Phần Lan, Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào hôm thứ Tư (18/5). Quyết định này được thúc đẩy bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, đồng thời cũng là sự kết thúc cho nhiều thập kỷ duy trì vị thế trung lập của hai quốc gia Bắc Âu.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố Thụy Điển và Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO trong hôm nay 18/5.

“Cả Thụy Điển và Phần Lan đều nhất trí cùng nhau nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18/5”, Thủ tướng Andersson phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại Stockholm ngày 17/5, theo Reuters.

Kết thúc vị thế trung lập trong nhiều thập kỷ của hai quốc gia Bắc Âu

Ông Niinisto nhấn mạnh rằng, nếu Hoa Kỳ phê chuẩn nhanh việc xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, việc này sẽ hỗ trợ toàn bộ quá trình diễn ra nhanh hơn.

Thụy Điển và Phần Lan đều duy trì vị thế trung lập trong suốt Chiến tranh Lạnh. Quyết định xin gia nhập NATO của họ là một trong những thay đổi quan trọng nhất về cấu trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ. Nó phản ánh sự thay đổi sâu rộng của khu vực Bắc Âu kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga.

"Các đơn xin gia nhập được nộp hôm nay là một bước tiến lịch sử. Liên minh sẽ xem xét các bước tiếp theo trên con đường gia nhập NATO của hai quốc gia này", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 18/5 cho hay, sau khi nhận đơn xin gia nhập từ các đại sứ Phần Lan, Thụy Điển tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.

Ông Stoltenberg cũng bày tỏ "nhiệt liệt hoan nghênh" yêu cầu gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. "Liên minh cho rằng sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho các nước này ở Biển Baltic", ông nói.

(Từ trái sang) Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff trong buổi lễ đánh dấu đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan tại Brussels, vào ngày 18/5/2022. (Ảnh: Johanna Geron/Getty Images)

Tổng thống Niinisto và Thủ tướng Andersson dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington D.C vào ngày mai 19/5.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 17/5 cho biết chính quyền Tổng thống Biden tin rằng NATO có thể đạt được sự đồng thuận về nỗ lực xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ. Bất kỳ quyết định về việc mở rộng NATO phải đạt được sự đồng thuận của tất cả 30 nước thành viên, theo Reuters.

Hôm 15/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay ông đã nói chuyện với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về quan ngại của nước này và sau cuộc gặp của các ngoại trưởng NATO cùng ngày. Ông Blinken nói ông tin rằng tất cả các nước thành viên NATO sẽ đạt được sự đồng thuận về việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO.

Cũng trong ngày 16/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin có vẻ không quá căng thẳng về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO và nói rằng Moscow không có vấn đề gì nếu cả Thụy Điển và Phần Lan gia nhập vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. “Nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào lãnh thổ các nước này thì chắc chắn buộc chúng tôi phải phản ứng. Nhưng phản ứng là gì thì phải đợi xem mối đe doạ nào được tạo ra với chúng tôi”.

Trước đó, vào ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là “sự thay đổi triệt để” trong chính sách ngoại giao của nước này.

“Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước đáp trả, kể cả về mặt quân sự, để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia gia tăng”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh trong một tuyên bố, theo đài CNBC.

Mất bao lâu để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?

Các quan chức NATO cho biết, quá trình gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển có thể được hoàn tất “trong vài tuần”.

Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể mất nhiều thời gian hơn, tùy thuộc vào phần chiếm nhiều thời gian nhất của quy trình là 30 nước thành viên NATO phê chuẩn nghị định thư của quốc gia muốn gia nhập.

Chưa thể đưa ra khoảng thời gian cụ thể cho quá trình này, dù các ứng viên gần đây thường mất từ 8 đến 12 tháng.

Tính đến thời điểm hiện tại, các thành viên chủ chốt của NATO như Mỹ, Anh, Đức đã ủng hộ mạnh mẽ việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập liên minh. Mỹ và Anh sẵn sàng cung cấp hỗ trợ an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan trong khoảng thời gian các nước nộp đơn xin gia nhập NATO cho đến khi chính thức được chấp nhận làm thành viên của khối.

Quy trình trở một thành viên NATO diễn ra như thế nào?

Quy trình trở thành thành viên của NATO chưa được chính thức hóa và các bước đối với mỗi ứng viên có thể khác nhau. Tuy nhiên, quy trình này gồm những bước cơ bản sau:

Bước 1: Quốc gia muốn tham gia NATO phải gửi đơn xin gia nhập.

Đơn xin gia nhập thường là một bức thư từ một bộ trưởng hoặc nhà lãnh đạo chính phủ.

Sau đó, các chuyên gia NATO và đại diện của quốc gia muốn gia nhập liên minh sẽ gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để thảo luận nhằm đảm bảo quốc gia ứng cử viên sẵn sàng và có thể đáp ứng các nghĩa vụ cũng như cam kết chính trị, pháp lý, quân sự với tư cách thành viên NATO.

Bước 2: Quốc gia muốn tham gia NATO sẽ gửi một bức thư chính thức về ý định tới Tổng thư ký NATO, trong đó có nội dung rằng họ chấp nhận các nghĩa vụ của mình đối với khối quân sự này.

Quá trình này được thực hiện trong cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) gồm 30 quốc gia thành viên, có thể ở cấp đại sứ.

NAC sẽ quyết định có nên chấp thuận tư cách thành viên của nước ứng viên hay không và các bước phải thực hiện để đạt được điều đó. Điều này phụ thuộc vào mức độ phù hợp của các quốc gia ứng cử viên với các tiêu chuẩn chính trị, quân sự và pháp lý của NATO và liệu họ có đóng góp vào an ninh ở khu vực Bắc Đại Tây Dương hay không. Theo AP, Phần Lan và Thụy Điển hoàn toàn đáp ứng được những điều kiện này.

Nếu được NAC chấp thuận, các cuộc đàm phán về việc gia nhập sẽ được tổ chức. Các cuộc đàm phán có thể được hoàn thành chỉ trong một ngày.

Nghĩa vụ cơ bản của quốc gia muốn gia nhập NATO:

Quốc gia ứng cử viên cần phải đảm bảo Điều 5 của NATO, trong đó quy định: “Một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều (các nước thành viên NATO) ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ NATO và sẽ vấp phải phản ứng từ các thành viên của khối, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực”.

Nước muốn gia nhập NATO cũng phải cam kết thực hiện các nghĩa vụ chi tiêu liên quan đến ngân sách nội bộ của NATO, khoảng 2,5 tỷ USD.

Ứng viên biết được vai trò của họ trong việc lập kế hoạch phòng thủ của NATO và về bất kỳ nghĩa vụ pháp lý hoặc an ninh nào khác mà họ có thể đạt được như kiểm tra nhân sự hoặc xử lý thông tin mật.

Bước 3: NATO chuẩn bị các nghị định thư gia nhập Hiệp ước Washington - văn kiện thành lập NATO - cho mỗi quốc gia được mời tham gia.

NATO sẽ viết một báo cáo để thông báo cho các đồng minh về kết quả của các cuộc đàm phán.

Báo cáo sẽ nêu rõ những vấn đề đã được đưa ra với đối tác và những cam kết mà quốc gia đó đã thực hiện. Đồng thời, quốc gia ứng viên sẽ gửi một lá thư, thường là từ bộ trưởng ngoại giao, xác nhận rằng họ chấp nhận tất cả các nghĩa vụ này.

Báo cáo gia nhập và lá thư của quốc gia ứng viên sẽ tiếp tục được nộp cho NAC để cơ quan này đưa ra quyết định cuối cùng.

Cuộc họp của NAC, có thể họp ở cấp đại sứ, bộ trưởng hoặc nhà lãnh đạo, sẽ xem xét đơn đăng ý và quyết định xem có ký nghị định thư gia nhập đối với quốc gia ứng viên hay không.

Bước 4: Chính phủ các nước thành viên NATO cần phải nhất trí phê chuẩn nghị định thư, theo luật pháp của riêng quốc gia đó.

Nếu được chấp thuận, một buổi lễ nhỏ mang tính tượng trưng sẽ được tổ chức để hợp pháp cho quá trình này của quy trình trở thành thành viên NATO. Nghị định thư sau đó sẽ được gửi đến thủ đô các nước để phê chuẩn theo luật pháp của từng quốc gia thành viên. Trong đó, một số nước cần sự phê duyệt từ quốc hội.

Bước 5: Sau khi chính phủ của tất cả các thành viên NATO chấp thuận việc gia nhập, các thành viên NATO sẽ thông báo cho chính phủ Mỹ. Sau đó, Tổng thư ký NATO sẽ mời các nước mới tham gia liên minh.

Cuối cùng, quốc gia ứng cử viên sẽ chính thức trở thành thành viên NATO và quốc kỳ của họ sẽ được treo bên ngoài trụ sở của liên minh quân sự ở Brussels.

Trở ngại của Phần Lan và Thụy Điển

NATO đưa ra tất cả các quyết định dựa trên sự đồng thuận, vì vậy mỗi quốc gia thành viên có quyền phủ quyết trên thực tế.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 16/5 tái khẳng định ông sẽ không ủng hộ việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ông một lần nữa cáo buộc hai nước là "cái nôi" của các nhóm khủng bố, thậm chí có những phần tử khủng bố trong quốc hội.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, viện dẫn lý do hai nước Bắc Âu ủng hộ lực lượng Ankara coi là khủng bố.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn nhắc tới Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ly khai và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng (DHKP/C), vốn bị nước này cho là bất hợp pháp.

Các quan chức cho biết, không có quốc gia nào khác phản đối mạnh mẽ việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, dù ngay tại đất nước của họ hay tại trụ sở NATO ở Brussels.

Huyền Anh
Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Phần Lan, Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO