OPEC+ quyết định duy trì chính sách sản lượng dầu hiện có

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm Chủ nhật (4/12) Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu ở mức hiện tại, sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đồng thuận về việc áp giá trần đối với dầu của Nga.

Nhóm 23 quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC +) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến kéo dài khoảng 20 phút vào hôm 4/12, quyết định tạm dừng đánh giá về nền kinh tế toàn cầu đang bị xáo trộn do nhu cầu sụt giảm từ Trung Quốc và sự không chắc chắn về nguồn cung của Nga.

Nhóm OPEC+ gồm thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác. Nga là một trong 13 thành viên chủ chốt của OPEC+, cùng với Iraq, Iran, Kuwait, Venezuela, v.v.

Hôm 5/10, nhóm này nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô 2 triệu thùng mỗi ngày kể từ tháng 11, tương đương 2% nhu cầu thế giới, có hiệu lực từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023.

Sau động thái trên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng, quyết định này là một “sai lầm” và cáo buộc nhóm OPEC+ “liên kết với Nga”.

Đáp lại những lời chỉ trích trên, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út khẳng định quyết định của OPEC "đơn thuần là vì lý do kinh tế", nhằm cân bằng cung cầu và hạn chế sự biến động trên thị trường dầu mỏ.

Ngoại trưởng bin Farhan Al Saud cho hay, chính phủ Ả Rập Xê Út bác bỏ những tuyên bố vô căn cứ và nhấn mạnh "bối cảnh kinh tế thuần túy" của quyết định cắt giảm dầu.

OPEC+ nhắc lại rằng, quyết định cắt giảm sản lượng vào tháng 10 là "hành động đúng đắn" nhưng không vạch ra những thay đổi tiếp theo trong tương lai. Tác động toàn diện của việc cắt giảm sản lượng này là không rõ ràng trong bối cảnh giá cả biến động mạnh.

Các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và hạn chế giá do khối phương Tây đặt ra đối với các lô hàng dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực vào thứ Hai (5/12). Điều này được cho là sẽ gây ra biến động giá trên thị trường dầu mỏ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tạm thời nới lỏng các biện pháp phong tỏa đại dịch Covid-19 vốn đã làm giảm mức tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Quyết định của "OPEC +" được đưa ra sau khi liên minh phương Tây hôm thứ Sáu (2/12) tuyên bố rằng họ sẽ áp đặt trần giá đối với dầu mỏ của Nga. Ả Rập Xê Út và Nga dẫn đầu liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ.

Cùng ngày, các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận áp đặt mức giá trần là 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Cuối ngày, nhóm G7 và Úc tuyên bố ủng hộ chiến lược này.

Vào hôm 5/12, Liên minh châu Âu sẽ bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, trong khi Nhóm G7 và các đồng minh sẽ áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga.

Bởi vì dầu được đặt hàng trước nhiều tuần, nên thị trường chưa bị tác động nhiều sau quyết định cắt giảm sản lượng dầu hồi tháng 10. Ngoài ra, việc giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ cũng đang giảm dần.

Động thái của phương Tây đã khiến Moscow tức giận. Điện Kremlin hôm thứ Bảy (3/12) cho biết, Nga 'sẽ không chấp nhận' mức giá trần đối với dầu của mình và sẽ sớm đưa ra các phản ứng. Động thái này của Moscow nhằm đáp trả thỏa thuận của các cường quốc phương Tây nhằm siết chặt nguồn tài chính của nước này, theo tờ Reuters.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đã chuẩn bị cho việc áp giá trần dầu Nga vào thứ Sáu (2/12) của nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và Úc.

"Chúng tôi sẽ không chấp nhận mức giá trần này", hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Peskov. Ông cho biết thêm rằng Nga sẽ tiến hành phân tích nhanh về thỏa thuận và sẽ có phản hồi sau đó.

Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia thực hiện áp giá trần. Ông Mikhail Ulyanov, Đại sứ của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), đã tái khẳng định lập trường này trong các bài đăng trên mạng xã hội vào hôm thứ Bảy (3/12).

Ông tuyên bố: “Bắt đầu từ năm nay, châu Âu sẽ sống mà không có dầu của Nga”, theo tờ Reuters.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

OPEC+ quyết định duy trì chính sách sản lượng dầu hiện có