Phân tích: Chỉ có một quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ vụ phá hủy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 của Nga ở biển Baltic đã bị hư hại sau một vụ nổ không rõ nguyên nhân. Các phương tiện truyền thông bảo thủ của Mỹ đã phân tích rằng, chỉ có một quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ việc hai đường ống khí đốt tự nhiên của Nga bị phá hủy.

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 được phát hiện có ba vị trí rò rỉ khí đốt hôm 26/9, gần đảo Bornholm của Đan Mạch. Các hình ảnh do quân đội Đan Mạch chụp cho thấy những đám bọt khí có đường kính 200-1.000 m nổi lên mặt nước, trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này và Thụy Điển. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ nổ và thủ phạm phá hủy đường ống.

Hãng truyền thông bảo thủ của Mỹ Gateway Pundit đã đăng một bài bình luận hôm 26/9 cho biết, ba vụ nổ ở vùng nước sâu đã gây ra thiệt hại cho đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream. Một trong số những vụ nổ đó đạt cường độ 2,3 độ Richter, gây thất thoát một lượng lớn khí đốt tự nhiên.

Bài báo dẫn lời hãng truyền thông nhà nước Nga TASS cho biết, vụ nổ đầu tiên được ghi nhận vào khoảng 02:00 sáng ngày 26/9, vụ nổ thứ hai vào lúc 07:04 phút cùng ngày. Cảnh báo rò rỉ khí gas lần lượt được đưa ra vào lúc 13:52 và 20:41 tối cùng ngày. Các tàu thuyền đi qua khu vực này đã báo cho lực lượng cảnh sát biển về những đám bọt khí nổi lên trên mặt nước. Bài báo lập luận rằng, vào thời điểm đó, không có cuộc tập trận quân sự nào trong khu vực xảy ra sự cố mà theo lý thuyết có thể gây ra thiệt hại cho các đường ống.

Nhà địa chấn học Thụy Điển Bjorn Lund khẳng định hoạt động địa chấn được phát hiện tại địa điểm xảy ra những vụ rò rỉ khí đốt nói trên ở Biển Baltic là do các vụ nổ, chứ không phải do động đất hay lở đất. Ông Lund nêu rõ, dữ liệu địa chấn do ông và các đồng nghiệp Bắc Âu thu thập được cho thấy các vụ nổ diễn ra ở dưới nước, chứ không phải trong tầng đá dưới đáy biển.

Các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 sẽ mất nhiều tháng để sửa chữa và công việc này sẽ không bắt đầu cho đến mùa hè năm sau. Bài báo phân tích các quốc gia bị tình nghi làm hư hại đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 và 2 từ Nga ở ba khía cạnh: Năng lực kỹ thuật, động cơ và cơ hội.

Năng lực kỹ thuật

Xét về năng lực kỹ thuật, chỉ những quốc gia có năng lực tác chiến hải quân tiên tiến mới có thể thực hiện các hoạt động nổ mìn như vậy. Kết quả là Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc đều nằm trong diện "tình nghi". Tuy nhiên từ quan điểm địa chính trị và chiến lược, Hải quân Pháp và Hải quân Trung Quốc hiếm khi tiến hành các cuộc tập trận quân sự và các hoạt động khác ở biển Baltic. Xét thấy Hải quân Mỹ có khả năng chiến đấu cực kỳ mạnh mẽ trên khắp thế giới, lúc này các quốc gia bị tình nghi thu hẹp lại còn Vương Quốc Anh, Mỹ, Nga và Đức.

Động cơ

Xét về động cơ, Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga và các nguồn năng lượng khác, cho nên nước này không có động cơ phá hủy huyết mạch năng lượng của mình. Ngoài ra Nga đã giảm cung cấp khí đốt tự nhiên sang Đức do các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của các nước Châu Âu và Mỹ, điều này khiến nguồn cung năng lượng ở Đức bị thắt chặt, buộc nước này phải đổi lấy năng lượng giá rẻ.

Anh cũng đã gia nhập hàng ngũ áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga. Hiện tại, lạm phát và khủng hoảng năng lượng đã đẩy nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái, buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải quay lại nới lỏng định lượng (QE). Bên cạnh việc bận rộn thành lập nội các chính phủ mới, nhiều vấn đề trong nước khiến người dân Anh khó có thể để mắt đến vấn đề năng lượng. Chính vì vậy động cơ khiến Vương quốc Anh phá hủy đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream gần như bằng không.

Nga dường như có một động cơ để phá hoại đường dẫn khí đốt Nord Stream: nước này cần giáng một đòn đau vào Châu Âu vì đã gửi vũ khí hủy diệt tới Ukraine. Tuy nhiên, Nga không cần phải phá hủy các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, mà chỉ cần kiểm soát dòng chảy khí đốt đến Châu Âu, hoặc đóng các van của đường ống. Ngoài ra, Nga đang phải chi trả một khoản tiền để sửa chữa đường ống và hy vọng sẽ nối lại xuất khẩu năng lượng có lãi sang Châu Âu sau khi chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc. Vậy tại sao Nga lại tự cắt nguồn thu của chính mình?

Bây giờ chỉ còn lại Mỹ.

Thứ nhất, Mỹ là nhà xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) số một Châu Âu sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt. Nhu cầu cao đối với khí đốt hóa lỏng của Mỹ là lý do chính khiến Đức buộc phải tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Mùa đông đang cận kề, cũng như những khó khăn về kinh tế và chính trị trước mắt khiến Berlin có thể "lung lay" và tính tới việc nới lỏng các lệnh trừng phạt, ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine để kêu gọi ông Putin cung cấp năng lượng giá rẻ cho nước này. Thiệt hại đối với đường ống Nord Stream 1 và 2 đã cắt đứt cơ hội Đức tái nhập khẩu khi đốt tự nhiên từ Nga.

Thứ hai gia đình Tổng thống Biden lâu nay vẫn vướng vào tin đồn khí đốt và vấn đề Ukraine. Con trai ông, Hunter Biden ngồi trong hội đồng quản trị của công ty khí đốt tự nhiên lớn nhất Ukraine, một vị trí cung cấp cho các nhà tài phiệt Ukraine quyền tiếp cận với ông Biden. Hunter Biden - người không có kinh nghiệm về năng lượng đã kiếm được hàng triệu USD từ thương vụ này trong khi Ukraine nhận được sự hậu thuẫn của ông Biden.

Thứ ba, với tư cách là một đảng viên Đảng Dân chủ, ông Biden cần cứu vãn các cuộc thăm dò của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới đây.

Do đó, xét về năng lực kỹ thuật và động cơ thì chỉ có chính phủ Mỹ do Tổng thống Biden lãnh đạo mới là tình nghi lớn nhất trong việc cắt đứt huyết mạch năng lượng của Châu Âu - Nord Stream 1 và 2.

Cơ hội

Tạp chí Seapower - tạp chí chính thức của Liên minh Hải quân Mỹ đã đưa tin về cuộc tập trận của hải quân nước này ở biển Baltic mang tên Baltops 22 từ ngày 05/6 đến ngày 17/6 tại vùng biển nơi đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream bị hư hại. Con tàu tấn công đổ bộ lớn nhất thế giới USS Kearsarge cũng xuất hiện ở vùng biển này gần đây.

Cuộc tập trận này sử dụng công nghệ mới cho phép Hải quân Mỹ kích nổ các mục tiêu chiến đấu cách xa hàng dặm. Cuộc tập trận cũng cho thấy những cải tiến không ngừng về năng lực liên lạc và truyền dữ liệu của quân đội Mỹ, khiến cho các hoạt động kích nổ cơ động hơn và linh hoạt hơn, trong khi Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động kích nổ ở ngoài khu vực phòng thủ.

Do đó có khả năng trong tháng sáu vừa qua, Hải quân Mỹ đã tận dụng cơ hội này để đặt bom vào đường dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream của Nga, và việc của Tổng thống Mỹ lúc này là lựa chọn thời điểm để kích nổ từ xa.

Xét trên phạm vi toàn cầu thì chỉ có Mỹ mới có cơ hội này.

Ngoài ra Tổng thống Biden và các quan chức chính quyền Mỹ nhiều lần bày tỏ sẵn sàng sử dụng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên như một con bài thương lượng. Ông Biden từng đe dọa sẽ chấm dứt đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 và 2 nếu Nga xâm lược Ukraine.

Tổng hợp tất cả các phân tích trên, chỉ có Mỹ mới hội tụ đủ ba yếu tố: năng lực kỹ thuật, động cơ và cơ hội để phá hủy được ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 và 2.

Tất nhiên, việc hội tụ đủ các yếu tố trên không nhất thiết khiến cho một thực thể phạm tội, trừ khi nó đi kèm với phẩm chất đạo đức tồi tệ.

Ví dụ những người sở hữu súng có năng lực kỹ thuật, động cơ và cơ hội để bắn người khác vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, những người sở hữu súng hợp pháp thì ít khi hoặc không phạm tội với súng. Tại sao? Bởi vì lương tâm đạo đức của hầu hết các chủ sở hữu súng hợp pháp đã ngăn chặn họ gây ra tội ác.

Bài báo cho biết, dù không chắc chắn về việc chính phủ Mỹ có phá hủy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream hay không, nhưng có khả năng Mỹ đã phạm tội nghiêm trọng ở biển Baltic.

Ông Radoslaw Sikorski, cựu Ngoại trưởng Ba Lan và là thành viên nghị viện Châu Âu từng đăng một bài viết lên Twitter nói rằng: "Cảm ơn nước Mỹ".

Động thái này cho thấy, rất có thể chính phủ Mỹ đã phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.

Bài báo kết luận rằng, Hoa Kỳ dưới thời ông Joe Biden không còn chiếc "la bàn đạo đức" nữa. Nó đã trở thành một con tàu trật bánh và mất trí, coi sức mạnh và bạo lực là sự biện minh duy nhất cho mọi hành động của nước này.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Chỉ có một quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ vụ phá hủy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream