Philipines cáo buộc Trung Quốc dùng vũ lực để thu hồi vật thể nghi là mảnh vỡ tên lửa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 21/11, quân đội Philippines cho biết, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã 'cưỡng đoạt' vật thể nghi là mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc trên Biển Đông.

Phó đô đốc Alberto Carlos, chỉ huy Bộ tư lệnh miền Tây (WESCOM) quân đội Philippines cho biết, Hải quân Philippines nhận được báo cáo vào lúc 6:45 sáng Chủ nhật (20/11) rằng, một vật thể nổi được phát hiện trôi dạt cách Đảo Pagasa (Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ) hiện do Philippines kiểm soát.

Ông mô tả vật thể trôi nổi là “kim loại” và tương tự như những mảnh vỡ được phát hiện trước đó trên đảo Palawan của Philippines, theo Thông tấn xã Philippines.

Ông Carlos cho biết, Hải quân Philippines đã đến hiện trường và tìm thấy một vật thể "kim loại" trôi nổi không xác định.

Khi họ đang kéo vật thể về thì tàu tuần duyên Trung Quốc mang số hiệu 5203 đã tiếp cận vị trí của họ và "sau đó chặn đường dự kiến của họ hai lần".

Ông cho biết thuyền Trung Quốc sau đó đã "cưỡng đoạt" vật thể bằng cách cắt dây kéo gắn với xuồng cao su của Philippines và kéo nó trở lại tàu Trung Quốc.

Ông Carlos nói rằng, không có ai bị thương trong vụ việc và thông tin này đã được báo cáo cho Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Biển Tây Philippines để có hành động thích hợp, ông nói thêm.

Phát ngôn viên quân đội Philippines Cherryl Tindog cho biết, Hải quân Philippines quyết định quay trở lại đảo Pagasa thay vì chống trả lại vụ cưỡng đoạt này, vì đây không phải là tình huống “sinh tử”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận việc lực lượng tuần duyên của họ sử dụng vũ lực để thu hồi mảnh vỡ bị nghi là tên lửa, nói rằng Philippines đã bàn giao vật thể này cho lực lượng tuần duyên Trung Quốc sau “một cuộc đàm phán hữu nghị”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi không dàn hàng và đoạt lấy vật thể trong tình huống đó".

Đầu tháng này, lực lượng tuần duyên Philippines báo cáo đã tìm thấy các mảnh vỡ kim loại ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Mindoro và Palawan.

Người dân xem một tên lửa Trường Chinh 5B, mang theo mô-đun chính Thiên Hòa của trạm vũ trụ Thiên Cung, cất cánh từ Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 29/4/2021. (Ảnh: Getty Images)

Các quan chức tin rằng, các mảnh này có khả năng là các bộ phận của tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc, được phóng đi hồi đầu tháng 11 từ Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam.

Lực lượng tuần duyên Philippines hôm 10/11 chi hay: “Các mảnh vỡ sẽ được chính phủ Philippines quản lý và xử lý”.

Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ (U.S. Space Command) cho biết, tên lửa Trường Chinh 5B đã lao xuống Trái Đất một cách mất kiểm soát vào ngày 4/11, đây là lần thứ tư một tên lửa Trung Quốc rơi một cách mất kiểm soát xuống Trái Đất kể từ năm 2020, gây ra mối lo ngại từ cộng đồng vũ trụ quốc tế.

“Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin quỹ đạo chi tiết trong lúc tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại Trái Đất", quản trị viên Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson cho biết trong một tuyên bố.

Thông thường sau mỗi vụ phóng tàu vũ trụ hay tên lửa, một phần của thân tên lửa phóng sẽ rơi ngược lại Trái Đất. NASA cho hay, các tầng đẩy của tên lửa Mỹ thường được thiết kế để rơi xuống biển, các khu vực dân cư thưa thớt hoặc thực hiện hạ cánh thẳng đứng, ví dụ như tên lửa Falcon 9 hay Falcon Heavy của SpaceX.

Trong khi đó, tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc không thể kiểm soát và khó dự đoán quỹ đạo rơi. Việc lặp đi lặp lại các lần hạ cánh không kiểm soát là do tên lửa Trường Chinh 5B được thiết kế mà không có thiết bị cần thiết để tự lái nhằm đảm bảo hạ cánh an toàn.

Vào tháng 4/2018, Thiên Cung 1, phòng thí nghiệm nguyên mẫu mở đường cho trạm vũ trụ Thiên Cung, đã rơi trở lại Trái đất trên Thái Bình Dương.

Vào năm 2020, các mảnh vỡ bao gồm phần ống dài hơn 12 m của tên lửa rơi xuống hai ngôi làng ở Bờ Biển Ngà ở phía tây Châu Phi.

Vào năm 2021, tàn dư từ tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống Ấn Độ Dương.

Vào tháng 7/2022, các mảnh vỡ từ tầng lõi của Trường Chinh 5B đã rơi xuống Indonesia và Philippines.

“Các quốc gia du hành vũ trụ phải giảm thiểu rủi ro đối với con người và tài sản trên Trái đất khi tái sử dụng các vật thể không gian. Trung Quốc đã không đáp ứng các tiêu chuẩn có trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ không gian. Họ cần chia sẻ những thông tin có thể giúp đưa ra dự đoán đáng tin cậy về nguy cơ tác động của mảnh vỡ, đặc biệt là đối với các phương tiện hạng nặng như Trường Chinh 5B”, Giám đốc NASA Bill Nelson nói vào năm ngoái.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Philipines cáo buộc Trung Quốc dùng vũ lực để thu hồi vật thể nghi là mảnh vỡ tên lửa