Putin nói sẵn sàng thỏa hiệp với phương Tây sau cuộc hội đàm với Macron về Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đã sẵn sàng thỏa hiệp và sẽ xem xét các đề xuất mà nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron đưa ra trong cuộc hội đàm hôm thứ Hai (7/2). Đồng thời, ông Putin vẫn đổ lỗi cho phương Tây về việc gia tăng căng thẳng về Ukraine.

Radio France24 đưa tin, sau cuộc gặp ở Điện Kremlin kéo dài hơn 5 giờ, hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ hy vọng có thể tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Moscow đã tập trung hàng trăm nghìn quân ở biên giới Ukraine. Điều này khiến phương Tây lo ngại, rằng họ đang chuẩn bị một cuộc xâm lược có thể xảy ra đối với nước láng giềng của mình.

Phương Tây đã nhiều lần cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng" nếu Nga xâm lược và Macron là nhà lãnh đạo lớn đầu tiên của phương Tây gặp Putin kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng vào tháng 12.

Liên tục cảm ơn nhà lãnh đạo Pháp đã đến Moscow, ông Putin cho biết tại cuộc họp báo chung rằng, ông Macron đã trình bày một số ý tưởng đáng để học tập.

“Một số ý tưởng, đề xuất… của ông ấy có thể làm cơ sở cho các bước tiếp theo”, ông Putin nói và cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để tìm ra những thỏa hiệp phù hợp với tất cả mọi người”.

Ông không cung cấp bất kỳ chi tiết nào nhưng cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ nói chuyện qua điện thoại sau khi ông Macron gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kyiv vào thứ Ba (8/2).

Theo đài BBC, một nguồn tin tại Điện Elysée ở Paris nói rằng một cuộc đối thoại rộng hơn sẽ được bắt đầu, tập trung vào các đơn vị quân đội của Nga và các cuộc đàm phán trong tương lai cả với Ukraine và các vấn đề chiến lược liên quan đến "an ninh tập thể".

Nguồn tin cũng cho biết, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng Nga sẽ rút quân khỏi Belarus khi kết thúc các cuộc tập trận diễn ra gần biên giới phía bắc Ukraine. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết không có chủ trương nào như vậy được đưa ra, mặc dù quân đội dự kiến ​​sẽ quay trở lại Nga vào một thời điểm nào đó.

Putin 'sẵn sàng tham gia'

Tổng thống Pháp Macron cho biết ông đã đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết các mối quan tâm của cả Nga và phương Tây.

"Tổng thống Putin đảm bảo với tôi về sự sẵn sàng tham gia của ông ấy", ông Macron nói và nói thêm: "Nếu không đảm bảo an ninh cho người Nga thì cũng không thể đảm bảo an ninh cho người châu Âu".

Tổng thống Pháp cho biết các đề xuất bao gồm cam kết của cả hai bên không thực hiện bất kỳ hành động quân sự mới nào, khởi động đối thoại chiến lược mới và nỗ lực phục hồi tiến trình hòa bình trong cuộc xung đột giữa Kyiv với phe ly khai do Moscow hậu thuẫn ở miền Đông đất nước.

Ông Putin một lần nữa phủ nhận rằng Nga là nguyên nhân gây ra căng thẳng.

Ông nói: “Cho rằng Nga đang hành động gây hấn là phi logic”.

Khi nhắc đến việc triển khai của liên minh ở Đông Âu, ông Putin nói: "Người tiến về biên giới của NATO không phải là Nga".

Cuộc gặp tại Moscow diễn ra vào đầu tuần ngoại giao căng thẳng về cuộc khủng hoảng Ukraine, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Washington trong cùng ngày.

Biden đe dọa đường ống dẫn khí đốt

Biden đã tuyên bố rõ ràng tại các cuộc đàm phán sẽ đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 gây tranh cãi từ Nga đến châu Âu nếu Moscow đưa lực lượng qua biên giới Ukraine như đã làm trong quá trình sáp nhập Crimea năm 2014.

"Nếu Nga xâm lược - nghĩa là xe tăng hoặc quân đội đi qua biên giới Ukraine một lần nữa - thì sẽ không còn Nord Stream 2 nữa", ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng với Scholz.

"Tôi hứa với bạn là chúng tôi sẽ kết thúc nó", ông Biden cho biết.

Các quan chức Mỹ cho biết Moscow đã điều động 110.000 quân ở gần biên giới Ukraine và đang trên đà huy động một lực lượng đủ lớn - khoảng 150.000 binh sĩ - cho một cuộc xâm lược toàn diện vào giữa tháng Hai.

Tổng thống Pháp Macron hôm thứ Hai (7/2) trích dẫn con số 125.000 quân Nga.

Nga khẳng định họ không có kế hoạch tấn công và thay vào đó đã đưa ra các yêu cầu của riêng mình về đảm bảo an ninh.

Moscow đang yêu cầu một lệnh cấm vĩnh viễn đối với Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu và khối này phải rút lui sự hiện diện quân sự ở Đông Âu.

Ông Macron, quốc gia hiện đứng đầu Liên minh châu Âu, đã cố gắng định vị mình là nhân vật chủ chốt của EU trong các cuộc đàm phán với Nga.

Quân đội Anh, Đức sẽ triển khai

Chính phủ mới của Đức đã vấp phải sự chỉ trích từ Ukraine và một số người ở Mỹ vì cáo buộc rằng họ không tham gia đầy đủ với các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đẩy lùi áp lực quân sự của Nga đối với Ukraine.

Ông Scholz cho biết ông và ông Biden "tuyệt đối thống nhất" về các lệnh trừng phạt chống lại Nga, mặc dù ông Scholz nhiều lần tránh nhắc tên đường ống Nord Stream 2.

Tổng thống Biden đã phản ứng với việc tăng cường quân sự của Nga bằng cách cung cấp 3.000 lính Mỹ để hỗ trợ sườn phía Đông của NATO, với một đợt quân đến Ba Lan vào Chủ nhật.

Hôm thứ Hai (7/2), Anh cho biết họ sẽ gửi 350 binh sĩ Anh đến biên giới Ba Lan và Đức thông báo rằng 350 binh sĩ khác của họ sẽ đến Lithuania.

Trong khi ông Scholz ở Washington, ngoại trưởng của ông, Annalena Baerbock, đã ở Kyiv cùng với những người đồng cấp Séc, Slovakia và Áo trong chuyến thăm hai ngày.

Bản thân ông Scholz sẽ tới Moscow và Kyiv vào tuần tới để hội đàm với ông Putin và ông Zelensky.

Các chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh và Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng dự kiến ​​vào cuối tuần này.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Putin nói sẵn sàng thỏa hiệp với phương Tây sau cuộc hội đàm với Macron về Ukraine