OPEC ủng hộ cắt giảm sản lượng dầu nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 trong khi chờ Nga hành động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 5/3, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý 2 năm 2020 nhằm bảo vệ giá dầu bị giảm do COVID-19 bùng phát nhưng với điều kiện Nga và các nước tham dự cũng phải hành động tương tự.

Nga và Kazakhstan là hai thành viên của nhóm mở rộng không chính thức được gọi là OPEC+. Các nước này cho biết họ chưa đồng ý cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ sụp đổ cơ chế hợp tác mà nhờ đó giá dầu thô đã được đẩy lên kể từ năm 2016.

Triển vọng nhu cầu dầu mỏ đã được thúc đẩy bằng rất nhiều biện pháp toàn cầu nhằm ngăn chặn virus lây lan. Triển vọng này khiến OPEC phải cân nhắc cắt giảm sản lượng dầu nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ năm 2020 đã bị giảm xuống do các nhà máy bị gián đoạn sản xuất, mọi người bị giới hạn đi lại và các hoạt động kinh doanh khác cũng chậm lại.

Ả Rập Xê Út đang thúc giục OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga, cắt giảm tới 1,5 triệu thùng/ngày vào quý 2 năm 2020. Nước này cũng muốn gia hạn thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng/ngày đến cuối năm 2020. Thỏa thuận sẽ hết hạn trong tháng này.

Riyadh, nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, đã đấu tranh để giành chiến thắng trước Matxcơva. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 5/3 cho biết ông sẵn sàng giảm giá dầu nếu không có thỏa thuận nào.

Nurlan Nogayev - Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan, một nước sản xuất khác ngoài OPEC, cho biết các cuộc đàm phán chỉ tập trung vào việc gia hạn cắt giảm sản lượng hiện tại đến tháng Sáu.

Ông Amrita Sen, đồng sáng lập tổ chức Energy Aspects cho biết: “Matxcơva có lẽ đang đánh giá thấp rằng Ả Rập Xê Út có thể sẵn sàng bỏ qua nếu không nhận được câu trả lời đồng ý”.

Nga là nước sẽ tham gia các cuộc đàm phán giữa các quốc gia OPEC+ vào ngày 6/3 tại Vienna. Trong quá khứ, Nga đã từng chần chừ với những thỏa thuận tại các cuộc họp nhưng đã đồng ý ký vào phút chót.

Tuy nhiên thông tin từ OPEC cho biết các cuộc đàm phán với Nga lần này đã khó khăn hơn. Vào ngày 5/3, hai nguồn tin của OPEC nói rằng nếu Nga không đồng ý, có nguy cơ Ả Rập Xê Út sẽ khăng khăng đòi OPEC xóa bỏ hoàn toàn giới hạn sản lượng sản xuất.

Sau cuộc gặp các bộ trưởng, OPEC cho biết rằng sự bùng phát của virus Corona đã tạo ra một “tình huống chưa từng thấy trước đây”, với những rủi ro “nghiêng về phía bất lợi”. OPEC nói thêm là cần phải hành động.

OPEC cũng nói rằng các bộ trưởng đã đồng ý cắt giảm nguồn cung thêm 1,5 triệu thùng/ngày cho đến tháng 6. Bên cạnh đó, các quốc gia ngoài OPEC dự kiến ​​sẽ đóng góp 500.000 thùng/ngày. Tổ chức này cho biết rằng sẽ đàm phán thêm việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện có đến cuối năm 2020.

Kịch bản xấu nhất: giá dầu sẽ giảm 25-30 USD/thùng

Ông Suhail al-Mazroui, bộ trưởng năng lượng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, cho biết OPEC sẽ không chịu gánh nặng cắt giảm một mình và các quốc gia ngoài OPEC cũng phải tham gia. Vì vậy, “chúng ta không phải đưa ra quyết định một mình đâu”, ông nói.

Ả Rập Xê Út là nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã cắt giảm khoảng 10% sản lượng, vượt quá hạn ngạch theo hiệp định hiện có. Với tổng sản lượng lớn hơn, Nga đã giảm sản lượng của mình bằng với một phần nhỏ mà Riyadh cắt giảm.

Ông Gary Ross, nhà sáng lập Black Gold Investors cho biết, trường hợp xấu nhất là Ả Rập Xê Út sản xuất đủ sản lượng, như vậy giá dầu sẽ giảm xuống còn 25-30 USD/thùng.

Các nước thành viên OPEC sẽ rất đau khổ với việc này vì họ đã phải vật lộn để giá dao động trong khoảng 50 USD. Nga cũng vậy, nước này nói rằng họ chỉ có thể hòa vốn nếu có thể bán dầu ở mức 40 USD/thùng.

“OPEC+ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc cắt giảm sản lượng do lượng cầu giảm vì virus gây ra”, ông Ross cho biết và nói thêm rằng ông kỳ vọng Nga “sẽ tham gia vì lợi ích kinh tế của họ là cực kỳ lớn”.

Giá dầu Brent <LCOc1> tăng 0,6% do có thông tin là OPEC đã lên kế hoạch cắt giảm nhưng sau đó lại giảm khi Nga và các nước khác cho rằng đây là một thỏa thuận không có lợi.

Việc OPEC đề xuất cắt giảm 1,5 triệu thùng/ngày, nếu được phê duyệt, sẽ cao hơn kỳ vọng thị trường ​​cho tới tuần này. Nó sẽ mang lại mức giảm sản lượng chung cho tổ chức này tới 3,6 triệu thùng/ngày hoặc khoảng 3,6% nguồn cung toàn cầu.

OPEC giảm nguồn cung với quy mô như vậy lần gần đây nhất là vào năm 2008 khi tổ chức này cắt giảm sản lượng tổng cộng 4,2 triệu thùng/ngày để giải quyết vấn đề giảm lượng cầu do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

OPEC sẽ tổ chức cuộc họp bộ trưởng tiếp theo vào ngày 9/6.

Thủy Tiên

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

OPEC ủng hộ cắt giảm sản lượng dầu nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 trong khi chờ Nga hành động