Ông Putin: Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu đối với quốc gia áp đặt giá trần 'ngu ngốc'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (9/12), Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga - nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới - có thể cắt giảm sản lượng dầu và sẽ từ chối bán dầu cho bất kỳ quốc gia phương Tây nào áp đặt giá trần 'ngu ngốc' đối với dầu của Nga.

Nhóm Bảy cường quốc công nghiệp (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Úc tuần trước đã đồng ý với mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, sau khi các thành viên EU vượt qua sự kháng cự từ Ba Lan.

"Về phản ứng của chúng tôi, tôi đã nói rằng chúng tôi đơn giản là sẽ không bán cho những quốc gia đưa ra quyết định như vậy", ông Putin nói với các phóng viên ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan.

"Có thể chúng tôi sẽ tính tới [phương án] giảm sản xuất nếu cần thiết", ông nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người cai trị nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Ả Rập Xê Út và là nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, cho biết, Nga đã có thỏa thuận sản xuất với các thành viên khác trong câu lạc bộ các nhà sản xuất dầu OPEC +, vì vậy một bước quyết liệt như vậy vẫn chỉ là "khả năng".

"Chúng tôi vẫn đang cân nhắc về quyết định này, vẫn chưa có giải pháp nào. Và các bước cụ thể sẽ được vạch ra trong Sắc lệnh của Tổng thống Nga sẽ được công bố trong vài ngày tới", ông Putin nói.

Bán dầu và khí đốt cho châu Âu là một trong những nguồn thu nhập ngoại tệ chính của Nga kể từ khi các nhà địa chất Liên Xô tìm thấy dầu và khí đốt ở vùng đầm lầy Siberia trong những thập kỷ sau Thế chiến II.

Đáp lại, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo rằng, lời đe dọa của ông Putin không nằm ngoài dự đoán nhưng vẫn còn phải xem Moscow rốt cuộc sẽ làm gì.

Ông Putin bác bỏ nỗ lực của phương Tây nhằm siết chặt tài chính của Nga, đồng thời nói rằng mức giá trần 60 USD/thùng tương ứng với giá mà Nga đang bán dầu.

"Tất cả chỉ gói gọn trong con số này. Vì vậy, đừng lo lắng về ngân sách", ông Putin nói.

Người đứng đầu Điện Kremlin cảnh báo rằng, những nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt giá trần sẽ dẫn đến sự sụp đổ toàn cầu của ngành dầu mỏ và sau đó là sự gia tăng thảm khốc về giá.

"Điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính ngành công nghiệp, bởi vì người tiêu dùng luôn yêu cầu giá thấp. Ngành công nghiệp này đã được đầu tư, tài trợ dưới mức và nếu chúng ta chỉ lắng nghe người tiêu dùng, thì khoản đầu tư này sẽ bị giảm về 0", ông Putin nói.

"Tất cả những điều này ở một giai đoạn nào đó sẽ dẫn đến một đợt tăng giá thảm khốc và dẫn đến sự sụp đổ của ngành năng lượng toàn cầu. Đây là một đề xuất ngu ngốc, thiếu cân nhắc và thiếu suy nghĩ", Tổng thống Nga nói.

Đọc thêm:

Liên minh châu Âu nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga

Lệnh cấm và giới hạn giá dầu Nga có thể đẩy kinh tế thế giới lún sâu hơn vào khủng hoảng Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Sáu (2/11) đã thống nhất áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga nhằm làm suy yếu nỗ lực phát động chiến tranh của Điện Kremlin ở Ukraine. Đáp lại, phía Moscow cho biết động thái này là vô nghĩa.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas rất hoan nghênh thỏa thuận áp giá trần đối với dầu Nga. Trước đó, bà đặc biệt quan ngại về những tiến bộ quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine.

"Tôi hoan nghênh thỏa thuận chính trị của EU về việc ấn định giá trần đối với dầu mỏ của Nga", bà Kallas cho biết trong một tuyên bố.

“Làm tê liệt doanh thu năng lượng của Nga là cốt lõi của việc ngăn chặn cỗ máy chiến tranh của Nga. Tôi đã đích thân tham gia vào các cuộc đàm phán, vì việc làm cạn kiệt nguồn lực của Nga nhằm phục vụ cho nỗ lực chiến tranh là một vấn đề mang tính sống còn đối với chúng tôi”, bà nói thêm.

Thủ tướng Estonia ước tính rằng, với mỗi USD giới hạn được giảm xuống, Nga sẽ mất 2 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ. Bà Kallas cho biết thậm chí các nước châu Âu còn muốn hạ mức trần giá xuống 30 hoặc 40 USD.

Việc giới hạn giá trần nhằm mục đích kiềm chế chi phí giá năng lượng tăng cao, do đó làm giảm áp lực lạm phát đáng lo ngại. Nhưng có thể thấy rằng quyết định của EU về việc hạn chế giá dầu của Nga sẽ khiến các phản ứng nhân đạo đối với các cuộc khủng hoảng do chiến tranh gây ra trở nên khó khăn hơn, đặc biệt nếu cộng đồng quốc tế không cân nhắc kỹ lưỡng những tác động bất lợi của việc hạn chế giá dầu đối với các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quyết định này.

Tác giả: Vladimir Soldatkin & Guy Faulconbridge - Reuters

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Putin: Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu đối với quốc gia áp đặt giá trần 'ngu ngốc'