Quần đảo Solomon: Thủ hiến tỉnh Maliata bị cách chức và bị vu oan vì dám phản đối Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quần đảo Solomon đã cách chức Thủ hiến tỉnh Maliata của ông Daniel Suidani vì ông Suidani dám lên tiếng và dám hành động chống lại sự can thiệp của Bắc Kinh vào quốc đảo.

Theo ông Suidani - cựu thủ hiến tỉnh Malaita (tỉnh đông dân nhất ở Quần đảo Solomon), các quốc gia cần phải rất cẩn thận khi đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì Đảng này không theo đuổi các giá trị giống như các giá trị ở các nơi khác trên thế giới.

Hệ tư tưởng của ĐCSTQ, “những người này là người vô thần. Họ không tin vào Thần. Chúng ta cần phải rất lưu tâm đến điều này bởi vì chúng ta sắp xây dựng tình bạn với một bên có những giá trị và nguyên tắc khác với chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cẩn thận, người dân cần hiểu rõ tình hình trước khi dính líu đến bất cứ điều gì với ĐCSTQ”, ông Suidani nói với The Epoch Times.

Tháng 10/2019, ông Suidani đã ban hành “Thông cáo Auki” từ văn phòng thủ hiến, một tài liệu được đưa ra để chống lại các hoạt động can thiệp và gây ảnh hưởng của ĐCSTQ. Nó cũng khẳng định các quyền cơ bản và tự do của người dân Malaitan, bao gồm quyền tự do tôn giáo và niềm tin vào Chúa, đồng thời bác bỏ “ĐCSTQ cùng các hệ thống dựa trên hệ tư tưởng vô thần của Đảng này”.

Ngoài ra, chính quyền tỉnh của ông Suidani đã cấm các nhà đầu tư mới - những nhà đầu tư có bất kỳ mối liên hệ nào với ĐCSTQ - được phép hoạt động trong tỉnh. Thông cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và chủ quyền của Malaita khỏi “các nhà đầu tư bóc lột và vô trách nhiệm”, bao gồm việc bảo vệ môi trường tự nhiên của tỉnh khỏi các công ty có liên hệ với ĐCSTQ như công ty khai thác gỗ từ rừng.

Nhưng những nỗ lực dũng cảm của ông không được lòng chính phủ của Thủ tướng Manasseh Sogavare. Trong vài năm qua, chính phủ Quần đảo Solomon đã áp dụng một loạt chính sách nhằm xoay trục các hoạt động đối ngoại để trở nên gần gũi hơn với Bắc Kinh.

Điều này bao gồm quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính phủ dân chủ Đài Loan vào tháng 09/2019, đồng thời công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Chính phủ Đài Loan sau đó đã chỉ trích quyết định của ông Sogavare vì cho rằng ông này coi thường 36 năm hợp tác giữa Quần đảo Solomon và Đài Loan.

Ông Suidani bị cách chức trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm gây tranh cãi vào tháng 02/2023. Một bài báo đăng trên tờ báo Solomon Star cáo buộc sai sự thật rằng ông thông đồng với chính phủ Đài Loan và Hoa Kỳ để âm mưu ám sát Thủ tướng Sogavare — một động thái mà ông Suidani nói có khả năng cung cấp cho chính phủ lý do để bắt giữ ông.

“Đối mặt với các hoạt động tuyên truyền sai sự thật, các con tôi rất sợ hãi”, ông Suidani nói. “Họ sợ những điều sẽ tiếp tục xảy ra trong đất nước, đặc biệt là [việc chính quyền] đang tìm mọi cách để bắt giữ tôi”.

Mua chuộc giới tinh hoa

Khi chính phủ Quần đảo Solomon xích lại gần Bắc Kinh, sự can thiệp của ĐCSTQ vào quốc đảo cũng ngày càng gia tăng.

Vào tháng 08/2022, chính phủ của ông Sogavare đã quyết định vay 66 triệu USD từ Trung Quốc để xây dựng 161 tháp viễn thông Huawei trên khắp đất nước; trong đó có 24 tháp ở tỉnh Malaita - nhưng đã bị ông Suidani từ chối.

Một báo cáo hồi tháng 02/2023, được xuất bản bởi Tổ chức Phi chính phủ về Bảo vệ Dân chủ (có trụ sở tại Washington, D.C.), cho biết ĐCSTQ đã sử dụng tiền bẩn để mua sự ủng hộ của 39 trong số 50 thành viên Nghị viện ở Quần đảo Solomon, đủ để cho phép chính phủ Sogavare hoãn các cuộc bầu cử quốc gia đã được lên kế hoạch cho năm nay. Chính phủ lập luận rằng việc hoãn bầu cử là để tập trung vào Thế vận hội Thái Bình Dương sắp tới, được tổ chức tại Honiara - thủ đô của Quần đảo Solomon.

Quần đảo Solomon: Thủ hiến tỉnh Maliata bị cách chức và bị vu oan vì dám phản đối Bắc Kinh
Ông Celsus Talifilu, cố vấn của ông Daniel Suidani (cựu Thủ hiến tỉnh Maliata, Quần đảo Solomon), nói chuyện về sự can thiệp của Trung Quốc vào Quần đảo Solomon, trong một cuộc phỏng vấn ở Toronto, Ontario, Canada, ngày 29/05/2023. (Ảnh: The Epoch Times)

Ông Celsus Talifilu, cố vấn của ông Suidani, cho biết việc “mua chuộc giới tinh hoa” là một trong những cách thức để ĐCSTQ gây ảnh hưởng đến quốc đảo.

Ông nói với The Epoch Times: “Có việc mua chuộc giới tinh hoa, có việc sử dụng pháp luật, có việc sử dụng tuyên truyền – những thứ đó đều đang được sử dụng ở đất nước chúng tôi nhiều hơn bao giờ hết”.

Kêu gọi đoàn kết

Ông Suidani, người đã đi khắp Bắc Mỹ trong vài tuần qua và đến Canada vào ngày 20/05, cho biết ông vẫn kiên định bảo vệ đất nước của mình. Tại Canada, ông kêu gọi người dân thuộc các cộng đồng khác nhau cùng đoàn kết chống lại chính quyền Bắc Kinh.

“Tôi thực sự yêu đất nước của tôi”, ông nói. “Điều khiến tôi tiếp tục [làm mọi việc] là chúng tôi muốn có quyền tự do giống như người dân Bắc Mỹ, giống như người dân Đài Loan. … Chúng tôi muốn trở thành một phần [của các xã hội dân chủ] cùng chia sẻ quyền tự do đó”.

Ông cũng kêu gọi người dân Canada hãy tìm hiểu rõ tình hình và luôn mạnh mẽ đối mặt với những hành vi gây rối từ các tác nhân nước ngoài.

Ông nói: “Chúng ta cần phải cùng nhau đứng lên chống lại những người này [ĐCSTQ] theo những cách mà chúng ta có thể, vì tự do mà chúng ta muốn để lại cho con cái và cháu chắt của chúng ta”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quần đảo Solomon: Thủ hiến tỉnh Maliata bị cách chức và bị vu oan vì dám phản đối Bắc Kinh