Phân tích: Sự thật hay hù dọa? Tại sao cảnh báo hạt nhân của ông Putin khiến phương Tây lo lắng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cảnh báo mới nhất của Tổng thống Vladimir Putin rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nga, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang leo thang, đã khiến một câu hỏi hóc búa trở nên cấp thiết hơn nhiều: Liệu cựu điệp viên KGB có 'đang hù dọa'?

Ông chủ Điện Kremlin cảnh báo rằng đó không phải là trò hù dọa, và các chính trị gia, nhà ngoại giao và chuyên gia vũ khí hạt nhân của phương Tây đang bị chia rẽ. Một số người tin rằng, ông Putin có thể sử dụng một hoặc nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn nhằm ngăn chặn thất bại quân sự, bảo vệ chiếc ghế tổng thống của mình, khiến cho phương Tây hoảng sợ hoặc đe dọa Kyiv phải đầu hàng, theo Reuters.

'Một dấu hiệu của sự tuyệt vọng'

Cảnh báo của ông Putin cùng với lời đe dọa cụ thể hơn về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine từ một đồng minh của ông, mang ý tứ là Điện Kremlin đang cân nhắc leo thang cuộc xung đột sau khi Nga sáp nhập thành công 4 khu vực của Ukraine mà đến nay họ chỉ chiếm một phần.

Quốc hội Nga dự kiến ​​sẽ tuyên bố các khu vực này là một phần của Nga vào ngày 04/10. Một khi điều đó xảy ra, Moscow rõ ràng có thể sẵn sàng cho một cuộc tấn công phòng thủ nếu nước này cảm thấy lãnh thổ đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, việc phá bỏ điều cấm kỵ về vũ khí hạt nhân là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng. Do đó, việc ông Putin có tiến hành phi hạt nhân hóa hay không còn phụ thuộc vào việc ông ấy cảm thấy như thế nào trong cuộc chiến tại Ukraine.

Nga đang kiểm soát kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, bao gồm thế hệ vũ khí siêu thanh tối tân và vũ khí hạt nhân chiến thuật nhiều gấp 10 lần phương Tây. Điều đó khiến cho Hoa Kỳ và liên minh quân sự NATO không khỏi "dè chừng" Moscow.

"Nếu Nga lựa chọn chiến đấu trong một cuộc chiến thất bại với kết cục thua thảm hại và khiến ông Putin gục ngã, hoặc trình diễn hạt nhân (nuclear demonstration) theo cách nào đó, tôi không cho rằng Nga sẽ không tham gia cuộc trình diễn hạt nhân ", ông Tony Brenton, cựu đại sứ Anh nói với tờ Reuters vào tháng 8, trước khi ông Putin tăng cường cảnh báo.

Trong những bình luận gần đây nhất của mình, ông Putin đã cảnh báo rõ ràng với phương Tây rằng, Nga sẽ sử dụng mọi biện pháp hiện có để bảo vệ lãnh thổ Nga và cáo buộc phương Tây đang thảo luận về một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng nhằm vào Nga.

"Đây không phải là một trò hù dọa. Và những người cố gắng đe dọa chúng tôi bằng vũ khí hạt nhân nên hiểu rằng gió có thể đổi chiều và hướng về phía họ", ông nói, theo Reuters.

Lời lẽ thẳng thắn như vậy của Điện Kremlin khác biệt rất nhiều so với những tín hiệu hạt nhân mang nhiều sắc thái của các nhà lãnh đạo quá cố của Liên Xô. Năm 1962, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đưa thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các kênh truyền hình Hoa Kỳ hôm Chủ nhật (25/9) rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang coi những bình luận của ông Putin là "nghiêm trọng chết người" và đã cảnh báo Moscow về "những hậu quả thảm khốc" nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân.

Washington chưa có phản ứng nào, nhưng việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể gây ra leo thang hạt nhân. Đó là lý do tại sao hầu hết các chuyên gia tin rằng, có nhiều khả năng xảy ra một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các tài sản quân sự của Nga.

Khi được hỏi liệu ông Putin có tiến tới một cuộc tấn công hạt nhân hay không, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns nói với đài CBS hôm thứ Ba (27/9): "Chúng tôi phải rất nghiêm túc với các loại đe dọa của ông ấy vì tình hình đang lâm nguy".

Tuy nhiên, ông Burns cho biết tình báo Mỹ không có bằng chứng thực tế nào cho thấy ông Putin sắp sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga

Nếu ông Putin ra lệnh tấn công hạt nhân bên trong Ukraine, đó sẽ là vụ sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên trong trận chiến kể từ khi Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi tháng 8/1945.

Về mặt lý thuyết, các loại vũ khí tầm ngắn được phóng bằng đường biển, đường không hoặc đất liền có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu quân sự của Ukraine, mặc dù tính hiệu quả của chúng trong một kịch bản như vậy vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi giữa các chuyên gia quân sự.

Theo các chuyên gia, một lựa chọn khác là ông Putin sẽ cho nổ một loại vũ khí như vậy ở một khu vực hẻo lánh, không có dân cư hoặc một vùng nước như Biển Đen.

Bụi phóng xạ (radioactive fallout) từ một vũ khí chiến thuật nhỏ của Nga có thể được giới hạn trong khoảng một km (nửa dặm), tuy nhiên tác động tâm lý và địa chính trị sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới.

Ông Richard K. Betts, giáo sư nghiên cứu về chiến tranh và hòa bình tại Đại học Columbia cho biết: “Ông Putin đang chơi một trò chơi cá cược. Nếu phải đặt cược, tôi sẽ cược với tỷ lệ 3: 2 rằng, ông ấy sẽ không tấn công hạt nhân ngay cả khi ông cảm thấy tuyệt vọng. Tuy nhiên, tỷ lệ cược này không phải là tốt".

Mỹ giám sát chặt chẽ kho vũ khí hạt nhân của Nga

Trong một dấu hiệu Washington đang giám sát chặt chẽ kho vũ khí hạt nhân của Nga, dữ liệu theo dõi chuyến bay hôm thứ Bảy (24/9) cho thấy Hoa Kỳ đã triển khai ít nhất hai máy bay do thám RS-135s Cobra Ball, được sử dụng để theo dõi hoạt động tên lửa đạn đạo, gần biên giới Nga.

Ông Lawrence Freedman, Giáo sư danh dự về Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London, cho biết không có bằng chứng nào về việc Moscow chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân kiểu như vậy vào lúc này, đồng thời ông nhấn mạnh rằng, nếu có, Washington sẽ "rất nhanh" có thông tin.

Ông Freedman cho rằng, sẽ là một sai lầm nếu tự mãn về những lời cảnh báo hạt nhân của ông Putin. Tuy nhiên, ông không đánh giá cao việc ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ mới sáp nhập.

Ông Freedman nhận định rằng, nếu Nga bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm phá vỡ điều cấm kỵ đã kéo dài từ tháng 8/1945 này chỉ để đạt được những lợi ích nhỏ nhoi như vậy, trong bối cảnh người Ukraine tuyên bố họ sẽ không ngừng chiến đấu, ông Putin sẽ sớm nhận ra rằng những vùng lãnh thổ này khó mà bình định được.

Ông Freedman nói thêm rằng, việc phương Tây coi trọng mối đe dọa này cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận đó là một hành động tuyệt vọng về mặt cảm xúc của ông Putin trong tình huống mà ông cảm thấy bị đe dọa.

Ông Betts của Đại học Columbia cho biết: "Quý vị có thể thấy những áp lực mà ông Putin đang phải hứng chịu về việc việc sử dụng một vũ khí hạt nhân nhỏ có hiệu quả như thế nào nhằm đảo ngược tình hình, khiến phương Tây sợ hãi và đưa ông Putin thoát khỏi ràng buộc mà ông đang mắc kẹt".

Lằn ranh đỏ

Ông Putin nói rằng Nga hiện đang đấu tranh cho sự tồn tại của mình ở Ukraine sau nhiều năm bị sỉ nhục dưới bàn tay của một phương Tây kiêu ngạo muốn tiêu diệt một cựu siêu cường.

"Trong chính sách chống Nga tích cực của mình, phương Tây đã vượt qua mọi ranh giới", ông Putin nói trong cảnh báo ngày 21/9.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, thúc đẩy lạm phát toàn cầu và gây ra cuộc đối đầu tồi tệ nhất với phương Tây kể từ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.

Sau bảy tháng giao tranh, lực lượng của ông Putin đang phải đối mặt với cuộc phản công dữ dội từ các lực lượng Ukraine được sự hỗ trợ đắc lực của các nước phương Tây. Ông Betts nhận định rằng, Ukraine càng đạt được nhiều bước tiến trên chiến trường, thì khả năng ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân càng cao.

Học thuyết hạt nhân của Nga cho phép tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân sau khi có sự "gây hấn với Liên bang Nga bằng vũ khí thông thường và đe dọa đến chính sự tồn tại của nhà nước Nga".

Những người theo chủ nghĩa diều hâu (hawks) ở Điện Kremlin nói rằng phương Tây đang cố gắng lật đổ ông Putin, người nắm quyền ở Nga từ năm 1999.

Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông Putin "không thể tiếp tục nắm quyền". Nhà Trắng sau đó tái khẳng định rằng, bình luận của ông Biden nhằm chuẩn bị cho các nền dân chủ trên thế giới trước một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, chứ không nhằm thay đổi chế độ ở Nga.

Và vào tháng 5, ông Biden cho biết ông đang cố gắng xác định những việc cần phải làm trước thực tế là, ông Putin dường như không còn đường lui trong cuộc chiến tại Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trước đó đã bác bỏ những cảnh báo của Nga, nhưng nói với đài CBS hôm 25/9 rằng, ông Putin giờ đây có thể đang rất nghiêm túc.

"Quý vị hãy nhìn xem, có thể ngày hôm qua, đó là lời hù dọa. Còn bây giờ điều đó có thể trở thành sự thật".

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Sự thật hay hù dọa? Tại sao cảnh báo hạt nhân của ông Putin khiến phương Tây lo lắng?