Phân tích: Điều gì sẽ xảy ra sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ukraine, Mỹ và phương Tây đã kịch liệt phản đối cuộc trưng cầu ý dân và nỗ lực sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga, một kịch bản tương tự vào năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea. Và điều gì sẽ xảy ra sau khi Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ này là câu hỏi lớn hiện nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức tuyên bố tại Moscow vào ngày 30/9 về việc sáp nhập bốn tỉnh miền đông và nam Ukraine mà ông đã chiếm đóng trong chiến tranh Nga-Ukraine. Liệu điều này có khiến ông Putin giảm thang và tuyên bố chấm dứt chiến tranh? Hay nó sẽ tiếp tục leo thang thành cuộc chiến lớn nhất trên lục địa châu Âu kể từ Thế chiến II? Tình hình sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới? Các chuyên gia Mỹ cho rằng không có gì là chắc chắn.

Tờ Capitol Hill đưa tin, động thái gây sốc của ông Putin khi chính thức tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine đã làm dấy lên hàng loạt phản ứng trên khắp thế giới. Bên cạnh sự lên án của quốc tế, Mỹ và nhóm 7 cường quốc công nghiệp (G7) cũng nhắm vào chính phủ Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức quân sự và thân nhân của họ.

Diễn biến khó lường

Các chuyên gia cho rằng động thái của ông Putin có ý nghĩa sâu xa và tác động lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay rất khó dự đoán chính xác những tác động đó sẽ diễn ra như thế nào.

Ông Thomas Pickering, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết, "Tôi nghĩ rằng sẽ tiếp tục có những cảnh báo về việc phá vỡ bất kỳ lằn ranh đỏ nào đã được đặt ra và các biện pháp trừng phạt sẽ được thắt chặt hơn nữa. Ngoài đó ra, thật khó để dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra".

Ông Putin hôm thứ Sáu (30/9) đã tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporozhye và Kherson của Ukraine vào lãnh thổ Nga. Bốn vùng này chiếm 15% lãnh thổ Ukraine.

"Đây là ý chí của hàng triệu người dân", ông Putin nói với hàng trăm chức sắc tại một buổi lễ lớn ở Điện Kremlin.

Phần lớn các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các thành viên của G7 và Liên minh châu Âu, tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận việc Nga chiếm lãnh thổ của Ukraine, và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy gọi các cuộc trưng cầu dân ý của Nga và lễ sáp nhập sau đó là một "trò hề".

"Toàn bộ lãnh thổ của đất nước chúng ta sẽ được giải phóng", ông Zelenskyy tuyên bố trong một đoạn video được phát hành sau bài phát biểu của ông Putin.

Điện Kremlin chưa sẵn lòng tiến tới bàn đàm phán

Việc Nga sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine là hành động chiếm đoạt lãnh thổ lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II, và luận điệu của ông Putin sau buổi lễ sáp nhập ngày càng trở nên hung hăng.

Ông tiếp tục vung thanh kiếm của mình trong một bài phát biểu chống phương Tây, hứa sẽ bảo vệ khu vực mới giành được bằng "tất cả các phương tiện hiện có", một mối đe dọa ngầm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nga luôn đe dọa tấn công bằng vũ khí hạt nhân kể từ khi nước này xâm lược Ukraine vào hôm 24/2, hiện đang làm dấy lên lo ngại về cách Moscow sẽ đáp trả các cuộc phản công của Ukraine vào các vùng lãnh thổ mà ông Putin tuyên bố là một phần của Nga.

Đại sứ Pickering đã hỏi: "Liệu ông Putin sẽ thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân? Không một ai biết rõ đáp án. Nhưng rõ ràng, ông ấy vẫn chưa sẵn sàng tiến tới bàn đàm phán".

Một câu hỏi khác là liệu Nga có bám sát thông điệp của họ rằng việc chiếm đóng khu vực Donbass ở cực đông của Ukraine, bao gồm Donetsk và Luhansk, vẫn là một mục tiêu hạn chế trong cuộc xâm lược của họ hay không.

Kể từ khi kế hoạch ​​lật đổ chính phủ Ukraine bất thành, Moscow đã tập trung vào việc chiếm đóng miền đông Ukraine. Một khi đạt được mục tiêu đó, Moscow sẽ sẵn sàng xuống thang và kết thúc chiến tranh?

Ông Pickering nói: "Liệu điều này có dẫn đến các cuộc đàm phán giảm thang? Tôi nghĩ quan điểm đó rất lạc quan, nhưng với phản ứng của ông Putin, điều này khó có thể xảy ra".

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Daniel cho biết, ông Putin rất nguy hiểm và đang rơi vào tuyệt vọng.

Đại sứ Fried tiếp tục giải thích: "Bởi vì ông Putin đang bị yếu thế. Ông ấy đang tăng gấp đôi thứ mà ông ấy coi là tài sản mạnh nhất còn sót lại: mối đe dọa hạt nhân và khả năng sử dụng bạo lực để đạt được mục tiêu của mình, chẳng hạn như ném bom phá hủy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream. Nếu trên thực tế Nga phải chịu trách nhiệm, thì có vẻ như họ muốn sử dụng sự việc khó có thể lường trước này như một vũ khí chiến thuật để đe dọa phương Tây”.

Cũng không chắc liệu NATO có cho phép Ukraine gia nhập hay không sau khi Ukraine thông báo hôm 30/9 rằng họ đã nộp đơn xin gia nhập vào NATO cấp tốc. Ukraine đã phải vật lộn để xin gia nhập NATO kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Ukraine và giấc mơ NATO

Tờ RT cho hay, Mỹ cam kết thực hiện chính sách “mở cửa” gia nhập NATO, nhưng bây giờ là chưa phải là lúc để xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine.

"Theo quan điểm của chúng tôi, cách tốt nhất bây giờ để ủng hộ Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế trên thực địa. Quá trình gia nhập NATO nên được thực hiện vào thời điểm khác", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 30/9.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao Jonathan Katz của Quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund of the United States) cho biết, Ukraine xứng đáng được đảm bảo an ninh vì nỗ lực gia nhập NATO của họ diễn ra sau bài phát biểu sáp nhập của ông Putin.

Ông Katz nói: "Với cuộc chiến không ngừng nghỉ của Nga và việc ông Putin không sẵn lòng chấm dứt chu kỳ bạo lực chống lại Ukraine, thì việc Ukraine cần đảm bảo an ninh là điều không quá xa vời - họ cần một số loại hình an ninh và NATO sẽ thực hiện chính xác điều đó".

Ông tiếp tục: "Điều đó cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. ... Làm sao ai đó có thể nghĩ rằng Ukraine hay phương Tây, cộng đồng xuyên Đại Tây Dương, có thể an toàn khi ông Putin có khả năng làm bất cứ điều gì ông ấy muốn".

Vấn đề Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO có thể sẽ được nêu ra tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng thuộc Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ từ ngày 12/10 đến ngày 13/10.

Phương Tây siết chặt vòng trừng phạt mới với Nga

Hiện tại, các quan chức Mỹ và phương Tây cho biết, họ đang tập trung vào việc làm suy yếu nước Nga thông qua các biện pháp kinh tế, với việc chính quyền ông Biden thông báo một vòng trừng phạt mới vào hôm 30/9.

Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ lần lượt công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào các nhà hoạch định chính sách ở Moscow, các đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các thực thể hỗ trợ tổ hợp công nghiệp-quân sự (Military–industrial complex) của Nga.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố: "Hoa Kỳ bác bỏ dứt khoát các nỗ lực gian lận của Nga nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ Ukraine".

Ông Blinken cho biết các lệnh trừng phạt là một lời cảnh báo dứt khoát từ Mỹ và các đồng minh G7 rằng, "bất kỳ cá nhân, thực thể hoặc quốc gia nào cung cấp hỗ trợ chính trị hoặc kinh tế cho Nga sẽ phải trả giá cho những nỗ lực phi pháp nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ của Ukraine".

Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine

Sau động thái sáp nhập lãnh thổ Ukraine của ông Putin, chỉ có một điều chắc chắn là Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Hạ viện Mỹ hôm 30/9 đã thông qua dự luật chi tiêu cắt lỗ nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ bị đóng cửa khi nguồn ngân sách hiện nay hết hạn, trong đó bao gồm khoản viện trợ 12,3 tỷ USD cho Ukraine.

Lầu Năm Góc cũng đang chuẩn bị thông qua đề xuất thành lập một Bộ tư lệnh mới ở Đức để giúp huấn luyện và trang bị cho quân đội Ukraine, theo The New York Times. Báo cáo cho biết mệnh lệnh này do một tướng cấp cao của Mỹ lãnh đạo sẽ đơn giản hóa quá trình huấn luyện và viện trợ của Mỹ và đồng minh cho các lực lượng Ukraine kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai.

Thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul cũng kêu gọi Mỹ và các đồng minh hôm 30/9 cung cấp cho Ukraine những vũ khí tiên tiến mà cho đến nay vẫn chưa được cung cấp. Vấn đề này trước đây không được Mỹ đưa ra vì lo ngại rằng, làm như vậy có thể chọc giận Nga leo thang hơn nữa.

"Tôi kêu gọi chính quyền ông Biden nên cung cấp cho Ukraine các loại pháo tầm xa, chẳng hạn như Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS)", Hạ nghị sĩ McCall nói trong một tuyên bố.

"Tôi cũng kêu gọi các đồng minh chủ chốt ngay lập tức chuyển giao cho Ukraine các hệ thống vũ khí cần thiết bao gồm xe tăng Panther của Đức và xe chiến đấu bộ binh Marder".

Đầu tuần này, chính quyền ông Biden đã cam kết viện trợ vũ khí khoảng 1,1 tỷ USD cho Ukraine, nâng tổng số cam kết vũ khí của Lầu Năm Góc với Ukraine lên hơn 16 tỷ USD kể từ tháng Hai.

Viện trợ vũ khí mới nhất sẽ được chuyển giao trong vài năm tới - một dấu hiệu cho thấy Mỹ tin rằng Nga sẽ tiếp tục đe dọa Ukraine và các nước xung quanh trong nhiều năm tiếp theo.

Thanh Hải

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Điều gì sẽ xảy ra sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine?