Ông Putin tiến hành đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa bị chính quyền Joe Biden lên án sau khi ông xúc tiến kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng đồng minh Belarus.

Lần đầu tiên ông Putin mô tả về kế hoạch chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là vào tháng 03/2023. Hôm thứ 5 (25/05), Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói với hãng tin nhà nước Nga Sputnik rằng việc triển khai hạt nhân chiến thuật đang được tiến hành.

Sự việc này đánh dấu lần đầu tiên vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được triển khai bên ngoài nước Nga kể từ năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moscow đã trang bị cho Belarus tên lửa Iskander-M; đây là loại tên lửa bội siêu thanh có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Ông cũng cho hay Nga đã chuyển giao một số máy bay Su-25 đã được chuyển đổi để có thể phóng vũ khí hạt nhân.

“Các quân nhân Belarus đang tham gia các khóa huấn luyện cần thiết”, Bộ trưởng Shoigu nói.

Washington lên án

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được coi là phương tiện mang sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân trong một không gian chiến trường tương đối hạn chế. Những vũ khí này thường có năng lực nhỏ hơn so với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được thiết kế để phá hủy toàn bộ thành phố trong Chiến tranh Lạnh.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói: “Chúng tôi đã xem các báo cáo về thỏa thuận của Nga với Belarus và chắc chắn sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này”.

Bà Jean-Pierre cho biết phía Mỹ chưa thấy dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân; và vì vậy Mỹ sẽ không thay đổi tư thế hạt nhân của mình để đáp trả. Tuy nhiên, bà đã lên án động thái này của Nga.

Bà nói: “Đây là một ví dụ khác về việc [ông Putin] đưa ra những lựa chọn vô trách nhiệm và khiêu khích. Chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ tập thể liên minh NATO”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cũng chỉ trích việc Moscow triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Ông Miller nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm thứ 5: “Chúng tôi cực lực lên án thỏa thuận này. Đây là ví dụ mới nhất về hành vi vô trách nhiệm mà chúng ta đã thấy ở Nga kể từ cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hơn một năm trước”.

Ông Miller nói thêm rằng việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân trong cuộc xung đột Nga - Ukraine “sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”, nhưng ông không nói rõ những hậu quả đó có thể là gì.

Leo thang ăn miếng trả miếng

Các quan chức Nga đã gắn việc họ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dành cho chính phủ Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Belarus ở Minsk như sau: “Về cơ bản, phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến tranh, dù họ không tuyên bố cuộc chiến này, chống lại các quốc gia của chúng tôi”.

Hoa Kỳ và NATO ngày càng leo thang trong nỗ lực hỗ trợ các lực lượng Ukraine, bắt đầu bằng việc gửi các bệ phóng chống tăng và phòng không có thể xách tay khi cuộc chiến nổ ra vào tháng 2 năm ngoái. Theo thời gian, các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Ukraine thiết bị bay không người lái tự hủy diệt, bệ phóng tên lửa HIMARS tiên tiến, xe chiến đấu bọc thép và xe tăng.

Vào tháng 1 năm nay, ông Biden đã loại trừ việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng đã đảo ngược hướng đi sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima (Nhật Bản) vào cuối tuần qua. Sau khi đồng ý với yêu cầu của ông Zelenskyy về máy bay chiến đấu, ông Biden nói: “Tôi nhận được sự đảm bảo chắc chắn từ ông Zelenskyy rằng họ sẽ không sử dụng [những chiếc F-16] để tiến vào lãnh thổ của Nga”.

Các quan chức Nga cũng đã đưa ra cảnh báo trong tuần này sau khi một nhóm phiến quân người Nga tự xưng thực hiện một cuộc đột kích xuyên biên giới từ Ukraine vào khu vực Belgorod ở miền tây nước Nga. Các bức ảnh và video cho thấy một số trong những kẻ đột kích xuyên biên giới này đã sử dụng các phương tiện chống phục kích & chống mìn (MRAP) và xe Humvee do Hoa Kỳ sản xuất.

Hôm thứ 4, ông Miller cho biết phía Hoa Kỳ đang điều tra xem liệu các thiết bị của Hoa Kỳ có thực sự được sử dụng trong cuộc đột kích xuyên biên giới hay không. Ông nói: “chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng thiết bị do Hoa Kỳ sản xuất cho các cuộc tấn công bên trong nước Nga”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Putin tiến hành đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus