Pakistan bên bờ vực sụp đổ, Trung Quốc đứng ngoài hưởng lợi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ‘ẩn mình chờ thời’ trong bối cảnh Pakistan, vốn đã rơi vào tình trạng sụp đổ kinh tế, giờ lại chìm trong các cuộc bạo loạn và bạo lực chính trị lan rộng.

Sau khi quân đội bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan, Pakistan đang quay cuồng với thiên tai nhân họa, từ nạn đói, khủng hoảng kinh tế cho đến bất ổn chính trị. Khủng bố đã gia tăng đáng kể ở Pakistan trong năm qua, với số ca tử vong liên quan đến khủng bố tăng 120% mỗi năm.

Lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 33 triệu người và gây thiệt hại 40 tỷ USD, làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế vốn đã khó khăn của nước này. Xuất khẩu sụt giảm kể từ mùa hè năm ngoái cùng với dòng kiều hối eo hẹp từ kiều bào Pakistan dẫn đến thiếu hụt dòng ngoại tệ. Đồng rupee của Pakistan mất giá gần 100%, từ mức 154 rupee đổi lấy 1 USD đã leo lên 300 rupee đổi lấy 1 USD chỉ trong một năm.

Năm nay, tỷ lệ thất nghiệp của Pakistan dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức khoảng 7%, nhưng lạm phát dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục 27,1%. Chỉ số giá tiêu dùng của Pakistan tăng lên 31,5% trong tháng 2 và cán mốc 35% trong tháng 3. Giá lương thực đã tăng 50% khiến nạn đói ngày càng trầm trọng hơn. Pakistan xếp hạng 92 trong số 116 quốc gia về Chỉ số Đói nghèo Toàn cầu và mức độ đói nghèo của quốc gia này được xếp vào loại “nghiêm trọng”.

Khoảng một nửa dân số bị suy dinh dưỡng nhẹ hoặc mất an ninh lương thực. Lũ lụt đã làm trầm trọng thêm tình hình. Đồng thời, chính phủ cũng đã áp đặt các biện pháp kiểm soát nhập khẩu để ngăn chặn dòng tiền mạnh chảy ra ngoài. Khoảng 5,1 triệu người cận kề mức đói kém và con số này đã tăng thêm 1,1 triệu trong tháng qua.

Đồng tiền mất giá khiến Pakistan gặp khó khăn hơn trong việc mua số USD cần thiết để thanh toán cho hàng nhập khẩu hoặc trả lãi cho các khoản nợ nước ngoài. Dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Pakistan đã giảm xuống còn 4,38 tỷ USD, chỉ đủ để trang trải giá trị nhập khẩu trong một tháng.

Islamabad đã áp đặt các hạn chế nhập khẩu để ngăn chặn nguy cơ “chảy máu ngoại tệ”. Kết quả là, thực phẩm nhập khẩu đắt hơn hoặc không có sẵn trong các cửa hàng ở Pakistan, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực. Nếu Islamabad không mua USD để tăng dự trữ, quốc gia này có nguy cơ vỡ nợ nước ngoài.

Để tránh khủng hoảng cán cân thanh toán (BOP), chính phủ đã đặt niềm tin vào Cơ chế quỹ mở rộng (EFF) của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm hỗ trợ các quốc gia bị mất cân bằng thanh toán nghiêm trọng do thâm hụt BOP. Pakistan đã được IMF cấp 894 triệu SDR, tương đương khoảng 1,1 tỷ USD, trong lần đánh giá gần đây nhất vào tháng 8/2022. Pakistan hiện đang sốt sắng chờ đợi gói cứu trợ tiếp theo trị giá 6,5 tỷ USD. Gói này vốn đã được IMF phê duyệt vào năm 2019.

Tuy nhiên, chương trình EFF, đã bị tạm dừng trong vài tháng qua kể từ khi IMF đang chờ đợi Pakistan đáp ứng các yêu cầu cụ thể để nhận được đợt viện trợ tiếp theo. Islamabad tuyên bố họ đã làm như vậy, nhưng IMF cho đến nay đã phớt lờ những tuyên bố này.

Giữa bối cảnh thảm họa kinh tế, đất nước này càng trở nên bất ổn hơn vào ngày 9/5, khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bắt. Sự việc này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình rồi nhanh chóng biến thành bạo loạn. Cảnh sát cho biết ông Khan bị bắt với cáo buộc tham nhũng.

Mặt khác, những người ủng hộ ông tin rằng vụ bắt giữ ông có động cơ chính trị. Các thành viên của Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Khan đã xuống đường, yêu cầu thả ông kèm theo khẩu hiệu: "Ông Khan đã vượt qua lằn ranh đỏ". Ông Khan cho biết ông đã bị đánh đập và xịt hơi cay trong thời gian bị giam giữ, và những người ủng hộ Đảng PTI tuyên bố lực lượng kiểm lâm được cử đến để bắt giữ ông đã tiếp quản khu phức hợp Tòa án tối cao và đang tra tấn luật sư của ông Khan. Các quan chức của Đảng này đã kêu gọi biểu tình quy mô lớn để phản đối điều mà họ gọi là vụ "bắt cóc".

Ông Khan đã nhiều lần bị cáo buộc tham nhũng kể từ khi thua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khoảng một năm trước. Vụ bắt giữ gần đây diễn ra sau mâu thuẫn gay gắt giữa ông và quân đội. Ông Khan cũng cáo buộc rằng Thiếu tướng Faisal Naseer, hiện đang phục vụ trong cơ quan gián điệp hàng đầu của Pakistan, Cơ quan Tình báo Liên ngành (ISI), đã cố gắng ám sát ông vào năm ngoái.

Ông Khan cũng cáo buộc vị tướng này chuyển giao quyền lực nhà nước chống lại PTI. Trong một cuộc họp báo, ông nói: “Chính quân đội đã bắt cóc tôi. Và không có gì xảy ra mà không có sự cho phép của chỉ huy quân đội. Vì vậy, rõ ràng là ông ta đã ra lệnh bắt cóc tôi”. Tuy nhiên, phía quân đội đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Những người ủng hộ ông Khan đã tấn công các sĩ quan quân đội và cảnh sát, đốt phá và cướp phá các đồn cảnh sát, xe cộ cùng các tòa nhà chính phủ. Trong nỗ lực dập tắt bạo loạn, chính phủ đã chặn dịch vụ Internet di động và mạng xã hội để trấn áp các bài đăng chống lại chính phủ và sự phối hợp của những người biểu tình.

Các nhà chức trách cũng đã thông báo rằng những người bị bắt trong cuộc bạo loạn sẽ bị xét xử tại tòa án quân sự. Vào ngày 15/5, Tòa án tối cao của Islamabad cho biết vụ bắt giữ là bất hợp pháp và cho ông Khan tại ngoại. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, quân đội và cảnh sát đã bao vây tư dinh của ông Khan, châm ngòi cho một đợt biểu tình mới.

Bạo lực và biến động chính trị khiến công chúng không chú ý đến thảm họa kinh tế đang rình rập. Trang Moody ước tính rằng nhu cầu tài chính bên ngoài của Pakistan dao động từ 35 tỷ đến 36 tỷ USD cho năm tài chính sắp tới, bắt đầu vào tháng 7/2023. Nếu Pakistan không có được khoản tiền này, nước này có nguy cơ vỡ nợ. Trong ba năm tới, Pakistan cần phải trả 77,5 tỷ USD nợ nước ngoài. Để không bị vỡ nợ, khoảng 50% doanh thu của chính phủ sẽ phải được dùng để trả nợ trong vài năm tới.

Bởi vì Pakistan không đáp ứng các điều kiện của IMF nên khó có thể nhận được gói cứu trợ của IMF. Các nhà cho vay quốc tế khác có thể miễn cưỡng tài trợ cho Pakistan do biến động chính trị đang diễn ra. Do đó, Trung Quốc có thể là lựa chọn duy nhất để Pakistan có được các khoản vay mới. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đảm bảo với người đồng cấp Pakistan, ông Shehbaz Sharif, vào tháng trước rằng Trung Quốc sẽ giúp ổn định nền kinh tế của Pakistan.

Pakistan nợ Trung Quốc 27 tỷ USD. Vay mượn nhiều hơn từ Trung Quốc sẽ chỉ đẩy Islamabad lún sâu hơn vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Khi trật tự quốc tế sắp xếp lại thành phe thân Mỹ/phương Tây và thân Trung Quốc/Nga, ĐCSTQ “rất sẵn lòng chào đón” một cường quốc hạt nhân khác vào cuộc.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Pakistan bên bờ vực sụp đổ, Trung Quốc đứng ngoài hưởng lợi