Phong trào ‘cứu’ tiếng Mông Cổ thu hút sự quan tâm và ủng hộ trên toàn thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các học giả Mông Cổ tôn trọng Trung Quốc như một quốc gia vĩ đại với nền văn hóa cổ đại với các nền văn minh dân tộc đa dạng. Nhưng chính sách mới này có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến trẻ em Mông Cổ ở khu vực Nội Mông, miền Nam Mông Cổ; chúng có thể mất quyền cơ bản được học tiếng mẹ đẻ.

Trong khi chính quyền Trung Quốc thực hiện các biện pháp đàn áp và ra lệnh đàn áp không thương tiếc các cuộc biểu tình phản đối chính sách cấm dạy tiếng Mông Cổ trong các trường học ở khu vực Nội Mông, Trung Quốc, thì người dân Mông Cổ và nhiều người trên khắp thế giới lên tiếng phản đối chính sách này của chính phủ Trung Quốc và bắt đầu một phong trào cứu tiếng Mông Cổ.

Ngày 7/9, một số học giả và nhà ngôn ngữ học nổi tiếng ở miền Bắc Mông Cổ đã gửi thư ngỏ cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, bày tỏ sự lo lắng về chính sách này và nói rằng chính sách này có hại cho một quốc gia thống nhất đa sắc tộc của Trung Quốc. Việc ngôn ngữ Mông Cổ có nguy cơ bị biến mất có thể gây tổn hại đến di sản văn hóa Trung Quốc, cũng như di sản ngôn ngữ và văn học của nhân loại.

Trong thư, các học giả viết, các học giả Mông Cổ tôn trọng Trung Quốc như một quốc gia vĩ đại với nền văn hóa cổ đại với các nền văn minh dân tộc đa dạng. Nhưng chính sách mới này có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến trẻ em Mông Cổ ở khu vực Nội Mông, miền Nam Mông Cổ; chúng có thể mất quyền cơ bản được học tiếng mẹ đẻ. Chính sách này cũng có thể làm giảm uy tín quốc tế của Trung Quốc.

Một số nhóm bảo vệ quyền của người dân cho rằng chính sách thay đổi ngôn ngữ trong các trường học ở miền Nam Mông Cổ cũng giống những gì Bắc Kinh đã làm ở Tây Tạng và Tân Cương - đó là tập trung vào việc vô hiệu hóa các cộng đồng dân tộc địa phương với đa số người Hán.

“Chúng tôi muốn nâng cao nhận thức về vấn đề này và phản đối chính sách đáng xấu hổ này của chính quyền Trung Quốc”, Nhà lập pháp Đài Loan Saidai Tarovecahe thuộc Đảng Dân Tiến phát biểu trong một cuộc họp báo tại một cuộc mít tinh ủng hộ người dân ở khu vực Nội Mông, được tổ chức bên ngoài Viện Lập pháp ở Đài Bắc vào thứ Năm, ngày 11/9.

Nhà lập pháp Đài Loan Freddy Lim nói: “Tôi kêu gọi các nước trên thế giới ủng hộ Nội Mông và bảo vệ quyền nói tiếng mẹ đẻ của người dân Mông Cổ”.

Sophie Richardson, Giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết, chính quyền Trung Quốc nên tập trung vào việc cung cấp giáo dục song ngữ thực sự, chứ không nên phá hoại và bức hại những người đề xướng. “Việc giảm giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ sẽ vi phạm hiến pháp Trung Quốc, tiêu chuẩn quốc tế và sự đồng thuận của các chuyên gia, đồng thời làm xói mòn bản sắc dân tộc của người Mông Cổ”.

Tiếng Mông Cổ là một ngôn ngữ cổ có nguồn gốc từ Altaic, mang một nét văn hóa du mục độc đáo. Tại nhiều quốc gia và các trường đại học trên thế giới cũng có các trung tâm nghiên cứu về tiếng Mông Cổ.

Tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Washington, tiếng Mông Cổ là một trong số ít ngôn ngữ được nghiên cứu. Viện này nghiên cứu khoảng 20 ngôn ngữ của các nền văn hóa lớn nhất thế giới. Trong số đó, tiếng Mông Cổ là ngôn ngữ đã tạo nên một nền văn hóa độc đáo và lịch sử phong phú, hùng mạnh, Nhà báo kiêm Nhà văn Mông Cổ Naminchimed Baasan cho biết trong cuộc trò chuyện với phóng viên của Epoch Times.

“Trong lịch sử, Vạn Lý Trường Thành là biên giới giữa 2 quốc gia Trung Quốc và Mông Cổ, là ranh giới giữa văn hóa định cư và du mục. Bằng cách này, những người Nam Mông Cổ hiện sống chính trên đất của họ. Một quốc gia sống trong lãnh thổ lịch sử của mình phải có đặc quyền bảo tồn ngôn ngữ, di sản văn hóa của mình”, ông Baasan nói thêm.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phần phía nam của Mông Cổ bị Trung Quốc sáp nhập, trở thành Khu tự trị Nội Mông. Kể từ đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dần dần làm xói mòn văn hóa và nền độc lập của người dân tộc Mông Cổ trong khu vực này. Theo The Diplomat, Bắc Kinh đã khuyến khích người Hán chuyển đến sống ở khu vực Nội Mông, nơi họ hiện đông hơn hẳn người Mông Cổ, với tỷ lệ gần 6 người Hán trên 1 người Mông Cổ. Họ đã giảm số lượng học sinh ở các trường công lập song ngữ từ 190.000 xuống còn 17.000 và cho phép trẻ em Hán vào học tại các trường này.

Trong video dưới đây, Enhbat Togochog, giám đốc Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ (SMHRIC), một nhóm lưu vong có trụ sở tại New York, nói về cách thức người Mông Cổ bị đối xử ở Trung Quốc.

Ông Togochog nói với Bitterwinter: “Các chính sách của Trung Quốc đối với Nam Mông Cổ không phải là ngẫu nhiên. Tất cả các chính sách mà ĐCSTQ đang thực hiện ở Nam Mông Cổ, Tây Tạng và Đông Turkistan đều có mục đích cụ thể và lên kế hoạch cẩn thận để đạt được mục tiêu của họ, đó là xóa bỏ hoàn toàn bản sắc của người Mông Cổ, Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ để tạo ra một xã hội Trung Quốc thuần nhất”.

Người Mông Cổ là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn, người đã xây dựng nên một siêu cường vào thời bấy giờ.

Người dân Mông Cổ ở nước ngoài đã thể hiện tinh thần đoàn kết theo phong trào có tên #SaveMongolianLanguage (tạm dịch: cứu ngôn ngữ Mông Cổ). Trong vòng một tuần, số người đã ký vào bản kiến ​​nghị “Chúng ta là một dân tộc” gửi tới Nhà Trắng đã lên tới hơn 100.000 người, thúc giục Chính quyền Tổng thống Trump quan tâm hơn đến “nạn diệt chủng văn hóa” đang diễn ra ở miền Nam Mông Cổ.

Bản kiến ​​nghị nêu rõ chính sách mới của Trung Quốc là vi phạm nhân quyền, di sản thế giới và hiến pháp của chính nước này.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Phong trào ‘cứu’ tiếng Mông Cổ thu hút sự quan tâm và ủng hộ trên toàn thế giới