Peru tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Lima

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Peru vào cuối ngày thứ Bảy (14/1) đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Lima và ba khu vực khác, do các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Dina Boluarte ở nước này dâng cao và cướp đi sinh mạng của ít nhất 42 người trong những tuần gần đây.

Theo đó, sắc lệnh này có hiệu lực trong vòng 30 ngày, cho phép quân đội Peru can thiệp để duy trì trật tự và đình chỉ một số quyền hiến định như tự do đi lại và tụ tập, theo một sắc lệnh được chính quyền Peru công bố, đài VOA đưa tin.

Peru đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình đẫm máu nhằm phản đối chính quyền tân Tổng thống Dina Boluarte và đòi trả tự do cho cựu tổng thống Pedro Castillo trong hơn một tháng qua.

Những người ủng hộ tổng thống bị lật đổ Pedro Castillo đã tuần hành và rào chắn các đường phố trên khắp đất nước Nam Mỹ kể từ tháng 12/2022, nhằm yêu cầu chính phủ nước này tiến hành các cuộc bầu cử mới và phế truất bà Boluarte.

Vào tối thứ Sáu (13/1), bà từ chối từ chức và nói trong một bài phát biểu trên truyền hình: "Cam kết của tôi là với Peru", theo đài VOA.

Tình trạng khẩn cấp bao trùm thủ đô Lima, các vùng Cusco và Puno, cũng như cảng Callao - những khu vực liền kề thủ đô.

Những người biểu tình đã thiết lập 100 rào chắn trên khắp Peru vào hôm 14/1, chủ yếu ở miền nam nước này. Đây cũng từng là tâm điểm gây ra tình trạng bất ổn tại Peru.

Trong diễn biến liên quan, sân bay tại Cusco, thành phố cửa ngõ tới điểm du lịch nổi tiếng Machu Picchu ở miền Nam Peru, đã mở cửa trở lại ngày 14/1 sau khi buộc phải đóng cửa 2 ngày trước đó do biểu tình tiếp diễn.

Trong tháng 12/2022, sân bay nhộn nhịp này cũng đã tạm dừng hoạt động 5 ngày. Các cuộc biểu tình quần chúng chống chính phủ lần đầu tiên nổ ra vào đầu tháng 12 năm ngoái.

Giới chức Peru hôm thứ Năm (12/1) đã đình chỉ hoạt động của sân bay này sau khi những người biểu tình cố gắng tràn vào sân bay. Đây cũng là nơi có lưu lượng hàng không nhiều thứ hai trên khắp cả nước.

Hàng trăm người biểu tình tụ tập tại quảng trường chính ở thành phố Andes của Puno, miền nam Peru, nhằm phản đối chính quyền tân Tổng thống Dina Boluarte và đòi trả tự do cho cựu Tổng thống Pedro Castillo vào ngày 9/1/2023. (Ảnh: Juan Carlos Cisneros/AFP/Getty Images)

Hôm 7/12/2022, Quốc hội Peru thông qua quyết định phế truất tổng thống Castillo, sau khi ông tuyên bố giải tán Quốc hội nước này để tránh việc bị luận tội vì cáo buộc tham nhũng.

Ông Castillo đã bị bắt trên đường tới đại sứ quán Mexico, nơi ông xin tị nạn. Bà Boluarte, từng làm phó tổng thống dưới thời ông Castillo, nhanh chóng tuyên thệ nhậm chức thay thế vị trí của ông. Kể từ năm 2016, Peru đã trải qua 6 đời tổng thống.

Tính đến nay, tình trạng bạo lực tại Peru đã khiến 40 người thiệt mạng, đẩy đất nước rơi vào tình trạng bất ổn sau vụ lật đổ và bắt giữ cựu Tổng thống Pedro Castillo vào tháng 12/2022, theo tờ Guardians.

Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội nghiêm trọng. Chính phủ lâm thời của bà Dina Boluarte đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối leo thang từ giữa tháng 12/2022.

Những người biểu tình đụng độ cảnh sát, kêu gọi đình công toàn quốc, triệu tập hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, yêu cầu Tổng thống Boluarte từ chức, trả tự do cho cựu Tổng thống Pedro Castillo, tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới.

Phát biểu tại một cuộc họp "thỏa thuận quốc gia" trước đó vào hôm 9/1 với đại diện từ các khu vực của đất nước và các tổ chức chính trị khác nhau, bà Boluarte cho biết, bà không thể đáp ứng một số yêu cầu chính của người biểu tình.

Bà nói: “Điều duy nhất mà tôi có thể làm là xúc tiến các cuộc bầu cử mà chúng tôi đã đề xuất. Những yêu cầu của quý vị là cái cớ để tiếp tục tạo ra sự hỗn loạn trong các thành phố".

Trước đó, Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ (Inter-American Commission on Human Rights) cho biết, họ sẽ tiến hành chuyến thăm đến Peru từ thứ Tư (11/1) đến thứ Sáu (13/1) để thăm Lima và các thành phố khác của Peru để đánh giá tình hình.

Thanh Hải tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Peru tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Lima