Ông Tập và ông Putin đã nói những gì khi gặp nhau?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập gọi nhau là "người bạn thân thiết", bày tỏ ủng hộ tăng cường quan hệ song phương tại cuộc gặp ở Điện Kremlin nhân chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập đến Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chào đón nồng nhiệt lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Điện Kremlin hôm 20/3, chuyến thăm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo phương Tây đồng minh với Ukraine rằng nỗ lực cô lập Moscow của họ đã thất bại.

Chuyến đi của ông Tập — chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi tái đắc cử vào đầu tháng này — đã thể hiện sự đắc thắng ngoại giao mới của Bắc Kinh cũng như nâng tầm hình ảnh chính trị cho ông Putin chỉ vài ngày sau khi lệnh truy nã quốc tế được ban hành đối với nhà lãnh đạo Điện Kremlin về các tội ác chiến tranh liên quan đến Ukraine.

Hai cường quốc đã mô tả chuyến đi 3 ngày của ông Tập là cơ hội để làm sâu sắc thêm “tình bạn không giới hạn” của họ. Trung Quốc coi Nga là nguồn cung cấp dầu khí cho nền kinh tế đang khát năng lượng của mình, cũng như một đối tác trong việc chống lại Mỹ. Hai quốc gia, nằm trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự chung những năm gần đây.

Ông Tập và ông Putin bắt tay nhau trước khi ngồi xuống và phát biểu ngắn gọn khi bắt đầu cuộc gặp, gọi nhau là “bạn thân” và trao nhau những lời khen ngợi. Ông Putin chúc mừng ông Tập tái đắc cử và bày tỏ hy vọng xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn nữa.

“Trung Quốc đã có một bước tiến vượt bậc trong sự phát triển của mình trong những năm gần đây”, ông Putin nói, thêm rằng “điều đó đang thu hút sự quan tâm thực sự trên toàn thế giới, và chúng tôi thậm chí còn cảm thấy hơi ghen tị”. Khi đó ông Tập mỉm cười.

Ông Putin cũng hoan nghênh các đề xuất của Trung Quốc về một giải pháp chính trị ở Ukraine và lưu ý rằng Nga sẵn sàng đàm phán.

“Chúng tôi sẽ thảo luận về tất cả những vấn đề đó, bao gồm cả sáng kiến ​​của các bạn mà chúng tôi rất tôn trọng”, ông Putin nói. “Sự hợp tác của chúng ta trên trường quốc tế chắc chắn sẽ giúp củng cố các nguyên tắc cơ bản của trật tự toàn cầu và tính đa cực”.

Moscow và Bắc Kinh có chung lý do để hợp tác với nhau. Đầu tháng này, ông Tập đã cáo buộc Washington cố gắng cô lập đất nước của ông và kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc khi nước này thách thức vai trò lãnh đạo khu vực và toàn cầu.

Trong một thế giới ngày càng đa cực, Mỹ và các đồng minh đã không thể xây dựng một mặt trận rộng lớn chống lại Nga. Trong khi 141 quốc gia lên án Moscow tại một cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc đánh dấu kỷ niệm một năm quân đội Nga tràn vào Ukraine, một số thành viên của G-20, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã chọn bỏ phiếu trắng. Nhiều quốc gia châu Phi cũng đã kiềm chế không công khai chỉ trích Nga.

“Chúng tôi hy vọng rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga một mặt sẽ duy trì sự công bằng quốc tế, mặt khác thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển chung của hai nước chúng ta”, ông Tập nói.

Chủ tịch Trung Quốc cũng đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2024. "Sự lãnh đạo mạnh mẽ của ngài giúp nước Nga có những bước tiến đáng kể và đạt nhiều thành tựu những năm qua. Tôi chắc chắn người dân Nga sẽ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với ngài trong nỗ lực tốt đẹp này", ông Tập phát biểu.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc không phải dấu hiệu cho thấy ông Putin sẽ tranh cử vào năm sau, nhưng nói rằng giới chức Nga cũng chia sẻ sự tin tưởng của ông Tập vào khả năng lãnh đạo của ông chủ Điện Kremlin. Tổng thống Putin đến nay chưa xác nhận liệu ông có tiếp tục tranh cử năm 2024 hay không.

Ông Peskov cho biết trong bữa tối, ông Putin có thể sẽ cung cấp cho ông Tập một “lời giải thích chi tiết” về các hành động của Moscow ở Ukraine. Ông nói thêm rằng các cuộc hội đàm sâu hơn có sự tham gia của các quan chức từ cả hai nước về một loạt chủ đề đã được lên kế hoạch vào hôm 21/3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 20 tháng 3 năm 2023. (Ảnh: SERGEI KARPUKHIN/SPUTNIK/AFP via Getty Images)

Mối quan hệ khó gọi tên

Đối với ông Putin, sự hiện diện của ông Tập là một chiến thắng ngoại giao uy tín trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực cô lập Nga vì cuộc chiến Ukraine.

Trong một bài báo đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, ông Putin mô tả chuyến thăm của ông Tập là một “sự kiện mang tính bước ngoặt, tái khẳng định bản chất đặc biệt của quan hệ đối tác Nga - Trung”.

Ông Putin cũng đặc biệt cho biết, cuộc gặp đã gửi một thông điệp tới Washington rằng hai nước chưa sẵn sàng chấp nhận những nỗ lực làm suy yếu họ từ phía Mỹ.

Ông viết: “Chính sách của Hoa Kỳ nhằm đồng thời ngăn chặn Nga và Trung Quốc, cũng như tất cả những nước không tuân theo mệnh lệnh của Mỹ, ngày càng trở nên quyết liệt và hung hăng hơn".

Chuyến đi Nga của ông Tập diễn ra sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague (Hà Lan) hôm 17/3 tuyên bố muốn đưa ông Putin ra xét xử vì tội bắt cóc hàng nghìn trẻ em từ Ukraine.

Phía Trung Quốc mô tả chuyến thăm của ông Tập như một phần của trao đổi ngoại giao thông thường và đã đưa ra rất ít chi tiết về mục đích đạt được của chuyến đi, mặc dù vấn đề Ukraine đã phủ bóng đen lên các cuộc hội đàm.

Tại một cuộc họp báo thường ngày ở Bắc Kinh hôm 20/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết chuyến đi của ông Tập là một “hành trình hữu nghị, hợp tác và hòa bình”.

“Trung Quốc sẽ duy trì lập trường khách quan và công bằng của mình đối với cuộc khủng hoảng Ukraine và đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”, ông Uông nói.

Bắc Kinh đã tự mình đứng ra dàn xếp câu chuyện Ukraine sau thành công gần đây của họ trong việc làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Iran và đối thủ chính ở Trung Đông, Ả Rập Saudi. Hai nước đã đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao sau nhiều năm căng thẳng.

Sau thành công đó, ông Tập kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc quản lý các vấn đề toàn cầu.

“Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có một cuộc trao đổi quan điểm sâu sắc với Tổng thống Putin về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế và khu vực lớn cùng quan tâm,” ông Uông nói, thêm rằng chuyến đi của ông Tập nhằm mục đích “thúc đẩy sự phối hợp chiến lược và hợp tác thiết thực giữa hai nước và tạo động lực mới cho sự phát triển của quan hệ song phương”.

Mặc dù thường nhấn mạnh về mối quan hệ đối tác “không giới hạn”, nhưng Bắc Kinh dường như đã thực hiện chính sách "Trung Quốc trên hết" của mình. Nước này đã thu hẹp việc cung cấp quân sự cho Nga - một động thái có thể làm xấu đi mối quan hệ với Washington và khiến các đối tác thương mại quan trọng châu Âu chống lại Bắc Kinh. Mặt khác, họ từ chối lên án hành động gây hấn của Moscow và chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đồng thời cáo buộc NATO và Hoa Kỳ kích động hành động quân sự của ông Putin.

Tháng trước, Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình giữa Kyiv và Moscow. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thận trọng hoan nghênh sự tham gia của Bắc Kinh, nhưng cuộc đàm phán đã thất bại.

Điện Kremlin đã hoan nghênh kế hoạch hòa bình của Trung Quốc và cho biết ông Putin và ông Tập sẽ thảo luận về nó. Còn Washington lại bác bỏ mạnh mẽ lời kêu gọi ngừng bắn của Bắc Kinh, cho rằng điều đó mang lại các lợi ích chiến trường cho Điện Kremlin.

Các quan chức Kyiv nói rằng họ sẽ không bẻ cong các điều khoản của mình để đạt được một hiệp định hòa bình.

“Điểm đầu tiên và chính yếu là quân Nga phải đầu hàng hoặc rút quân chiếm đóng khỏi lãnh thổ Ukraine theo các quy tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc”, ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, viết trên Twitter hôm 20/3. Điều đó có nghĩa là khôi phục “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ”, ông viết.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập và ông Putin đã nói những gì khi gặp nhau?