Quan chức Ukraine: Phải ít nhất 10 năm Ukraine mới rà phá hết bom mìn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ukraine sẽ mất ít nhất một thập niên để rà phá tất cả bom mìn và vật liệu nổ trên đất liền và lãnh hải của mình một khi cuộc chiến với Nga kết thúc, một quan chức dịch vụ khẩn cấp nói ngày 24/6, theo Reuters.

Ukraine đã làm sạch được 620 km vuông đất đầy rẫy hàng nghìn thiết bị nổ, bao gồm 2.000 quả bom được thả từ trên không.

Còn gần 300.000 km vuông vẫn bị coi là “bị ô nhiễm” vì bom mìn, quan chức này cho biết, nghĩa là tương đương phân nửa lãnh thổ Ukraine, và rộng bằng nước Ý.

Ông Oleksandr Khorunzhiy, phát ngôn viên của Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Nhà nước Ukraine, nói: “Có thể lên tới 10 năm, đó là con số lạc quan. Vì chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra trên lãnh thổ đang còn giao tranh".

“Hãy tưởng tượng số lượng bom mà kẻ thù đã ném xuống lãnh thổ Ukraine”, quan chức này nói trong một cuộc họp báo.

Binh sĩ Ukraine tiến hành rà phá bom mìn, loại bỏ đạn pháo và tên lửa chưa nổ ở Kharkiv, Ukraine vào ngày 09/6/2022 khi chiến tranh Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn. (Ảnh: Abdullah Unver/Anadolu Agency/Getty Images)

Ưu tiên hàng đầu là rà phá bom mìn tại cơ sở hạ tầng, khu dân cư và đường sá, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để dọn sạch rừng, sông và bờ biển, ông nói.

Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 trong cái mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa Ukraine và xoá sổ những người bị Nga coi là theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm. Ukraine và các đồng minh coi đây là cái cớ vô căn cứ để phát động một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.

Lực lượng cứu hộ và chó phát hiện chất nổ kiểm tra cơ sở của một nhà máy gạch, nơi có rất nhiều đạn dược và các vật liệu nổ khác sau khi Nga chiếm đóng, Trostianets, Vùng Sumy, đông bắc Ukraine. (Ảnh: Pavlo Bagmut/Ukrinform/Future Publishing/Getty Images)

Các bãi mìn trên biển đang trôi nổi giữa trữ lượng ngũ cốc chưa xuất cảng của Ukraine với thế giới.

Ukraine tuyên bố nhận được hệ thống rocket tầm xa HIMARS của Mỹ

Ukraine ngày 23/6 tuyên bố nhận được từ Hoa Kỳ Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), một hệ thống vũ khí tầm xa hùng mạnh mà Kyiv hy vọng có thể giúp lật ngược tình thế trong cuộc xâm lược của Nga.

Nga đang tiến quân ở phía đông Ukraine trong nỗ lực chiếm lấy trung tâm công nghiệp gọi là Donbas, nơi Ukraine e rằng một số binh sĩ của họ có thể bị bao vây trong gọng kìm của Nga.

“Cảm ơn đồng nghiệp và người bạn Hoa Kỳ của tôi, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, về những công cụ mạnh mẽ này! Mùa hè sẽ nóng bỏng đối với những kẻ chiếm đóng Nga. Và cũng là mùa hè cuối cùng của một số kẻ trong số đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov viết trên Twitter về việc giao nhận HIMARS.

Mỹ bán vũ khí
Hình ảnh "Hệ thống pháo phóng loạt HIMARS". (Nguồn ảnh: Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ / Public Domain / CC0)

Ông không cho biết bao nhiêu hệ thống HIMARS đã đến Ukraine.

Ukraine nói họ cần các hệ thống HIMARS để đáp ứng tốt hơn với tầm bắn của các hệ thống rocket Nga mà họ cho rằng đang được sử dụng rộng rãi để tấn công các vị trí của Ukraine ở Donbas.

Washington cho biết, họ đã nhận được sự đảm bảo từ Kyiv rằng những vũ khí tầm xa ấy sẽ không được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga, vì lo ngại xung đột leo thang.

Cố vấn Tổng thống Ukraine Alexey Arestovich cho biết Ukraine sẽ sử dụng các hệ thống tên lửa do Mỹ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga nếu họ cho là cần thiết.

Các chuyên gia lo ngại rằng, bằng cách giao vũ khí HIMARS cho Ukraine và xem Ukraine sử dụng vũ khí này để tấn công Nga, Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đang trao cho ông Putin được biện minh quân sự mà ông Putin rất cần để leo thang các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu của NATO, vì NATO là trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống Nga nếu Ukraine sử dụng vũ khí của NATO để tấn công lãnh thổ Nga.

Moscow cảnh báo sẽ tấn công các mục tiêu ở Ukraine mà họ “chưa đánh trúng” nếu phương Tây cung cấp phi đạn tầm xa hơn cho Ukraine để sử dụng trong các hệ thống rocket cơ động chính xác cao.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức Ukraine: Phải ít nhất 10 năm Ukraine mới rà phá hết bom mìn