Phe cánh tả phá hoại tự do học thuật tại Bắc Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để thay đổi xã hội, giới cánh tả cấp tiến tại Bắc Mỹ đã giành quyền kiểm soát giáo dục và văn hóa. Hậu quả là tự do học thuật tại các trường đại học bị hạn chế nghiêm trọng, bị tác động nặng nề bởi văn hóa tỉnh thức. Ngoài một số nỗ lực ngoại lệ mới đây từ chính quyền Quebec (Canada) hoặc các giáo sư tại Nova Scotia (Canada), giới chính trị gia và học giả đều không sẵn sàng lên tiếng.

Hệ tư tưởng cấp tiến lan rộng tại Bắc Mỹ vào những năm 1960 và 1970

Trong những năm 1960 và 1970, chúng ta đã chứng kiến ​​sự lan rộng của các hệ tư tưởng ngày càng cấp tiến ở Bắc Mỹ.

Ở Canada và Mỹ, các chiến binh cánh tả tập trung vào xung đột sắc tộc và chủng tộc. Bằng cách đánh bom các tòa nhà, bắt cóc các chức sắc, thực hiện các vụ cướp và giết người vô tội, họ đã chiếm được tâm trí của những người trẻ tuổi dễ bị tác động.

Những trí thức cấp tiến đã hướng tới thay đổi xã hội bằng cách tập trung nắm quyền kiểm soát giáo dục và văn hóa - một chiến lược mà nhà hoạt động sinh viên người Đức, Rudi Dutschke, vào những năm 1960 gọi là “cuộc hành quân dài xuyên qua các tổ chức”.

Sự thay đổi tích cực ở Quebec

Trong “Cuộc cách mạng yên tĩnh” những năm 60, những trí thức lỗi lạc như Pierre Elliot Trudeau và lãnh tụ phong trào độc lập của Quebec René Lévesque đã thành lập các khối chính trị cánh tả hùng mạnh ở Canada. Người Quebec và người ở vùng Đông Canada đã bị tách khỏi nguồn gốc truyền thống của họ, và các đảng dân chủ - xã hội chủ nghĩa đã thống trị nền chính trị trong sáu thập kỷ tiếp theo.

Vào năm 2018, hai năm sau khi chính quyền Trump được bầu ra ở Mỹ, một đảng phái tương đối mới, Liên minh Avenir Québec (CAQ), đã giành được đa số trong Quốc hội Quebec. CAQ thường được coi là theo chủ nghĩa dân túy (ủng hộ người dân thường), dân tộc chủ nghĩa và bảo thủ - một sự thay thế đột phá cho các chính sách xã hội chủ nghĩa thất bại trong 60 năm qua.

Lãnh đạo CAQ, cựu giám đốc Air Transat (một hãng hàng không), ông François Legault, phần nào gợi nhớ đến Thủ hiến Maurice Duplessis vào thời kỳ trước Cách mạng yên tĩnh, người trong suốt những năm 1940 và 1950, đã hướng dẫn một Quebec theo Công giáo từng bước chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản - dân chủ hiện đại.

Từng kiểm soát các trường học và đại học của quốc gia trong nhiều thập kỷ, giới cánh tả Canada đã bị sốc khi người dân Quebec, giống như những người láng giềng Mỹ đang ủng hộ Trump, ủng hộ một đảng dân tộc trung hữu, do một doanh nhân giàu có lãnh đạo, nhằm hướng tới những thay đổi tích cực.

Dự luật bảo vệ tự do học thuật của Quebec vấp phải phản đối

Để nới lỏng sự kìm kẹp về ý thức hệ thức tỉnh của phe cánh tả đối với các tổ chức, chính quyền CAQ Quebec gần đây đã giới thiệu dự luật 32. Dự luật được đề xuất nhằm bảo vệ quyền tự do học thuật trong các trường đại học của tỉnh này. Dự luật kêu gọi việc phá bỏ những “ràng buộc về mặt giáo lý, hệ tư tưởng hoặc đạo đức” đối với giảng dạy tại đại học.

Bà Danielle McCann, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bậc cao Quebec, nói với các phóng viên rằng dự luật 32 hướng tới duy trì một môi trường học tập chất lượng cao. Bà ấy có vẻ tin rằng có mối quan hệ trực tiếp giữa những lý tưởng ra đời từ những năm 60 và bầu không khí học thuật hà khắc trong các trường học, trường cao đẳng và đại học theo cánh tả.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà McCann nói, “Các lớp học không phải là không gian an toàn (chỉ không gian nơi con người không lo lắng vì bị phân biệt đối xử, chỉ trích hay quấy rối); chúng là không gian để tranh luận”. Bác bỏ tư tưởng cấp tiến, vốn cho rằng sinh viên đại học cần được bảo vệ trước những lời nói, sách hoặc ý tưởng thách thức sự đúng đắn về chính trị mang tính thức tỉnh, bà McCann nói: "Kiểm duyệt không có chỗ trong lớp học của chúng tôi".

Bà Bộ trưởng lập luận rằng, miễn là các giáo sư tôn trọng các tiêu chuẩn rõ ràng về đạo đức và khoa học, họ sẽ có thể sử dụng bất kỳ ngôn từ nào cần thiết trong bối cảnh sư phạm hoặc học thuật. Bà nói rằng cần thông qua dự luật vì quyền tự do học thuật cho các giảng viên đại học phải được xác định và bảo vệ tốt hơn.

Bà McCann gợi ý rằng một khuôn khổ luật pháp sẽ giúp các giáo sư có tư duy tự do tránh khỏi việc bị buộc phải tự kiểm duyệt. Dự luật 32 là loại luật mà các học giả có tư tưởng cởi mở trên khắp Bắc Mỹ tán thành.

Tuy nhiên, trên tờ Montreal Gazette, ông Christopher Manfredi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học McGill, đã lên tiếng phản đối dự luật tự do học thuật của Quebec.

Ông Manfredi đồng ý rằng tự do học thuật nên là nền tảng trong đời sống đại học. “Qua nhiều thế kỷ,” ông viết, “nó đã cho phép các học giả thách thức những kiến thức sẵn có mà không sợ bị khiển trách. Bằng cách này, nó là nền tảng cho sự tiến bộ của học tập".

Tuy nhiên, trong khi khẳng định rõ ràng rằng quyền tự do học thuật đáng được bảo vệ mạnh mẽ, ông Manfredi khẳng định rằng “sự bảo vệ đó không thể nằm dưới hình thức một đạo luật hướng tới sự can thiệp của nhà nước vào chính sách trường đại học”.

Ông Manfredi cho rằng dự luật 32 thể hiện sự can thiệp của chính quyền vào quản trị đại học ở mức “chưa từng có” và “vi phạm các nguyên tắc cơ bản nhất của mối quan hệ giữa chính quyền và các tổ chức giáo dục đại học”.

Vị giáo sư tại Đại học McGill nói rằng bà McCann đang "gây nhầm lẫn giữa tự do ngôn luận - quyền của mọi người trong phạm vi công cộng - với tự do học thuật của các giảng viên và nhà nghiên cứu trong một cộng đồng học giả".

Giáo sư tại Nova Scotia kêu gọi chính quyền địa phương bảo vệ tự do học thuật

Các học giả khác, bất bình vì không được đưa ra những phát biểu học thuật một cách tự do cũng như theo đuổi những tìm tòi khách quan, lại có một cái nhìn khác. Vào tháng 4, một nhóm nhỏ các giáo sư Nova Scotia thuộc Hiệp hội Tự do Học thuật và Học bổng của Canada (SAFS), đã kiến ​​nghị với chính quyền tỉnh Nova Scotia để được giúp đỡ bảo vệ tự do học thuật.

Lời kêu gọi của các giáo sư mở đầu bằng việc nhắc lại rằng trong chiến dịch bầu cử năm 2021, lãnh đạo Đảng Bảo thủ Cấp tiến Tim Houston đã gọi các trường đại học là “nơi đàn áp ý thức hệ”. Những người ký tên vào lá thư của các giáo sư nhìn chung đồng ý với đánh giá đó.

Các giáo sư này nghĩ rằng ông Houston đang thừa nhận có các vấn đề cần được giải quyết trong các trường đại học. Giống như Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bậc cao của Quebec, các học giả Nova Scotia này cho rằng “các trường đại học đã từ bỏ sứ mệnh học thuật của mình bằng cách hạn chế quyền tự do tìm hiểu và diễn đạt thông qua các quy định về ngôn ngữ và 'không gian an toàn’”.

Bức thư của các giáo sư nêu lên những vấn đề giống như những vấn đề được đề cập bởi giáo sư danh dự Jordon Peterson của Đại học Toronto. Giáo sư Peterson đã nhận được sự chú ý rộng rãi vào cuối những năm 2010 vì lập trường thẳng thắn chống lại “phát biểu bắt buộc” (việc bắt ép một người nói ra những điều người đó không muốn). Các lập luận của Peterson đã dẫn đến những phản đối dữ dội của công chúng đối với văn hóa tỉnh thức, tính đúng đắn chính trị và chính trị bản sắc (nhóm người có cùng chung đặc điểm nào đó như giới, chủng tộc, tôn giáo… phát triển một đường lối chính trị chung). Ông đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt. Việc ông chống lại văn hóa tẩy chay (bài trừ ai đó dựa trên quan điểm của họ về các vấn đề xã hội như phân biệt chủng tộc, giới tính…) của trường đại học thu hút được sự ủng hộ đáng kể của công chúng. Peterson hiển nhiên đã bị chế giễu là bảo thủ cực đoan bởi những đồng nghiệp cấp tiến.

Các học giả giải thích: “Tính lịch sự trong các trường đại học của Nova Scotia rõ ràng đã giảm sút kể từ giữa những năm 2010, tạo nên sự khó chịu của rất nhiều sinh viên và học giả. Tình trạng bức bối chung được thể hiện ra qua nhiều biểu hiện". Không giống như ông Manfredi, các học giả này đang hướng đến một cuộc điều tra của chính quyền về văn hóa trường đại học, và cuối cùng hướng tới việc áp dụng các nguyên tắc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong bối cảnh học thuật.

Chính quyền Nova Scotia thờ ơ trước lời kêu gọi tự do học thuật

Các giáo sư của Nova Scotia chỉ nhận được sự thờ ơ từ chính quyền. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Cấp cao tuyên bố rằng kinh nghiệm của chính ông đã khiến ông kết luận rằng hệ thống trường học Nova Scotia “mang bản chất của thực dân và người da trắng”. Ông nhấn mạnh rằng có bằng chứng về "sự phân biệt chủng tộc có hệ thống trong các tổ chức của chúng ta".

“Để giải quyết tình trạng này", vị Bộ trưởng nói, “các sáng kiến ​​và chính sách của chính quyền và thể chế đã và đang được phát triển để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và khuyến khích công bằng, đa dạng và hòa nhập”.

Vì vậy, có vẻ như đây là thời cơ cho các chính trị gia thích ra hiệu đức hạnh (nâng cao bản thân bằng việc thể hiện các quan điểm về các vấn đề xã hội), các nhà quản lý tỉnh thức, nhà tư vấn về sự đa dạng, ủy viên hội đồng nhân sự và đội ngũ giảng viên ngoan ngoãn tuân thủ, những người cam kết thực hiện chương trình nghị sự DEI vốn tạo ra sự kiệt quệ và chia rẽ bi thảm trong các trường đại học ở Nova Scotia.

Nhiệm vụ khôi phục tự do học thuật khó đạt được hơn bao giờ hết

Sau khoảng 60 năm trải qua "cuộc hành quân dài xuyên qua các tổ chức" của cánh tả, nhiệm vụ khôi phục tự do học thuật dường như trở nên bất định và khó đạt được hơn bao giờ hết.

Ở Quebec, một bộ trưởng CAQ muốn làm được điều gì đó, nhưng các học giả nổi tiếng đã không để bà ấy hành động. Ở Nova Scotia, chính quyền của Đảng Bảo thủ Cấp tiến dường như đang ủng hộ tất cả những ảo tưởng có tính phá hoại, những thứ đã dẫn đến tình trạng hiện nay.

Các tỉnh và bang khác trên khắp Bắc Mỹ cũng đang trải qua tình trạng khủng hoảng học thuật tương tự. Con người có thể đồng thời vừa xảo quyệt vừa ngu ngốc. Những người được gọi là “nhà giáo dục” cũng có khả năng trở thành những con vật được chăn giữ, tương tự như việc chăn giữ một bầy sói. Sự ủng hộ hiện tại của họ đối với một hình thức phân biệt chủng tộc mới được họ ngụy trang là "sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập" được dẫn dắt bởi sự hoang tưởng và tư lợi. Lý tưởng của họ đối nghịch hoàn toàn với khái niệm trường đại học.

Không chắc sẽ có sự cải thiện trong tương lai gần. Ngày nay, phe cánh tả đang nắm quyền kiểm soát chặt chẽ các trường học và trường đại học ở Bắc Mỹ. Các quan chức cứng nhắc ủng hộ hiện trạng giáo dục còn nhiều khiếm khuyết. Ngoài một số trường hợp ngoại lệ đáng chú ý, như bà Danielle McCann của Quebec và các giáo sư Nova Scotia, cả giới chính trị gia và học giả đều không sẵn sàng mạo hiểm lên tiếng.

Thông điệp rõ ràng cho các học giả truyền thống bất đồng chính kiến ​​hoặc những công dân bất mãn là: “Hãy im lặng và tiếp tục! Chúng tôi không muốn nghe bạn nói! Nếu bạn không đồng ý với chúng tôi, bạn không chỉ sai; bạn thật độc ác!".

Không có gì ngạc nhiên khi học giả nổi tiếng người Canada vào giữa thế kỷ 20, bà Hilda Neatby, đã bác bỏ cơ sở của giáo dục cấp tiến hiện đại, cho rằng nó là “quá ít cho trí óc”.

Bảo Nguyên

Theo William Brooks - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Phe cánh tả phá hoại tự do học thuật tại Bắc Mỹ