Ông Tập Cận Bình bị chỉ trích vì nói móc nước Mỹ tại Diễn đàn Kinh tế Boao của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 20/4 trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Boao châu Á hàng năm, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói móc Mỹ. Ông Tập ngay lập tức bị công luận soi xét bởi sự xâm lược của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tân Cương, Hong Kong và sự thiếu thiện chí của họ đối với những lời kêu gọi minh bạch trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán toàn cầu.

“Thói trịch thượng và thích can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào”, ông Tập nói trong bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn, theo bản dịch tiếng Anh được Tân Hoa xã công bố.

Diễn đàn Boao của Trung Quốc tương đương với Davos, một hội nghị thường niên được tổ chức bởi tổ chức phi lợi nhuận Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhằm thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư nhân.

Nhiều chính phủ phương Tây, bao gồm cả Washington, đã chỉ trích ĐCSTQ về những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong và Tây Tạng, cũng như việc quân đội Trung Quốc tiếp tục đe dọa Đài Loan. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã làm chệch hướng chỉ trích bằng cách lập luận rằng các nước không nên “can thiệp” vào “công việc nội bộ” của Trung Quốc.

Sự ngấm ngầm tấn công Washington của ông Tập không dừng ở đó. Ông Tập nói tiếp rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm “xây dựng bức tường” ngăn cắt hoặc “chia cắt” trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế sẽ chỉ “làm tổn hại đến lợi ích của người khác, đồng thời không mang lại lợi ích cho chính mình”.

Hoa Kỳ đã đặt ra nhiều hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc, bao gồm cả lệnh cấm đối với chất bán dẫn, điều đã được chứng minh là gây tổn hại nhiều nhất cho nền kinh tế Trung Quốc do sự phụ thuộc lớn của Bắc Kinh vào chip nhập khẩu. Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của gã khổng lồ công nghệ Huawei tại Trung Quốc. Nhà sản xuất chip Trung Quốc SMIC cũng bị liệt vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ.

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đang kêu gọi tách biệt hai nền kinh tế để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ. Vào tháng Hai, Thượng nghị sĩ Tom Cotton đã công bố một báo cáo mới về Trung Quốc, kêu gọi tách một số lĩnh vực của Hoa Kỳ và Trung Quốc, bao gồm khoáng sản quan trọng, giải trí, giáo dục đại học, viễn thông và chất bán dẫn.

Vào tháng Ba, Hạ nghị sĩ Mark Green khuyến nghị Hoa Kỳ hỗ trợ phát triển cơ sở sản xuất ở Mỹ Latinh, chuyển các nhà máy từ Trung Quốc về đó.

“Chúng ta không được để các quy tắc do một hoặc một số quốc gia đặt ra áp đặt lên các quốc gia khác, hoặc cho phép chủ nghĩa đơn phương do một số quốc gia theo đuổi tạo ra nhịp độ chung cho toàn thế giới”, ông Tập nói, không nêu tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào mà chỉ nói đến Hoa Kỳ. .

Ông Tập nói thêm: “Chúng ta phải gạt bỏ tư duy chiến tranh lạnh và thuyết “một mất một còn”, đồng thời phản đối một cuộc ‘Chiến tranh Lạnh’ mới và sự đối đầu ý thức hệ dưới mọi hình thức.”

Những lời lẽ của ông Tập về việc có tư duy Chiến tranh Lạnh đã được các quan chức ĐCSTQ và các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc sử dụng để công kích chính phủ Hoa Kỳ và các quan chức của họ.

Ví dụ, sau khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xuất bản một bài báo về cuộc phỏng vấn của cựu Giám đốc Lầu Năm Góc Mark Esper vào tháng 7/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã sử dụng cùng một lập luận Chiến tranh Lạnh để tố cáo “một số cá nhân ở Hoa Kỳ” tại một cuộc họp giao ban hàng ngày sau đó.

Trong một bài báo của Lầu Năm Góc, ông Esper nói: “Chúng ta đang ở trong thời đại cạnh tranh quyền lực lớn… và điều đó có nghĩa là các đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của chúng ta là Trung Quốc, sau đó là Nga”.

Ông Esper nói thêm: “Tôi và bất kỳ ai hiểu được Trung Quốc đều thấy rất rõ ràng rằng, họ có tham vọng thay thế chúng ta — chắc chắn là trong khu vực và sau đó là trên trường quốc tế”.

Bài phát biểu của ông Tập ngay lập tức thu hút sự chỉ trích trên Twitter, đặc biệt, về lời lẽ của ông: "Điều chúng ta cần trong thế giới ngày nay là công lý, không phải quyền bá chủ".

Ông Salih Hudayar, người sáng lập Phong trào Thức tỉnh Quốc gia Đông Tuốc-ki tại Washington, đã viết rằng thế giới cần công lý bằng cách khởi tố các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả ông Tập, lên Tòa án Hình sự Quốc tế vì đã chỉ đạo cuộc diệt chủng người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Tuốc-ki khác ở vùng Tân Cương.

ĐCSTQ đang thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, buộc họ phải triệt sản, cưỡng bức phá thai, tra tấn, cưỡng bức lao động và đuổi trẻ em ra khỏi gia đình. Ngoài ra, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ bên trong các trại giam giữ - các cơ sở mà chế độ cộng sản đã bảo vệ là “trung tâm đào tạo nghề”.

Ông Sreeram Chaulia, giáo sư và hiệu trưởng của Trường Quan hệ Quốc tế Jindal thuộc Đại học Toàn cầu Jindal của Ấn Độ, đã viết rằng, thế giới cần đưa Trung Quốc ra ánh sáng của công lý vì đã gây ra đại dịch COVID-19 toàn cầu.

COVID-19 là một căn bệnh do virus ĐCSTQ gây ra, mà chính quyền Trung Quốc đã cố ý che đậy giai đoạn bùng phát ban đầu, bịt miệng các bác sĩ cảnh báo dịch bệnh, bao gồm cả bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã cố gắng cảnh báo công chúng về một dạng viêm phổi mới trên mạng xã hội của Trung Quốc vào cuối năm 2019.

“Các quốc gia ở châu Á cần đưa hành động xâm lược lãnh thổ của Trung Quốc ra ánh sánh công lý. Người dân Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong cần công lý. Ông Tập Cận Bình nên ngừng thuyết giảng người khác và thay vào đó cần phản ánh các chính sách vô nhân đạo của Trung Quốc", ông Chaulia nói thêm.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập Cận Bình bị chỉ trích vì nói móc nước Mỹ tại Diễn đàn Kinh tế Boao của Trung Quốc