OPEC+ cam kết cắt giảm mạnh sản lượng dầu từ tháng 5 đến cuối năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

2/4/2023, Ả Rập Xê Út và các thành viên khác của nhóm các nước sản xuất dầu mỏ OPEC+ công bố sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 1,15 triệu thùng mỗi ngày, một động thái khiến giá tăng ngay lập tức.

Theo cơ quan thông tấn nhà nước, Ả Rập Xê Út sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày từ tháng 5/2023 cho đến cuối năm. Quan chức Bộ Năng lượng của vương quốc Trung Đông này cho biết, quyết định này là một "biện pháp phòng ngừa" nhằm "hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ".

Nga — quốc gia đã giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày từ tháng 3/2023 để đáp trả việc áp đặt giá trần lên dầu Nga bởi các nước phương Tây — cũng xác nhận sẽ gia hạn đợt cắt giảm sản lượng đến cuối năm.

"Là hành động phòng ngừa và có trách nhiệm, Nga sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 500.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023, từ mức sản xuất trung bình vào tháng 2 vốn được thiết lập phù hợp với các nguồn độc lập", Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết.

Các thành viên khác của OPEC+ cũng có các động thái tương tự. Iraq tuyên bố cắt giảm 211.000 thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 144.000 thùng/ngày, Kuwait 128.000 thùng/ngày, Kazakhstan 78.000 thùng/ngày, Algeria 48.000 thùng/ngày, và Oman 40.000 thùng/ngày.

Việc hợp tác cắt giảm sản lượng dầu diễn ra sau khi giá dầu trong tháng 3 giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng, chủ yếu do lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đang diễn ra sẽ — như cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 — khiến nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.

Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) — một tiêu chuẩn quan trọng của Mỹ đối với giá dầu thô — vào giữa tháng 3 đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) có trụ sở tại California và Ngân hàng Signature của New York. Giá dầu thô Brent giao sau — một tiêu chuẩn quốc tế quan trọng đối với giá dầu — cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, còn 72,77 USD/thùng.

Cả hai chỉ số tiêu chuẩn này đều tăng trong tuần vừa qua, do lo ngại về nguy cơ khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đã giảm bớt.

Tin tức về việc cắt giảm sản lượng dầu đã khiến giá cả tăng vọt vào cuối ngày Chủ nhật 2/4. Giá dầu WTI giao vào tháng 5 đạt 80 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent vượt 85 USD/thùng.

Quyết định cắt giảm sản lượng hôm Chủ nhật cũng được xây dựng dựa trên những gì đã được thống nhất vào tháng 10/2022 giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sản xuất dầu mỏ — được gọi là OPEC+, bao gồm việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2023.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn ủng hộ việc cung cấp nhiều dầu hơn cho thị trường toàn cầu kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công quân sự quy mô lớn tại Ukraina, đã rất khó chịu trước kế hoạch của nhóm các nước sản xuất dầu mỏ.

"Tổng thống thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+ trong việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất trong lúc nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực liên tục của cuộc xâm lược Ukraina của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin", Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese tuyên bố sau thông báo của OPEC+ hồi tháng 10.

"Vào thời điểm mà việc duy trì nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu là vô cùng quan trọng, quyết định này sẽ có tác động tiêu cực nhất đối với các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp vốn đang choáng váng với giá năng lượng tăng cao", tuyên bố nói thêm.

Nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2023 là khoảng 100,9 triệu thùng/ngày, theo báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

OPEC+ cam kết cắt giảm mạnh sản lượng dầu từ tháng 5 đến cuối năm