Philippines: Trung Quốc không có quyền nói chúng tôi có thể hoặc không thể làm gì trong vùng biển của chính mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Philippines bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình sau khi Trung Quốc điều một lượng lớn tàu cá tới đây. Đầu tuần này, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối các cuộc tập trận nói trên. Hôm 28/4, Bộ Quốc phòng Philippines đáp trả rằng Trung Quốc không có quyền nói Philippines nên làm gì hoặc không được làm gì.

Cục Ngư nghiệp và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã bắt đầu các cuộc tập trận hàng hải trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 200 dặm của nước này vào thứ Bảy tuần trước (24/4). Trước đó, chính phủ Philippines thông báo rằng họ sẽ tăng cường hiện diện quân sự để đối phó với “mối đe dọa” từ các tàu Trung Quốc.

Đáp lại cuộc tập trận cuối tuần trước, hôm thứ Hai (26/4), Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Philippines nên "dừng các hành động làm phức tạp tình hình và leo thang tranh chấp".

Reuters đưa tin, hôm qua (28/4), Bộ Quốc phòng Philippines đáp trả rằng, Trung Quốc không có quyền nói với Philippines rằng họ có thể hoặc không thể làm gì trong vùng biển của chính mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với các phóng viên rằng, Trung Quốc "không được trao quyền hoặc không có cơ sở pháp lý nào để ngăn cản chúng tôi tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông", bởi vì "yêu sách của họ (Trung Quốc) là... không có căn cứ".

Bắc Kinh tuyên bố sở hữu gần như toàn bộ Biển Đông. Năm 2016, một tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết rằng các tuyên bố của Bắc Kinh là không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Gần đây, Trung Quốc đã tập hợp nhiều tàu thuyền về vùng biển tranh chấp, điều này đã gây ra các cuộc phản đối mạnh mẽ từ Philippines, và nó cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của Hoa Kỳ. Vào ngày 7/3, khoảng 220 tàu của Trung Quốc đã thả neo ở vùng biển xung quanh rạn san hô Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) - đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Chính phủ Philippines cho rằng thuyền viên trên các con tàu này là dân binh và đưa ra kháng nghị ngoại giao cho Trung Quốc, nhưng phía Trung Quốc vẫn chưa sơ tán toàn bộ tàu.

Vào ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Philippines cũng triệu tập ông Hoàng Khê Liên (Huang Xilian), Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, để bày tỏ “sự bất mãn lớn nhất” của Philippines đối với các tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về ý đồ của Trung Quốc và lên án Bắc Kinh.

Hôm 28/4, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin đã lên án Trung Quốc và một lần nữa đưa ra kháng nghị ngoại giao. Gần đây, Philippines đã tuyên bố kháng nghị ngoại giao với Trung Quốc hơn chục lần.

"Họ nói gì làm gì ở Trung Quốc đại lục cũng được, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các quyền lợi của mình trong vùng biển của chúng tôi, dựa trên luật pháp quốc tế và vụ thắng kiện ở The Hague", ông Locsin nói trong một tweet.

Cuộc tập trận của Philippines được tiến hành ở gần một hòn đảo do Philippines chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa và gần đảo Hoàng Nham (Scarborough Reef) đang tranh chấp. Theo kết quả của trọng tài năm 2016, nhiều quốc gia có quyền đánh cá trong vùng biển của đảo Hoàng Nham.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng, chính Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép các rạn san hô và biến chúng thành các hòn đảo nhân tạo, điều này khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn.

Ông Lorenzana nói: "Chính những kẻ xâm lược kia (ám chỉ Trung Quốc) mới là kẻ nên ngừng tiến tới và phải rời đi".

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Philippines: Trung Quốc không có quyền nói chúng tôi có thể hoặc không thể làm gì trong vùng biển của chính mình