Quan chức của WHO giải thích lý do tại sao chưa gọi sự bùng phát của virus Corona (COVID-19) là đại dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành của Chương trình khẩn cấp về sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiết lộ lý do tại sao tổ chức này chưa gọi sự bùng phát của COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải hết sức thận trọng khi sử dụng thuật ngữ 'đại dịch'. Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều trong bối cảnh dịch cúm H1N1, xem khi nào thì gọi nó là đại dịch khi nào không”, ông nói.

Ông Ryan đề xuất rằng: chúng ta chỉ có thể gọi đây là đại dịch khi nó lan rộng ra khắp các quốc gia và lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc - nơi COVID-19, hay virus Corona mới “ra đời”.

"Vào thời điểm hiện nay, chúng tôi không quan sát thấy như vậy. Và do đó, chúng tôi không thảo luận về việc đưa mức độ của dịch bệnh hiện nay lên thành đại dịch. Tôi muốn nhắc lại một lần nữa, ý kiến đã đưa ra trước đây, rằng phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc đều có quan hệ trực tiếp với Trung Quốc", ông Ryan phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai ngày 18/2.

Theo ông, điều quan trọng đối với WHO là không được gây ra nỗi sợ hãi cho mọi người trên toàn thế giới bằng cách gán nhãn cho sự bùng phát này là "đại dịch".

Chúng tôi nói rằng: "nguy cơ lây nhiễm ở Trung Quốc là rất cao, cũng rất cao trong khu vực và trên toàn thế giới. Nhưng nó không phải là nguy cơ cao của đại dịch. Nguy cơ cao là bệnh có thể lan rộng hơn và tôi nghĩ trên bề mặt tình hình đúng là như vậy", ông Ryan nhận xét.

Tuy nhiên, một ngày trước đó, Tiến sĩ Michael Fauci thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết sự bùng phát của COVID-19 đang trên bờ vực trở thành một đại dịch.

Ông Fauci nói với CBS News rằng “Nếu việc phòng ngừa không được triển khai hiệu quả hơn nữa thì điều này chắc chắn sẽ sớm xảy ra, bên cạnh đó, hai chục quốc gia bên ngoài Trung Quốc đại lục hiện nay đã có khoảng 500 trường hợp bị nhiễm virus”.

Một vài người trong số họ, ông nói thêm, bắt đầu lây sang người thứ hai và thứ ba. Theo định nghĩa chính thức, đại dịch xảy ra khi một số quốc gia có tình trạng lây truyền bệnh không ngừng từ người này sang người khác, ông Fauci giải thích.

Vài tuần trước WHO đã tuyên bố sự bùng phát của chủng virus này là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đang được quốc tế quan tâm.

Ngày 16/2, Hoa Kỳ có tổng cộng 15 trường hợp nhiễm virus từ California, Wisconsin, Massachusetts, Texas, Illinois, Arizona và Tiểu bang Washington. Tuy nhiên, con số đó đã tăng vào thứ Hai, ngày 17/2 sau khi những người Mỹ có nguy cơ nhiễm dịch bệnh mới được đưa ra khỏi một tàu du lịch cách ly và về đến Hoa Kỳ.

Các quan chức y tế cho biết: có 13 người cách ly được đưa ra khỏi tàu du lịch Diamond Princess, hiện đang cập cảng ngoài khơi Nhật Bản, đến bệnh viện ở Nebraska. Một vài người trong số đó có dấu hiệu nhiễm virus COVID-19 trong khi những người khác cho kết quả dương tính - theo thông tin từ cuộc họp báo vào thứ Hai ngày 17/2.

Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh đều đến từ Trung Quốc đại lục, tập trung quanh khu vực tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán. Các quan chức chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa hàng chục thành phố, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người đồng thời gây ra sự suy giảm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuần trước, cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói rằng ông: "Thất vọng với cách mà Trung Quốc ứng phó với sự bùng phát của Coronavirus. Hoa Kỳ hiện đang kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, chúng tôi không biết liệu Trung Quốc có làm được điều đó không”.

Thùy Minh
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức của WHO giải thích lý do tại sao chưa gọi sự bùng phát của virus Corona (COVID-19) là đại dịch