Quân đội Ukraine sẽ tăng thêm 100.000 quân, Nga chỉ trích phương Tây 'phớt lờ' những lo ngại về an ninh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (1/2), Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã ký một sắc lệnh nhằm tăng cường lực lượng vũ trang của Ukraine thêm 100.000 quân trong vòng ba năm đồng thời tăng lương cho binh lính. Các nhà lãnh đạo châu Âu ngay lập tức đã xếp hàng ủng hộ ông trong cuộc đối đầu với Điện Kremlin. Đáp lại, Tổng thống Nga Putin đã lần đầu công khai chỉ trích phương Tây 'phớt lờ' những lo ngại về an ninh của Nga

"Sắc lệnh này được ban hành không phải bởi vì chúng ta sắp có chiến tranh, mà nhằm bảo đảm hòa bình vẫn được duy trì ở Ukraine trong tương lai", ông Zelenskiy phát biểu trước Quốc hội cùng ngày, theo Reuters.

Ukraine sẽ tăng thêm 100.000 quân

Ông Zelenskiy đồng thời kêu gọi các nghị sĩ Ukraine đoàn kết về lập trường, không gieo rắc nỗi sợ hãi về nguy cơ Nga tấn công.

"Các vị có thể đến từ những đảng phái khác nhau. Nhưng các vị không thể chống đối đất nước. Các vị có thể chê trách chính phủ hoặc tổng thống, nhưng không thể coi thường nhân dân của mình, không được gieo rắc hoảng sợ để đạt mục tiêu chính trị", tổng thống Ukraine nói.

Lực lượng vũ trang của Ukraine hiện có khoảng 250.000 người, bị Nga bỏ xa cả về số lượng lẫn mức độ hiện đại của vũ khí, bởi sức mạnh tổng thể của Nga hiện tại khoảng 900.000 người. Ukraine cho biết họ đang làm việc với Ba Lan và Anh để tăng cường hợp tác "trong bối cảnh Nga đang tiếp tục gây hấn".

Mục tiêu tăng quân số của Tổng thống Zelenskiy được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng với Nga ngày càng leo thang, khi Moscow vẫn chưa có ý định rút hơn 100.000 binh lính ở gần biên giới với Ukraine, cũng như tuyên bố không nhượng bộ bất chấp Mỹ và phương Tây đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề.

Tổng thống Ukraine cũng hy vọng sẽ sớm có quyết định thống nhất về thời gian tổ chức vòng đàm phán hòa bình khác với Nga, Pháp và Đức, theo Reuters.

Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. (Ảnh Getty Images)

Các cuộc đàm phán của Nga với Mỹ và các nước phương Tây về vấn đề Ukraine vẫn đang bế tắc, khi Mỹ liên tục cáo buộc Nga có ý định phát động chiến tranh với Ukraine, trong khi Moscow chối bỏ cáo buộc.

Mỹ đã tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt những ngân hàng quan trọng nhất của Nga để làm tê liệt nền kinh tế của nước này - một động thái được Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Menendez gọi là "vượt quá bất cứ biện pháp nào mà chúng tôi từng áp dụng trước đây".

Đáp lại, Nga ngày 1/2 cho biết sẽ không lùi bước trước những đe dọa này. "Chúng tôi sẽ không lùi bước, cũng như không chú ý đến những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ", Đại sứ quán Nga tại Washington cho biết trên mạng xã hội, nói thêm rằng chính "Washington, chứ không phải Moscow, mới là bên gây ra căng thẳng", theo AFP.

Trong chuyến thăm tới Kyiv, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, Warsaw sẽ giúp Ukraine cung cấp khí đốt và vũ khí, cũng như viện trợ nhân đạo và kinh tế.

Ông Morawiecki cho biết: “Sống gần một nước láng giềng như Nga, chúng tôi có cảm giác như đang sống dưới chân núi lửa”, đồng thời hứa hẹn sẽ hỗ trợ Ukraine về đạn dược, bom cối, hệ thống phòng không di động và máy bay không người lái giám sát.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sẽ có cuộc gặp gỡ vào thứ Ba trong khuôn khổ sự ủng hộ của phương Tây nhằm thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ phải trả giá đắt cho bất kỳ hành động gây hấn nào. Vương quốc Anh cũng công bố khoản tài trợ mới trị giá 88 triệu bảng cho Ukraine để giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại dinh tổng thống vào ngày 1/2/2022 ở Kyiv, Ukraine. Thủ tướng sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskyy để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine khi 100.000 quân Nga tập trung ở biên giới Ukraine. (Ảnh Getty Images)

"Chúng tôi kêu gọi Nga lùi bước và tham gia đối thoại để tìm ra giải pháp ngoại giao và tránh đổ máu thêm. Là một người bạn và một đối tác dân chủ, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục duy trì chủ quyền của Ukraine trước những kẻ tìm cách phá hủy nó", ông Johnson nói trong một bài phát biểu.

Phương Tây tuần trước đã chính thức bác bỏ yêu cầu của Nga cấm Ukraine gia nhập NATO và rút các lực lượng NATO khỏi Đông Âu, đồng thời bày tỏ sẵn sàng thảo luận về các biện pháp kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin.

Nga chỉ trích phương Tây 'phớt lờ' những lo ngại về an ninh

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/2 nói rằng, những lo ngại về an ninh của Nga đã bị phớt lờ khi căng thẳng bùng phát giữa Moscow và NATO về vấn đề Ukraine.

Ông Putin nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban: “Chúng tôi đang phân tích kỹ các hồi đáp bằng văn bản nhận được của Mỹ và NATO. Nhưng rõ ràng mối quan tâm cơ bản của Nga đã bị phớt lờ”.

Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin. (Ảnh Getty Images)

Đây là những phát biểu công khai đầu tiên của ông Putin trong nhiều tuần qua về cuộc khủng hoảng do lo ngại Nga xâm lược Ukraine. Sau khi Nga đưa ra các đề xuất an ninh sâu rộng, điều hàng chục nghìn binh sĩ tới biên giới với Ukraine.

Cuối tháng trước, Mỹ đã hồi đáp với sự phối hợp của các đồng minh NATO. Theo đó, Mỹ đã bác yêu cầu của Nga về cấm Ukraine gia nhập NATO nhưng đưa ra cái mà họ gọi là "con đường ngoại giao" mới để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Ông Putin nói: “Chúng tôi không thấy sự cân nhắc đầy đủ ba yêu cầu chính của chúng tôi liên quan đến việc NATO ngừng mở rộng, không triển khai các cơ sở tấn công gần biên giới Nga, và việc quay lại hiện trạng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu như năm 1997. Khi phớt lờ những lo ngại của chúng tôi, Mỹ và NATO viện dẫn quyền của các nước được tự do lựa chọn cách thức đảm bảo an ninh của mình”.

Huyền Anh
Theo Reuter



BÀI CHỌN LỌC

Quân đội Ukraine sẽ tăng thêm 100.000 quân, Nga chỉ trích phương Tây 'phớt lờ' những lo ngại về an ninh