát nách Nga, chỉ còn cách Ukraine.

Hiển nhiên, nếu Ukraine gia nhập NATO, giàn tên lửa - lưỡi dao của Mỹ - sẽ dịch chuyển tiệm cận sườn của nước Nga; ngay cả Crimea, mấu chốt duy trì một cảng nước ấm cho Nga cũng khó lòng giữ được.

Nga hiển nhiên có những nỗi thống khổ của riêng mình; Ukraine hiển nhiên là giới hạn đỏ của Nga. Bản thân Ukraine biết rõ điều đó. Họ biết rõ ‘nước xa không cứu được lửa gần’ nên một bộ phận chính trị gia đã không ủng hộ gia nhập NATO. Tổn thất Crimea khiến Ukraine phẫn nộ. Họ không cách nào hài hoà với Nga và quên đi nỗi đau Crimea. Họ buộc phải lựa chọn. Nga đã đẩy UKraine vào vòng tay NATO. Nhưng như đã phân tích, Nga buộc phải ngăn chặn tiến trình này nếu không muốn tương lai nước Nga trở thành kẻ cô độc và hoàn toàn yếu đuối.

Ngoài vũ khí và chiến tranh, Nga còn có một công cụ khác: dầu khí. Mỹ ở quá xa Châu Âu và dự án đường ống dẫn dầu từ Mỹ sang Châu Âu mãi chưa thành hình; bị cản trở bởi vô số yếu tố từ tự nhiên tới chính trị. Cho tới nay, an ninh và sự sống trong mùa đông của Châu Âu vẫn phụ thuộc vào Nga.

Gần đây, sự bất lực của Mỹ trong việc kêu gọi OPEC và Nga tăng sản lượng dầu; nguy cơ Mỹ chìm vào cuộc khủng hoảng năng lượng và đánh mất an ninh năng lượng lần nữa là điều có thể. Ông Putin thấu hiểu điều đó.

Nga trở nên mạnh mẽ và liều lĩnh hơn nhất là khi nó bị thúc ép; chắc chắn là vậy. Nhưng Nga cũng có thiên thời, địa lợi để làm điều đó.

Với thực trạng này, lời đe dọa ‘cấm vận kinh tế từ Mỹ’ có lẽ đã nằm trong tính toán của ông Putin.

(Bài viết này chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của nhóm tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN)

Thanh Đoàn - Diệp Thanh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://www.19fortyfive.com/2021/12/will-russia-invade-ukraine-next-month/
  2. https://www.ntdvn.net/biden-canh-bao-se-trung-phat-kinh-te-neu-nga-xam-luoc-ukraine-287054.html
  3. Tim Marshall, Những Tù nhân của Địa lý, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2020;
  4. https://www.pravda.com.ua/articles/2008/07/3/3482506/



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ông Putin có thể xâm lược Ukraine bất chấp lời đe dọa của ông Biden hay không? (Kỳ 1)