Quần đảo Solomon hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một chuyên gia ngoại giao, hiệp ước an ninh gây tranh cãi giữa Quần đảo Solomon và Bắc Kinh là một dấu hiệu cho thấy quốc đảo Thái Bình Dương này đang lợi dụng cuộc cạnh tranh cường quốc giữa Trung Quốc và các đồng minh dân chủ trong khu vực.

Ông Joseph Siracusa, giáo sư trợ giảng về ngoại giao quốc tế tại Đại học Curtin cho biết, các quốc gia nhỏ hơn sẽ đóng vai trò “các nền chính trị nhỏ dựa vào sức mạnh quân đội hoặc kinh tế” khi bị chèn ép giữa các quốc gia lớn hơn đang cố gắng giành ảnh hưởng trong một khu vực.

Đồng thời, ĐCS Trung Quốc đã và đang tận dụng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường để giành lợi ích ở Nam Thái Bình Dương bằng cách đưa ra các thỏa thuận cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đang phát triển.

“Những gì người Trung Quốc đang làm là chính sách ngoại giao cổ điển của Anh trong thế kỷ 19 và Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20 giữa Anh và Pháp”, ông Siracusa nói với tờ The Epoch Times. “Đó là về việc tận dụng đòn bẩy tiền và tài chính để có được một chỗ đứng”.

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về cạnh tranh Cường Quốc là “Ván Cờ Lớn”, xảy ra ở Afghanistan và Trung Á trong những năm 1800 giữa Đế quốc Anh và Nga — cả hai quốc gia này đã vận động ngoại giao và chính trị trong hơn một thế kỷ để tự vệ trước một cuộc xâm lược có thể xảy ra từ phía đối phương.

Theo ông Siracusa, kịch bản tương tự đang diễn ra ở Quần đảo Solomon.

“Tất cả điều này đã thay đổi khi giới lãnh đạo ở Honiara rút lại sự ủng hộ đối với Đài Bắc để chuyển sang ủng hộ Bắc Kinh; ở đây đó là thực trạng không đổi”, ông nói. “Nếu họ không thay đổi giới lãnh đạo hoặc sự trung tín, tôi chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ không đến chào mời với sổ séc của họ”.

Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon đã kiên quyết trong quyết định ký hiệp ước an ninh đồng thời đưa ra lời cam đoan với hai phái đoàn của Úc và Hoa Kỳ rằng thỏa thuận an ninh này sẽ không dẫn đến việc thiết lập một căn cứ quân sự trong khu vực.

“Khi Úc tham gia vào AUKUS, chúng tôi đã không cường điệu hay quá khích về những tác động mà điều này sẽ gây ra cho chúng tôi”, ông Sogavare nói trong một bài diễn văn trước Quốc hội Quần đảo Solomon hôm 29/04.

“Chúng tôi đã tôn trọng quyết định của Úc”, ông nói.

Theo một bản dự thảo bị rò rỉ về “Hợp tác An ninh giữa Quần đảo Solomon và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa)”, Bắc Kinh sẽ có thể điều động cảnh sát, quân đội, vũ khí và thậm chí cả tàu hải quân khi được sự đồng ý của Quần đảo Solomon, để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn của Trung Quốc ở Quần đảo Solomon”.

Các chuyên gia cho rằng một hiệp ước an ninh được thực thi đầy đủ sẽ dẫn đến căng thẳng địa chính trị tương tự như khu vực Biển Đông.

Quần đảo Solomon là địa điểm xảy ra các cuộc giao tranh khốc liệt trong Thế chiến II — dẫn đến 7,000 người thương vong cho lực lượng Đồng minh — vì vị trí trọng yếu và ảnh hưởng của quốc đảo này đối với các tuyến đường biển sống còn.

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã cảnh báo về những thách thức trong việc cạnh tranh với Bắc Kinh để giành ảnh hưởng trong khu vực.

Ông nói với đài Radio 2GB hôm 26/04: “Có 20 quốc gia ở Quần đảo Thái Bình Dương … có 20 khu vực mà chúng tôi đang tìm cách chống lại sự ảnh hưởng đó của ĐCSTQ".

“Chúng tôi là quốc gia duy nhất trên thế giới có đại sứ quán tại tất cả các quốc đảo Thái Bình Dương”, ông nói thêm. “Vì vậy, đó là một khu vực vốn đang trong tranh chấp gay gắt, song chúng tôi luôn hướng về phía trước. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải đối phó với chính quyền Trung Quốc vốn không hề tuân theo các quy tắc mà các quốc gia đang tuân thủ”.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Quần đảo Solomon hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc