Quan điểm trái chiều của giới phân tích về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nhà bình luận đã bày tỏ quan điểm trái chiều về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Họ tranh luận về việc chuyến dừng chân của bà Pelosi sẽ mang đến nhiều rủi ro hơn hay nhiều lợi ích hơn cho Đài Loan.

Bà Pelosi, cùng với một phái đoàn Quốc hội Mỹ, đã đến Đài Bắc vào cuối ngày thứ 3 (02/08) bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại từ Bắc Kinh rằng họ sẽ thực hiện một loạt các hành động quân sự để đáp lại chuyến thăm.

Một chuyến thăm tùy tiện và phù phiếm

Trước khi bà Pelosi đến Đài Loan, nhà báo Thomas Friedman của tờ New York Times cho biết chuyến thăm như vậy là “hoàn toàn liều lĩnh, nguy hiểm và vô trách nhiệm”.

"Đài Loan sẽ không an toàn hơn hay thịnh vượng hơn nhờ chuyến thăm hoàn toàn mang tính biểu tượng này, và rất nhiều điều tồi tệ có thể sẽ xảy ra", ông Friedman viết vào ngày 01/08.

Những điều tồi tệ này bao gồm việc Trung Quốc đe dọa quân sự, từ đó có thể khiến Mỹ cùng lúc rơi vào các cuộc xung đột gián tiếp với một nước Nga được trang bị vũ trang hạt nhân và một Trung Quốc cũng được trang bị vũ khí hạt nhân, ông Friedman cho biết.

Theo ông Friedman, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là "không thể tồi tệ hơn" vì nó sẽ khiêu khích Trung Quốc khi Mỹ và các đồng minh châu Âu đang cố gắng ngăn cản Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.

Ông Friedman viết: “Tóm lại, cuộc chiến Ukraine vẫn chưa kết thúc, vẫn chưa ổn định, những bất ngờ đầy nguy hiểm luôn có thể bùng phát vào bất kỳ ngày nào”. "Tuy nhiên, giữa tất cả những điều này, chúng ta [Mỹ] có nguy cơ xung đột với Trung Quốc về [vấn đề] Đài Loan, được kích động bởi một chuyến thăm tùy tiện và phù phiếm của bà Chủ tịch Hạ viện?"

Ông Friedman cho biết ông tin rằng Mỹ có lợi ích quốc gia quan trọng trong việc bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc vô cớ xâm lược; nhưng nếu Mỹ xảy ra xung đột với Bắc Kinh, “ít nhất hãy để chúng ta là bên quyết định thời điểm và các vấn đề”.

Ông viết: “Đây không phải là lúc để chọc ngoáy Trung Quốc, đặc biệt khi chính trường Trung Quốc đang ở thời điểm nhạy cảm”.

Cây viết Josh Rogin của Washington Post cho biết phản ứng của Bắc Kinh đối với chuyến thăm có thể thay đổi mãi mãi mối quan hệ Mỹ - Trung và khiến Đài Loan phải gánh chịu nỗi đau lâu dài.

Sự trả đũa trong ngắn hạn của Bắc Kinh có thể sẽ nhằm vào kinh tế và xã hội của Đài Loan. Trong dài hạn, họ có thể sẽ sử dụng chuyến thăm của bà Pelosi như cái cớ cho những thay đổi quân sự của họ đối với Đài Loan, ông Rogin viết trong bài báo đăng ngày 02/08.

Tuy nhiên, ông Rogin cho rằng phản ứng thái quá của Bắc Kinh đối với chuyến thăm của bà Pelosi có thể dẫn đến việc Đài Loan và các quốc gia khác đẩy nhanh kế hoạch ‘thoát Trung’ để giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.

Ông Rogin kết luận: "Việc Bắc Kinh sử dụng các biện pháp cưỡng bức kinh tế và xâm lược quân sự sẽ tăng lên theo thời gian. Do đó, nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ Đài Loan về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao cũng phải tăng lên tương ứng".

Quan điểm trái chiều của giới phân tích về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (ở giữa) được Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu (bên trái) chào đón sau khi hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 02/08/2022. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Đài Loan/Getty Images)

Một chuyến thăm gửi đi thông điệp tự do, dân chủ

Giám đốc cấp cao Ian Easton của Project 2049 Institute - một tổ chức tư vấn của Mỹ - coi chuyến thăm của bà Pelosi là bước tiến quan trọng trong việc bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan.

Ông Easton cho biết những hành vi gây hấn mà Trung Quốc thực hiện trong nhiều năm qua đã gây bất ổn cho khu vực và thậm chí cho cả thế giới.

Đã đến lúc phải thừa nhận rằng Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi hiện trạng của hai bên eo biển Đài Loan, bao gồm cả việc hành động chống lại tập hợp ba bản tuyên bố chung giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Easton nói. Ba bản tuyên bố này trong thời gian dài đã định hướng cho chính sách Một Trung Quốc của Mỹ - chính sách mà các nhà phê bình đánh giá là đầy tính mơ hồ chiến lược.

Ông Miles Yu, người từng là cố vấn về chính sách Trung Quốc cho cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn rằng những lời đe dọa trả đũa của Trung Quốc đối với chuyến thăm của bà Pelosi là hành động tự sát.

Chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, nền dân chủ sôi động nhất châu Á và biểu tượng sâu sắc nhất của tự do, sẽ làm nổi bật căng thẳng Trung - Đài, vốn là một trận chiến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nền dân chủ trên thế giới, ông Yu lập luận.

Thông điệp mà bà Pelosi gửi đi là người dân Đài Loan không đơn độc và các nền dân chủ trên thế giới đều có chung vận mệnh khi đối mặt với các mối đe dọa từ kẻ thù của tự do, ông Yu nói thêm.

Xuân Hoa



BÀI CHỌN LỌC

Quan điểm trái chiều của giới phân tích về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi