Phân tích: Thách thức lớn nhất của ông Tập Cận Bình sẽ đến sau khi ông tái đắc cử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình hình chính trị của ĐCSTQ sẽ có tác động không nhỏ đến cục diện thế giới nói chung, cũng như với Hong Kong và Đài Loan nói riêng. Nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Hong Kong, ông Tang Phổ (Samp) nhận định rằng, ông Tập Cận Bình sẽ tái đắc cử một cách suôn sẻ, và thách thức lớn nhất của ông ấy sẽ đến sau khi ông tái đắc cử.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đến gần. Liệu sẽ xảy ra một cuộc đảo chính trong nội bộ ĐCSTQ hay không, liệu ông Tập Cận Bình có thể tái đắc cử thành công hay không cũng như nhiều vấn đề khác đã trở thành những vấn đề gây tranh cãi.

Nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Hong Kong, ông Tang Phổ (Samp) gần đây đã đưa ra phân tích về một số vấn đề nóng trước thềm Đại hội toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20 trên chương trình trực tuyến của mình. Ông tin rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tái đắc cử một cách suôn sẻ, và thách thức lớn nhất của ông ấy sẽ đến sau khi ông tái đắc cử.

Việc tái đắc cử của ông Tập Cận Bình có vấp phải thách thức không?

Ông Tang Phổ thẳng thắn cho rằng, đáp án của câu hỏi này là "tất nhiên". Những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa toàn trị luôn nỗ lực không ngừng nghỉ, bởi vì quyền lực của họ rất mong manh và không ổn định, "quyền lực do giết người, bạo lực và dối trá" chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều bất mãn và cuối cùng sẽ bị lật đổ.

Ông Tang Phổ cho rằng quyền lực của ông Tập Cận Bình hiện tại vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu bị lật đổ, cán dao, nòng súng và cây bút vẫn nằm trong tay ông Tập. Ông Tang Phổ dự đoán rằng thách thức đối với quyền lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ thứ ba của ông. Vào thời điểm đó, Băng đảng Phúc Kiến và Băng đảng Chiết Giang trong "doanh trại" của ông Tập sẽ phát động một cuộc đấu tranh gay gắt.

Ông Tang Phổ tiếp tục chỉ ra rằng băng đảng Phúc Kiến bao gồm ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), Bộ trưởng Bộ Công an; ông Thái Kỳ (Cai Qi), Bí thư Thành ủy Bắc Kinh; ông La Phú Hòa (He Lifeng), Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc; và ông Miêu Hoa (Miao Hua), Cục trưởng Cục Công tác chính trị của Quân ủy Trung ương.

Băng đảng Chiết Giang bao gồm Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường (Li Qiang); ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner), Bí thư Thành ủy Trùng Khánh; ông Chung Thiệu Quân (Zhong Shaojun), Giám đốc Tổng Văn phòng Quân đội Trung ương; ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), Tổng thư ký của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCSTQ; và ông Ứng Dũng (Ying Yong), Phó Tổng Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Ông Tang Phổ cho rằng hai phe sẽ tranh giành quyền lực, và tình cảnh hai phe đấu đá lẫn nhau dưới thời của Mao Trạch Đông trong những năm đầu có thể sẽ tái diễn.

"Những năm về sau của Mao Trạch Đông, từ năm 1971 đến năm 1976, tức là năm năm cuối cùng của Cách mạng Văn hóa, 'Tứ nhân bang' (bè lũ bốn tên) và liên minh của Đặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh đã có màn đấu đá thực sự rất gay cấn".

Ông Hoa Quốc Phong thay Mao trở thành Chủ tịch ĐCSTQ, trước sự ngạc nhiên và mất tinh thần của Giang Thanh cùng toàn bộ Bè lũ bốn tên. Ông đã chấm dứt Cách mạng văn hóa và tống Bè lũ bốn tên khỏi các vị trí quyền lực chính trị, nhưng vì sự cố chấp đi theo con đường Chủ nghĩa Mao của ông, vài năm sau tới lượt ông bị Đặng Tiểu Bình lật đổ và buộc phải về hưu sớm.

Ông Tang Phổ nói rằng, không phải các cuộc đấu đá nội bộ hay ông Đặng Tiểu Bình đã cứu ĐCSTQ, mà chính nhờ việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc vào những năm 1970, do Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger dẫn đầu mới khiến Trung Quốc trỗi dậy.

Đề cập đến lịch sử của ĐCSTQ, ông nói rằng ông Tập Cận Bình đã không chỉ định người kế nhiệm, tạo ra khoảng trống quyền lực cục bộ và gây ra các cuộc đấu tranh phe phái trong nội bộ đảng, điều mà Tập Cận Bình có thể không kiểm soát được vào thời điểm đó. "Mao Trạch Đông có thể kiểm soát được, nhưng Hoa Quốc Phong thì không. Trong tương lai, đây cũng sẽ là phép thử đối với ông Tập Cận Bình. Ở đâu có người, ở đó phải có đấu tranh".

Sự cai trị của ông Tập Cận Bình sẽ kéo dài bao lâu?

"Ông Tập Cận Bình là 'người thúc đẩy chung', và quy tắc của ông ấy là đẩy nhanh sự sụp đổ của ĐCSTQ", ông Tang Phổ nói.

Ông Tang Phổ nhấn mạnh rằng ông không ủng hộ ông Tập, mà chỉ thực hiện các phân tích khách quan. Về việc khi nào ĐCSTQ sẽ diệt vong, điều đó phụ thuộc vào “tốc độ mưng mủ” của ĐCSTQ, sức mạnh ngăn chặn ĐCSTQ của phương Tây và mức độ thức tỉnh của người dân Trung Quốc. Ông nói thêm, "Nếu ông Tập Cận Bình bắt đầu cuộc chiến chống lại Đài Loan, ĐCSTQ sẽ sớm diệt vong".

Ông Tập Cận Bình sẽ chỉ định ai là người kế nhiệm?

Ông Tang Phổ cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào tình hình của Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20. Theo quan điểm của ông, hiện tại ông Tập Cận Bình sẽ không chỉ định người kế nhiệm, vì điều này sẽ làm suy yếu quyền lực của ông. Cũng trong tình huống này nhiều năm về trước, Mao Trạch Đông chỉ định Lâm Bưu làm người kế vị, những người khác “liên kết” với Lâm Bưu, cuối cùng thúc đẩy Lâm Bưu nổi dậy.

Nếu ông Tập Cận Bình chỉ định người kế nhiệm cũng sẽ dẫn đến tình trạng chuyển giao quyền lực - người khác sẽ “vây” người kế nhiệm, còn ông Tập thì bị quyền lực bỏ rơi. Cuối cùng, một "băng đảng kế thừa" có thể xuất hiện để hạ bệ ông Tập, và thậm chí buộc ông Tập phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực trước thời hạn. Về quan điểm này, ông Tang Phổ ước tính rằng ông Tập Cận Bình sẽ không bổ nhiệm người kế vị, "ít nhất là không trong một thời gian dài".

Ông Tang Phổ nói thêm rằng trong tương lai, vấn đề "ai làm thủ tướng" không quan trọng bằng việc ông Tập Cận Bình phải "yên bề gia thất". Ai ủng hộ cốt cán của ông Tập Cận Bình và trung thành với ông thì sẽ leo lên vị trí cấp cao, nhưng họ sẽ luôn là mảnh ghép của ông Tập.

Ngoài ra, ông Tang Phổ nhận định rằng hệ thống chuyên chế của ĐCSTQ sẽ không tồn tại lâu, hoặc sẽ sụp đổ ngay tức khắc. Mọi người cần giữ vững lương tâm, sống bằng sự chân thật và chờ đợi sự sụp đổ của chủ nghĩa toàn trị.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Thách thức lớn nhất của ông Tập Cận Bình sẽ đến sau khi ông tái đắc cử