Phát ngôn viên Taliban: Trung Quốc là 'đối tác chính của chúng tôi'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người phát ngôn của Taliban đã ca ngợi Bắc Kinh là “đối tác chính” và là nhà tài trợ, khi nhóm này tiến tới xây dựng bộ máy điều hành quốc gia và phát triển nền kinh tế Afghanistan.

Trao đổi với tờ báo la Repubblica của Ý hôm 1/9, người phát ngôn của Taliban là ông Zabiullah Mujahid cho biết: “Trung Quốc là đối tác chính của chúng tôi và đại diện cho chúng tôi một cơ hội cơ bản và phi thường, vì họ sẵn sàng đầu tư và xây dựng lại đất nước của chúng tôi”.

Ông Mujahid đưa ra nhận xét khi nhóm phiến quân đã tiếp quản Afghanistan một cách chóng vánh vào đầu tháng này, và ăn mừng cuộc rút quân cuối cùng của quân đội Mỹ khỏi đất nước Nam Á, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 20 năm.

Nhưng tiền bạc đã trở thành mối quan tâm cấp bách đối với Taliban sau khi Hoa Kỳ chặn không để nhóm này tiếp cận khối tài sản trị giá hàng tỷ của Afghanistan. Tài sản quốc gia của đất nước Trung Đông này hiện được giữ trong các tài khoản ngân hàng của Hoa Kỳ. Ngoài ra, phía Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đều đã đình chỉ khoản viện trợ cho nước Afghanistan.

Khi tiền mặt cạn kiệt, Taliban dường như đặt cược vào Bắc Kinh, nơi những ngày gần đây đã báo hiệu sự sẵn sàng xây dựng mối quan hệ với nhóm này — mặc dù họ vẫn chưa chính thức công nhận chế độ Taliban.

Ông Majahid cho biết, Taliban “rất quan tâm” đến Hiệp ước Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative - BRI) của Trung Quốc. Đây là một dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hậu thuẫn với mục đích mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên toàn thế giới. Mặc dù Afghanistan đã trở thành thành viên chính thức của BRI, hiện chưa có kế hoạch khởi công bất kỳ dự án nào của BRI tại đây.

Người phát ngôn cũng đề cập đến khoản đầu tư hiện đang không hoạt động của Trung Quốc vào một dự án phát triển mỏ đồng ở nước này. Ông Majahid nói: “Chúng tôi cũng có những mỏ đồng phong phú mà nhờ có người Trung Quốc, chúng sẽ có thể sống lại và được hiện đại hóa".

Ông nói thêm, Trung Quốc “là cửa ngõ của chúng tôi đến các thị trường trên thế giới”.

Ngoại trưởng Vương Nghị bắt tay với thủ lĩnh Taliban theo nghi lễ ngoại giao long trọng nhất ở Thiên Tân, Trung Quốc (Ảnh chụp qua màn hình)

Taliban bày tỏ sự nhiệt tình hơn nữa đối với việc tham gia vào BRI trong cuộc gọi với trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc là ông Ngô Giang Hạo vào ngày 2/9.

Trong cuộc điện đàm, ông Abdul Salam Hanafi - một thành viên cấp cao trong đội đàm phán của Taliban - đã gọi Trung Quốc là “người bạn đáng tin cậy của Afghanistan”, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ. Ông Hanafi bày tỏ mong muốn “tích cực hỗ trợ và tham gia” vào dự án BRI mà ông nhận định sẽ “đóng góp vào sự thịnh vượng của khu vực”.

Để thúc đẩy tình hữu nghị Afghanistan-Trung Quốc, ông Hanafi tuyên bố rằng, Taliban “sẽ tuyệt đối không cho phép bất kỳ lực lượng nào đe dọa lợi ích của Trung Quốc”. Đây có thể coi là một ám chỉ ngầm về thái độ của nhóm phiến quân đối với các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền Bắc Kinh vẫn luôn lo ngại các nhóm phản kháng người Duy Ngô Nhĩ có thể tiến hành các cuộc tấn công vào Tân Cương ở khu vực giáp biên giới với Afghanistan. Tân Cương chính là nơi ĐCSTQ đang giam cầm hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, trong các trại giam.

Chế độ ĐCSTQ đã cam kết hỗ trợ đất nước Afghanistan do Taliban cai trị. Trong một cuộc họp báo hôm 1/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã mô tả việc Taliban kiểm soát đất nước Nam Á này là một “trang mới trong lịch sử của lực lượng này”. Ông cho biết, chính quyền Bắc Kinh sẽ “tiếp tục hỗ trợ tối đa cho Afghanistan để sớm hiện thực hóa hòa bình và tái thiết”.

Nhóm khủng bố Taliban đã hứa sẽ thành lập một “chính phủ hòa nhập” và ân xá cho những người đã chiến đấu chống lại họ hoặc làm việc cho chính phủ Afghanistan tiền nhiệm do Hoa Kỳ hậu thuẫn, hiện đã bị lật đổ. Nhưng những lời hứa này đã vấp phải sự hoài nghi ở cả trong nước và tại các cộng đồng người Afghanistan quốc tế lớn hơn.

Những người tị nạn Afghanistan nghỉ ngơi trong lều tại một trại tạm trú ở Chaman, một thị trấn của Pakistan ở biên giới với Afghanistan, vào ngày 31/8/2021 sau khi Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan để kết thúc cuộc chiến tàn khốc kéo dài 20 năm - một cuộc chiến đều bắt đầu và kết thúc khi phe Hồi giáo cực đoan Taliban lên nắm quyền tại nước này. (AFP qua Getty Images)
Những người tị nạn Afghanistan nghỉ ngơi trong lều tại một trại tạm trú ở Chaman, một thị trấn của Pakistan ở biên giới với Afghanistan, vào ngày 31/8/2021 sau khi Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan để kết thúc cuộc chiến tàn khốc kéo dài 20 năm - một cuộc chiến đều bắt đầu và kết thúc khi phe Hồi giáo cực đoan Taliban lên nắm quyền tại nước này. (AFP qua Getty Images)

Một người di tản Afghanistan làm việc cho chính phủ trước khi Taliban tiếp quản đã phát hiện ra rằng, kể từ khi anh ấy trốn thoát, một nhóm lớn các thành viên Taliban đã viếng thăm nhà anh ấy để hỏi thông tin về nơi ở của anh. Trao đổi với The Epoch Times, anh cho biết, có 3 người Afghanistan mà anh biết đã bị các thành viên Taliban giam giữ và tra tấn trong 3 ngày. Họ chỉ được thả ra sau khi ký một văn bản tuyên thệ sẽ không rời khỏi đất nước, cũng như không tiết lộ việc bị giam giữ và tra tấn cho công chúng biết.

Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã tận dụng cuộc khủng hoảng Afghanistan để tuyên truyền làm mất uy tín của Hoa Kỳ. Phương tiện truyền thông tiếng Anh CGTN của chế độ ĐCSTQ gần đây đã kêu gọi chính quyền Washington “thỏa thuận với Taliban”, “làm việc với chúng tôi” và loại bỏ các biện pháp trừng phạt.

Trong khi một số nhà phân tích cho rằng, chế độ Trung Quốc có nhiều lợi ích tại quốc gia Nam Á này bằng cách lấp đầy khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại, câu hỏi vẫn là liệu họ có thể duy trì mối quan hệ khả thi với Taliban hay không. Mối quan hệ hợp tác giữa 2 thế lực này có thể sẽ phụ thuộc vào nguồn tài trợ của ĐCSTQ dành cho Taliban.

Các thành viên của đơn vị quân đội Taliban Badri 313 đứng gác bên cạnh một máy bay của Không quân Afghanistan tại sân bay ở Kabul ngày 31/8/2021, sau khi Mỹ rút hết quân khỏi đất nước để chấm dứt cuộc chiến tàn khốc kéo dài 20 năm. (WAKIL KOHSAR / AFP qua Getty Images)
Các thành viên của đơn vị quân đội Taliban Badri 313 đứng gác bên cạnh một máy bay của Không quân Afghanistan tại sân bay ở Kabul ngày 31/8/2021, sau khi Mỹ rút hết quân khỏi đất nước để chấm dứt cuộc chiến tàn khốc kéo dài 20 năm. (WAKIL KOHSAR / AFP qua Getty Images)

Trao đổi với The Epoch Times trước đó, ông Frank Lehberger đánh giá: “Nếu ĐCSTQ không sẵn lòng hoặc không thể cung cấp khoản tài chính dự kiến ​​kịp thời, hoặc nếu Trung Quốc làm bất cứ điều gì không làm hài lòng Taliban, thì Taliban sẽ rất nhanh chóng cắn những bàn tay của Trung Quốc đang nuôi sống họ”. Ông Lehberger là một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc tổ chức Usanas Foundation có trụ sở tại Ấn Độ.

Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh đang vật lộn với khả năng bùng phát quân sự ở khu vực xung quanh Afghanistan, nơi họ đang phải đối mặt với sự gia tăng bạo lực nhắm vào công nhân Trung Quốc trong các dự án BRI. Hai vụ đánh bom liều chết gần đây nhắm vào công dân Trung Quốc ở Pakistan đã giết chết ít nhất 9 người làm việc trong dự án BRI ở Pakistan.

Trong buổi hội thảo trực tuyến với Epoch TV gần đây, học giả Gordon Chang nhận định, "Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể kiểm soát Taliban", nhưng chiến thắng của nhóm phiến quân đang truyền cảm hứng cho các nhóm nổi dậy khác, chẳng hạn như nhóm khủng bố Tehreek-e-Taliban Pakistan - một nhóm "rất phản đối Trung Quốc". Ông nói thêm: “Chúng ta có thể thấy toàn bộ khu vực chìm trong biển lửa, trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ là một mục tiêu rất lớn”.

Ông Chang là một chuyên gia về Trung Quốc và là tác giả của cuốn sách "Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Phát ngôn viên Taliban: Trung Quốc là 'đối tác chính của chúng tôi'